"Nếu muốn kiếm tiền thì đừng học Y" và dòng tâm sự cần đọc hết

Dòng Confession trải lòng đầy xúc động và chân thành của một sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đang thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng.

Dòng Confession trải lòng đầy xúc động và chân thành của một sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đang thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng.

Có thể nói, nghề Y là một nghề danh giá, có đồng lương cao, được nhiều người mơ ước.

Tuy nhiên, những tiêu cực xảy ra ở ngành Y tế làm xôn xao cộng đồng như trẻ bị chết sau khi tiêm vac xin, trẻ sơ sinh bị bắt cóc, sản phụ bị chết oan vì không được cấp cứu kịp thời, nạn hối lộ, phong bì…khiến cho không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm với các bác sĩ.

Nghề Y là một nghề danh giá, có đồng lương cao, được nhiều người mơ ước. (Ảnh minh họa)


Mới đây, dòng Confession trải lòng đầy xúc động và chân thành của một sinh viên trường Đại học Y Hà Nội về "mặt tối" phía sau sự trầm trồ, ngưỡng mộ cũng như sự “ném đá”... đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Nguyên văn dòng chia sẻ như sau:

Chỉ là một chút trải lòng.

Vào nghề y, hàng xóm ai cũng bảo sau này giàu rồi nhé, phất lên rồi. Nhưng, ai thực sự dấn thân vào con đường này có lẽ thấu hiểu tất cả.

Trong khi bạn bè cùng tuổi đã có thể đi làm, tôi vẫn ngồi đây và học. Trong những đứa bạn chụp ảnh chơi đây đó, tôi vẫn vùi mình vào thư viện. Trong khi họ gửi tiền phụ giúp cha mẹ, tôi vẫn ngửa tay xin tiền.

Có lẽ không phải tất cả, nhưng hầu hết các bạn đeo đuổi nghề y vì ước mơ, về sự cao thượng của nó, được mọi người kính trọng.

Buồn lắm, thật sự buồn. Bây giờ lên báo, là mọi người mỉa mai bác sỹ, ra đường ai cũng bảo ăn tiền ngon như bác sỹ, bác sỹ bị hành hung họ nói là vừa, mấy thằng bác sỹ làm gì người ta mới vậy?

Mình thật sự không hiểu sao mọi người lại cố quy chụp cả nghề y như vậy? Ác cảm như vậy?

Biết rằng một số người không tốt gây ấn tượng xấu nhưng có ai hiểu những hy sinh cao cả của những bác sỹ, y tá... yêu nghề, yêu người.

Có ai thấu hiểu những đêm trực, những kỳ thi, những đêm thức trắng bên ánh đèn, trong khi người khác đang cuộn mình trong chăn ấm áp.

Có ai thấu hiểu những nỗi buồn nhớ mẹ, nhớ cha khi học hoài không có thời gian về. Để cha mẹ già yếu lặn lội lên thăm con.

Có ai biết chúng tôi đã hy sinh tuổi trẻ, sức khỏe của mình như thế nào? Chỉ đổi lấy sự ác cảm, mỉa mai thôi sao?

Còn đó rất nhiều bác sỹ, y tá... đang dâng hiến cuộc đời mình cho sự sống.

Tôi từng đọc bài báo về anh bác sỹ nội trú, gần 30 tuổi rồi anh vẫn xin tiền cha mẹ, suốt ngày ở bệnh viện, anh cũng buồn, cũng nghĩ về cái nghề. Rồi anh lại quyết tâm, vì nghề y cao quý lắm, hạnh phúc lắm khi thấy người bệnh được cứu.

Nhưng những bác sỹ chúng tôi cũng cần tiền, cần sống, cần nuôi cha mẹ. Nhiều người nói "Nếu muốn kiếm tiền thì đừng học y". Cũng biết thế, nhưng xin hãy nghĩ nhiều hơn cho chúng tôi.

Ngày cha lên thăm, tôi bất ngờ sửng sốt, đôi mắt cha vẫn hiền từ, nhưng làn da thì đen hơn nhiều lắm, đôi tay cha nứt nẻ, chai sạn đi. Tôi nhìn dáng cha gầy gò, ngồi lọt thỏm giữa căn nhà trọ nhỏ mà nước mắt muốn trào.

