Chàng trai Quảng Ngãi quỳ lạy mẹ trong ngày tốt nghiệp thạc sỹ

Mấy ngày qua, hình ảnh chàng trai quỳ lạy mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp thạc sỹ được cư dân mạng liên tục chia sẻ.

Nam sinh trong bức ảnh là Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1998, quê Quảng Ngãi). 

Chia sẻ với VietNamNet, Hoàng Anh cho biết em vừa tốt nghiệp thạc sỹ ngành Kinh tế luật của Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương). Mẹ em từ quê nhà ở Quảng Ngãi đã vào Bình Dương để chúc mừng em trong ngày lễ đặc biệt.

Nói về hành động khoác lễ phục thạc sỹ lên người mẹ, quỳ lạy mẹ trong ngày nhận bằng thạc sỹ Hoàng Anh bày tỏ: “Em lớn lên thiếu vắng sự quan tâm, tình thương của ba. Mẹ là người đã vất vả hy sinh, nuôi em khôn lớn, nhờ có mẹ em mới có tấm bằng này. Còn mẹ là điều hạnh phúc nhất trên đời vì thế em quỳ lạy để cảm ơn sự hy sinh trời biển của mẹ và lưu lại kỷ niệm đẹp với mẹ. Lúc em quỳ lạy, mẹ em không nói gì. Mẹ cúi xuống nhìn em. Em biết trong lòng mẹ rất vui”.

Gánh bún nuôi con khôn lớn 

Mẹ của Hoàng Anh là bà Nguyễn Thị Kim Chung (62 tuổi). Bà làm nghề bán bún ở chợ Quán Lát (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã hơn 40 năm. Trong mắt Hoàng Anh, mẹ là người hiền lành, chân chất. Cuộc đời bà đã trải qua vô vàn khổ cực để nuôi 2 con nên người.

Chàng trai Quảng Ngãi quỳ lạy mẹ trong ngày tốt nghiệp thạc sỹ-1
Bức ảnh chàng trai quỳ lạy mẹ trong ngày tốt nghiệp thạc sỹ gây xúc động với nhiều người. (Ảnh NVCC)

Hoàng Anh cho biết, đây là lần đầu tiên mẹ em nghỉ chợ 3 ngày liền để dự lễ tốt nghiệp của con. Từ lúc học tiểu học đến hết THPT, mẹ em chưa từng đi họp phụ huynh cho em lần nào, thậm chí cả lúc ốm đau, vì mẹ phải đi chợ bán bún kiếm tiền.

“Mỗi ngày, mẹ em chỉ ngủ có mấy tiếng đồng hồ. Ban ngày mẹ đi bán bún ở chợ, tối về ngâm gạo rồi 1h sáng dậy đi xay, làm bún để kịp phiên chợ. Không biết bao nhiêu lần mẹ mượn tiền cho em đóng học phí rồi trả góp, bao lần đàn heo non phải bán. Mẹ làm ngày đêm, đi bán từng cân bún. Dù mưa bão, mẹ cũng cố đi bán dạo vì sợ con không có tiền học…”, Hoàng Anh nói.

Dù nhà nghèo nhưng bà Chung chưa từng từ chối con xin tiền học, mua sách vở bởi bà luôn mong muốn con học hành đến nơi đến chốn, có cái chữ cuộc đời mới bớt khổ.

“Trước nay, mẹ không dám nghỉ một buổi chợ vì sợ các con đói, không có tiền đóng học nhưng khi em báo mẹ dự lễ tốt nghiệp thạc sỹ, mẹ háo hức, chuẩn bị cả quần áo, giày dép đẹp để dự vì mẹ đã mong đợi ngày này từ rất lâu. Mẹ lúc nào cũng hỏi lúc nào con tốt nghiệp? Mẹ em cứ mong mãi. Lúc học xong đại học, dịch Covid-19 nên trường không tổ chức tốt nghiệp. Đến khi em học xong thạc sỹ, mẹ mới tham dự”, Hoàng Anh chia sẻ.

Cảm ơn mẹ không chỉ bằng hành động quỳ lạy 

Năm vào lớp 10, Hoàng Anh không thi đậu vào trường THPT công lập, phải chọn học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề huyện Mộ Đức.

