Gánh nặng giá sách giáo khoa: Vì đâu nên nỗi?

Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) là đúng đắn, nhưng sau 3 năm triển khai thay SGK, Bộ GD&ĐT không thể ngờ thị trường sách lại có cục diện như hiện nay.

Con tin của các nhà xuất bản

Đối với các nhà xuất bản (NXB), phụ huynh và học sinh là khách hàng, còn SGK là sản phẩm thương mại. Vì vậy, rất có thể trong thời gian tới, các NXB có quyền xuất bản hoặc dừng lại đối với SGK các lớp học tiếp theo với nhiều nguyên nhân liên quan đến vốn, nhân lực viết sách… Việc một bộ SGK được tồn tại hay bị khai tử phụ thuộc vào lợi nhuận nó mang lại cho NXB thế nào. Năm 2019, dư luận dậy sóng khi bản hợp đồng trả tiền thù lao viết SGK của NXB Giáo dục Việt Nam cho 11 chuyên viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM. Hợp đồng này tồn tại từ năm 2015 khi Bộ GD&ĐT bắt đầu có chủ trương đổi mới chương trình và SGK. Mức chi dao động từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng. Theo 2 văn bản của NXB Giáo dục Việt Nam, từ năm 2015, NXB này đã chi mỗi năm 516 triệu đồng cho 11 thành viên trong Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam, trực thuộc Sở GD& ĐT TPHCM. Chi phí cho việc “nuôi quân” dài ngày này đều được tính vào giá thành mỗi bộ SGK kèm theo các chi phí khác như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nói trước Quốc hội là khổ to, giấy đẹp.

Gánh nặng giá sách giáo khoa: Vì đâu nên nỗi?-1

Phụ huynh vẫn phải mua SGK cho con dù giá tăng Ảnh: Như Ý

Không những thế, để tăng thu kinh phí, các NXB xé nhỏ các môn học tổ hợp, phát hành không phải theo môn học, mà theo chuyên đề. Ví dụ, bộ SGK lớp 10 được đưa vào trường học từ năm học 2022 - 2023, riêng môn học Mỹ thuật lớp 10 đã có tới hơn chục đầu SGK theo từng chuyên đề. Môn giáo dục thể chất lớp 10 cũng có tới 4 SGK trong một bộ sách ứng với 4 chuyên đề: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…

Từ năm 2021, Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, trong khi chờ Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, SGK vẫn là mặt hàng kê khai giá như hiện nay.

Một chương trình nhiều bộ SGK là chính sách đúng đắn. Nhưng như GS. TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định SGK là mặt hàng đặc biệt, liên quan hàng chục triệu gia đình có con đi học, NXB có tăng giá, dân vẫn bắt buộc phải mua, nên không phải muốn tăng thế nào cũng được. Do đó, phải có hội đồng thẩm định giá SGK; cương quyết không được để NXB tự định giá, Nhà nước phải quản lý vấn đề này.

Bộ GD&ÐT sẽ luôn bị động

Không riêng năm 2022, việc thay SGK cuốn chiếu như hiện nay cho thấy bức xúc của dư luận sẽ vẫn còn kéo dài nếu các bộ, ban, ngành liên quan không có những giải pháp cụ thể để “giải nhiệt” giá SGK.

Nhiều ý kiến cho rằng khi bức xúc về SGK mới, vấn đề mọi người quan tâm không phải đắt hay rẻ mà vì sự lãng phí khi SGK chỉ sử dụng được 1 năm. Sự lãng phí này mới là đắt... Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích, các sách biên soạn theo bộ mới là hoàn toàn dùng lại được, chứ không phải là sách dùng một lần. Nhưng giải thích này của Bộ trưởng tiếp tục gây ra tranh luận gay gắt. Chị Trịnh Thị Ngọc Anh (có con học tại trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm lớp 1 con học sách tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều, nhưng sau khi bộ sách này bị chỉ ra nhiều lỗi, đến năm sau, nhà trường chuyển sang mua sách tiếng Việt của bộ sách khác. Như vậy, dù trong một trường nhưng lớp sau vẫn không thể học lại sách của lớp trước. Đó còn chưa kể mỗi trường chọn bộ sách khác nhau, học xong không biết ai cần để cho. Đối với chương trình cũ, chỉ duy nhất một bộ SGK thống nhất chung trên toàn quốc nhưng theo báo cáo chỉ có khoảng 35% được sử dụng lại, còn 65% trở thành giấy vụn. Với chương trình mới nhiều bộ SGK, tỷ lệ sử dụng lại có lẽ còn thấp hơn rất nhiều.

Mặt khác, một trong những lý do khiến dư luận bức xúc là Bộ GD&ĐT từng có cơ hội để giảm giá SGK cho người dân nhưng Bộ đã không làm. Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT phải viết một bộ SGK bằng nguồn ngân sách từ vốn vay ODA thực hiện đổi mới chương trình SGK. Đây là cơ hội để người dân được mua SGK rẻ hơn và tránh việc bị các NXB ép giá. Tuy nhiên, trả lời trước Quốc hội tháng 5/2019, khi đó ông Phùng Xuân Nhạ đang là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Hầu hết các tác giả có khả năng viết SGK đều đã ký hợp đồng với một số NXB và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến.

Trong đó, phải kể đến bộ sách Cánh Diều đã mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham gia viết bộ SGK này. Những thành viên còn lại của Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phần lớn những tác giả có khả năng viết SGK thì đã đầu quân cho NXB Giáo dục Việt Nam để viết thêm 4 bộ SGK khác.

Tuy nhiên, một chuyên gia giáo dục phân tích, việc không viết được một bộ SGK viện dẫn những lý do trên là Bộ GD&ĐT đang ngụy biện. Vì chỉ tính riêng các chuyên gia giáo dục đang làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một đơn vị trực thuộc Bộ cũng đủ để viết SGK. Đây là nhân lực ăn lương và làm việc cho Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, rất nhiều người ở Viện này là tác giả viết SGK cho các nhà NXB. Bên cạnh đó, trong tay Bộ GD&ĐT còn có ít nhất 5 trường ĐH Sư phạm lớn trên toàn quốc. Các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên của các trường sư phạm này hiện cũng là tác giả viết SGK cho các NXB. Không những thế, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 với số tiền lên đến gần 10.000 tỷ đồng có nhiệm vụ biên soạn 1 bộ SGK tiếng Anh hoàn chỉnh từ lớp 3 đến lớp 12 nhưng đến năm học tới đã thay sách đến lớp 3, 7, 10 nhưng SGK tiếng Anh của đề án vẫn còn là bí mật. Người dân vẫn phải mua SGK tiếng Anh với giá cao.

Về số phận một bộ SGK của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Nghị quyết 122 năm 2020 quy định, khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân. Có chính sách hỗ trợ SGK đối với học sinh và thư viện trường phổ thông vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tuy nhiên, với giá SGK như hiện nay, yêu cầu của Quốc hội về bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân đang chưa đạt được như mong muốn. Còn về SGK tiếng Anh do Đề án Ngoại ngữ Quốc gia biên soạn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vẫn chưa có câu trả lời.

Theo Tiền Phong


sách giáo khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.