Cha đem theo cả giỏ đồ, nào là chuối, là bó rau non cha nhổ ngoài vườn chưa kịp lớn. Rồi đưa tiền cho tôi, bảo đừng thức khuya quá, tiền này mua đồ ăn đi, tiền đóng học phí cha vay được rồi, căn dặn đủ thứ.

Đôi khi tôi tự hỏi, tôi là bác sỹ, tôi phải vì tất cả mọi người, là một nghề cao quý, như vậy để làm gì? Khi lương tháng bác sỹ không đủ ăn, đủ mặc, cố tiết kiệm tiền gửi về chút ít.

Đôi khi muốn mua cho mẹ hộp sữa, mua cho cha đôi giày cũng phải cố gắng lắm.

Nhưng còn đó những hoài bão, ước mơ. Tôi mơ thấy những nụ cười hạnh phúc khi khỏi bệnh, những phép màu cho sự sống, những đau đớn không còn nữa.

Tôi tin cha mẹ biết được cũng sẽ ủng hộ tôi. Và tôi tin còn nhiều lắm những bác sỹ, y tá... những sinh viên trường Y có tâm hồn thật đẹp và cao thượng.

Tôi thật sự thích câu nói này: "Hãy sống như một ngọn nến".

("Người bác sỹ là một ngọn nến, đốt cháy chính mình để soi sáng cho cuộc sống tâm tối đau đớn của bệnh nhân")

Cám ơn các bạn nghe những nỗi lòng của tôi”.



Confession nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán của cư dân mạng. Đa số các bình luận đều thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với nỗi lòng của bạn sinh viên này, đồng thời an ủi, động viên cố gắng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bình luận thể hiện ý kiến trái chiều, cho rằng chính ngành Y cũng mắc nhiều sai sót mà dẫn đến sự thiếu thiện cảm của mọi người.

Bạn Phong Lan để lại bình luận: “Nói thật nhé mình thấy ngành Y bị xã hội mỉa mai, chán ghét không phải không có nguyên nhân.

Bạn cho đi như nào thì nhận về như thế, còn về tiền lương thì thầy mình từng nói chẳng có bác sỹ nào nghèo cả chỉ là chưa đến lúc giàu thôi. Cứ từ từ bạn ạ”.



Bạn có nick facebook Lan Anh Nguyen thì cho rằng: “Báo chí và thiên hạ có thể quy chụp nhưng những những người quan tâm đến ngành Y trong xã hội cũng không phải là ít, nhất là bệnh nhân và người nhà của họ.

Khi phải chiến đấu với bệnh tật và may mắn chiến thắng nó nhờ có các bác sĩ tận tâm là điều không thể phủ nhận.

Cá nhân mình rất ngưỡng mộ các em/bạn/anh, chị học Y, mình tin là có hi sinh, có cố gắng thật sự sẽ luôn được đền đáp xứng đáng, còn những điều tầm thường vớ vẩn vẫn mãi chỉ là những điều tầm thường vớ vẩn thôi.

Mong bạn/anh/chị cố gắng tiếp trên con đường không trải đầy hoa hồng này nhé”.

Bạn Hoan Trần cũng đồng quan điểm: “Thực ra nghề nào cũng sẽ có những vất vả và nỗi khổ riêng thôi. Mình trong nghề này thì thấy nó vậy, nhưng nếu làm trong nghề khác liệu rằng mình có thấy đỡ vất vả, khổ cực hơn không?

Nghề nào cũng sẽ có tiêu cực và bị người đời nói này nói nọ thôi, nhưng quan trọng là mình nghĩ gì, mình sẽ làm gì.

Mình có làm theo hướng tiêu cực mà họ nghĩ hay không. Một người tận tình, yêu nghề sẽ làm những người xung quanh thay đổi dần các suy nghĩ tiêu cực về nghề Y, rồi tích tiểu thành đại thôi.

Cứ nghĩ thoáng ra mà sống, sống sao cho “tâm” mình thỏa mái là được rồi".

Theo Infonet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.