Chàng trai Quảng Ngãi quỳ lạy mẹ trong ngày tốt nghiệp thạc sỹ-2
Nguyễn Hoàng Anh chụp ảnh cùng mẹ trong buổi lễ đặc biệt. Thấy con trai nhận tấm bằng thạc sỹ bà Chung không giấu được niềm vui, hạnh phúc. (Ảnh NVCC)

“Lúc không thi đậu vào cấp 3 em nói với mẹ nhưng mẹ cũng không biết có trường nào để cho em học hay không. Sau em được giới thiệu vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Suốt 3 năm cấp 3, mẹ cũng không biết trường của em ở đâu nhưng mẹ luôn động viên em cố gắng học, luôn cố gắng để em không thiếu tiền đi học”, Hoàng Anh nhớ lại.

Nhà cách trường hơn 10 km, đã từng bị bạn bè doạ nạt nhưng Hoàng Anh vẫn đi học đều đặn, quyết tâm học hành.

“Năm lớp 10, lần đầu tiên em nhận được học bổng 600 nghìn khuyến khích học tập. Em được đứng nhận trước buổi lễ chào cờ. Từ lúc đó em đã tự nhủ sẽ nỗ lực học tập, một ngày nào đó sẽ thành công”, Hoàng Anh nhớ lại.

Tốt nghiệp THPT, Hoàng Anh thi đậu vào Trường ĐH Thủ Dầu Một, chuyên ngành Luật Kinh tế. Sau đó, em tiếp tục học lên thạc sỹ.

Chàng trai Quảng Ngãi quỳ lạy mẹ trong ngày tốt nghiệp thạc sỹ-3
Bà Chung cả đời vật vả làm lụng nuôi con khôn lớn, trưởng thành. (Ảnh NVCC)

Thương mẹ vất vả nên trong suốt thời gian học, Hoàng Anh đã làm thêm nhiều việc và cố gắng giành học bổng để có tiền trang trải sinh hoạt.

Hoàng Anh là 1 trong 9 sinh viên Việt Nam được tổ chức quốc tế P2A xét chọn đến Trường ĐH Công nghệ Malaysia và Trường ĐH BINUS Indonesia để tham gia trao đổi kinh nghiệm học tập, làm việc giữa sinh viên, giảng viên các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Hoàng Anh còn là đại sứ học bổng Panasonic năm 2023.

Hiện tại Hoàng Anh đang giảng dạy tại 2 trường trung cấp ở Bình Dương. Hoàng Anh mong muốn được dạy tại Trường Thủ Dầu Một nhưng do trường chưa có kế hoạch tuyển dụng nên em vẫn đang chờ cơ hội.

Sau bức ảnh nổi tiếng trên mạng xã hội, Hoàng Anh cho biết mẹ em rất vui, hạnh phúc vì được nhiều người chúc mừng “con trai bà Chung bán bún đã thành thạc sỹ”.

Bản thân Hoàng Anh cũng nhận được nhiều lời chúc mừng, ủng hộ. Bên cạnh đó, có cũng những bình luận không hay.

“Em không quá bận tâm vì những bình luận đó. Có lẽ do mọi người chưa ở hoàn cảnh của em nên không thấu hiểu hết sự biết ơn của em dành cho mẹ. Hành động quỳ lạy mẹ của em xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với mẹ”, Hoàng Anh nói.

Hoàng Anh chia sẻ, hiện tại em đã đi làm có tiền nên hàng tháng gửi về phụ mẹ để cuộc sống mẹ đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó, em đang làm hồ sơ để học lên tiến sĩ.

“Học xa hơn nữa cũng là ước mong của mẹ em nên hiện hiện tại em đang hoàn thiện hồ sơ học tiến sĩ. Sau khi học xong có lẽ em sẽ về quê giảng dạy để tiện phụng dưỡng mẹ bởi vì mẹ chỉ sống một mình và mẹ cũng không muốn đi đâu xa, chỉ muốn được sống trên mảnh đất quê hương”, Hoàng Anh cho hay.

 

The Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/chang-trai-quang-ngai-quy-lay-me-trong-ngay-tot-nghiep-thac-sy-2236987.html?fbclid=IwAR1KhZxyaaipvm2DwN3CB7NuZbSDuvzcYPoFb-V87MGld_jYoCC3brqIiCo

người mẹ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.