Ngày càng nhiều người trẻ ủng hộ 'ăn cơm trước kẻng'

“Dại gì mà không ‘thử’ trước khi mua đồ” là tâm lý của Huệ (Mễ Trì, Hà Nội) về chuyện quan hệ trước hôn nhân, giống như nhiều bạn trẻ khác.

Theo Huệ, thời đại bây giờ không còn phong kiến như xưa, quan trọng là phải biết mình trao thân gửi phận có đúng chỗ không. Sau khi đã xác định được điều đó thì không cần ân hận vì việc mình đã làm. Chị cũng chia sẻ thêm, sau thời gian dài yêu nhau, đích đến tình yêu của chị là cậu con trai bụ bẫm đáng yêu.

Cho rằng "chuyện ấy" cũng là cách thể hiện tình yêu, My (quận Ba Đình, Hà Nội) và bạn trai đã quyết định quan hệ sau gần 2 tháng yêu nhau. “Không thể phủ nhận chuyện ấy giúp chúng mình gắn bó với nhau hơn rất nhiều, nếu không có nó, chưa chắc hai đứa đã ‘thọ’ được đến giờ”. Hiện My và người yêu sắp làm đám cưới và hoàn toàn hài lòng với những gì đã xảy ra.

Thuộc phe trung lập, Trang (Nghi Tàm, Hà Nội) cho biết không ủng hộ cũng không phản đối chuyện “ăn cơm trước kẻng”, vì mỗi người có hoàn cảnh riêng. Bản thân chị và người yêu vài lần suýt làm "chuyện ấy". Thậm chí, hai người từng có lần chở nhau đi tìm nhà trọ, vòng quanh khu khách sạn mấy lần, rồi lại quyết tâm thoát khỏi “vùng nguy hiểm”. Người yêu Trang, hiện là chồng chị cũng thú nhận: “Khi ấy mình thích lắm nhưng phải đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt. Mình muốn để dành đến khi nào nhịn hết nổi thì…”.

Trang nói thêm, chị luôn thông cảm với những cô gái dại dột trao thân trước khi cưới mà không được đền đáp xứng đáng, chứ không bao giờ có ý định chê bai, trách móc họ, bởi “tình yêu có ma lực khiến con người ta khó có thể tỉnh táo được. Nếu đã xảy ra, hãy biết chấp nhận, có sức chơi có sức chịu mà”.

an-com.jpg

Ảnh minh họa: blogspot

Có cùng quan điểm, Hải Anh (25 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) cho rằng chuyện quan hệ trước khi cưới không thể nói đúng sai được, tùy đánh giá của mỗi người. Vì mọi khái niệm và định kiến chỉ là tương đối. Chẳng hạn ở nhiều nước có người yêu mà không chịu quan hệ sẽ bị coi là không tôn trọng nhau.

Anh chia sẻ thêm, giờ tuổi lập gia đình của nữ giới không còn là 16-17 như trước mà 29-30 là chuyện bình thường. Như thế có nghĩa “họ phải tự vứt đi những năm tháng đẹp nhất của tuổi xuân chỉ để giữ gìn cho một khái niệm trừu tượng nào đó. Đồng nghĩa với sự giữ gìn là kìm nén bản năng và nhu cầu tự nhiên”!

Đứng về "phe phản đối" là những người từng bị thiệt thòi khi rơi vào hoàn cảnh này, hoặc lo xa cho tương lai của các cô gái. Hòa (Phương Mai, Hà Nội) cho rằng tình yêu đâu chỉ đơn thuần là quan hệ tình dục. Nếu yêu nhau thật lòng thì phải gìn giữ, tôn trọng lẫn nhau. Bởi sau cùng, người con gái vẫn chịu thiệt thòi hơn cả. Minh chứng của chị là sau 10 năm yêu nhau, hai người vẫn giữ được trinh tiết đến tận đêm tân hôn và cảm thấy “thật thiêng liêng, mãn nguyện”.

Còn Lan (22 tuổi, Vĩnh Yên) buồn bã khi chia sẻ về mối tình đầu thất bại: “Mình trao cho hắn tất cả, quay ra hắn bùng mất, nên mình không ủng hộ chuyện này lắm, và lấy bản thân ra làm trải nghiệm”.

Chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng Tư vấn TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM khẳng định, không thể nhân danh tình yêu để đòi hỏi "tất tần tật" về thể xác, bởi đằng sau đó còn rất nhiều hệ lụy mà cả hai người phải đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm. Đặc biệt trong chuyện này, phái nữ bao giờ cũng thiệt thòi nhất. Vì thế khi yêu, bạn gái nên cân nhắc thật nghiêm túc xem đâu mới là thời điểm thích hợp để trao gửi “cái ngàn vàng”. Việc trao thân gửi phận cho đúng người, đúng thời điểm sẽ mang lại sự gắn bó khăng khít giữa hai bạn, đồng thời tăng sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Còn nếu "chọn lầm mặt để gửi vàng", bạn sẽ phải trả giá rất lớn.

Theo ông, có người ví việc quan hệ tình dục trước hay sau hôn nhân giống như khi được tặng món quà trước sinh nhật, bạn có đủ can đảm chờ đợi đến đúng ngày sinh nhật mới mở hộp ra không thôi. Đó là quyền tự do của mỗi cá nhân. Dù vậy, trên thực tế từng xảy ra nhiều trường hợp người con gái sau khi đã "dâng hiến" bị bạn trai quay lưng chà đạp và đòi chia tay mặc cho bạn gái đau khổ níu kéo.

Vậy đâu là thời điểm "chín mùi" cho việc quan hệ tình dục? Ông Thảo cho rằng, thời khắc đẹp nhất chính là đêm tân hôn, khi mà hai người đã hội đủ mọi điều kiện, đã xác định sống trọn đời trọn kiếp với nhau và cùng nhau chịu mọi trách nhiệm về hành vi của mình.

Thạc sĩ Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM) thì cho rằng, bản chất của việc "ăn cơm trước kẻng" thật sự là không xấu. Xấu hay không là ở lý do của hành động ấy (muốn tìm hiểu sự hòa hợp hay muốn chiếm đoạt…), là hậu quả hay hiệu quả mà nó mang đến (mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai…).

Đôi lứa nào yêu nhau thật sự, muốn hòa hợp hoàn toàn trong tình yêu, đồng thời đủ khả năng kiềm chế, kỹ năng phòng ngừa hậu quả, đặc biệt là cả hai bên đều hoàn toàn đồng thuận và hạnh phúc để đến với nhau hết mình, thì việc quan hệ tình dục trước hôn nhân là quyền của hai bên. Còn một bên bị cưỡng ép, hoặc để lại hậu quả về mặt thể chất cũng như danh dự, để lại vết thương tâm hồn vì bị khinh thường ruồng bỏ sau đó thì hành động này đáng để lên án.

Chuyên viên tư vấn Phạm Thị Lan cũng có quan điểm tương tự. Theo bà, việc quan hệ tình dục xuất phát từ nhu cầu tình cảm của mỗi cá nhân. Cũng giống như nhu cầu ăn, uống, vui chơi… và đây là xuất phát từ nhu cầu được thỏa mãn âu yếm, yêu thương và chiếm hữu lẫn nhau trong mặt tình cảm.

Những bạn phản đối chuyện "ăn cơm trước kẻng" thường cho rằng, nó sẽ mang lại cho người phụ nữ nhiều thiệt thòi, đau khổ như nạo phá thai; sự vô trách nhiệm của người bạn tình sau khi quan hệ; sự không tôn trọng với lý do dễ dãi (chủ yếu ở đây là cánh mày râu). Sâu xa hơn nữa là sự khó khăn, mặc cảm của bạn gái nếu phải yêu một ai khác mà không phải là người mình từng quan hệ. Ngoài ra sự khó chấp nhận và tha thứ của bạn trai mới hoặc người chồng cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ cho rằng quan hệ trước khi cưới là không nên.

Ngược lại, những người đồng ý với việc "ăn cơm trước kẻng" chưa chắc đã là người thực hiện chuyện ấy trước hôn nhân. Bởi họ có thể chấp nhận và thông cảm với người khác nhưng bản thân họ, chưa chắc đã thực hiện được việc này một cách dễ dàng.

"Sẽ là phiến diện một chiều nếu cho rằng quan hệ trước hôn nhân là xấu. Mọi việc đều có tính hai mặt, nếu 'ăn cơm trước kẻng' xuất phát từ sự hiểu biết, nhận thức rõ ràng, có trách nhiệm của hai bên thì hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng nếu nó chỉ là cảm xúc nhất thời nhằm thỏa mãn nhu cầu đơn giản và để chứng minh cho một điều gì đó phù phiếm thì hoàn toàn không nên", chuyên gia nói.

Cũng theo bà, phần lớn trường hợp quan hệ trước khi cưới, đặc biệt là với các bạn trẻ đang còn ngồi trên bục giảng, thường chỉ để thỏa mãn những cảm xúc và nhu cầu nhất thời. Chính vì vậy trước khi quyết định tiến đến chữ X thứ 3, các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ để tránh hối tiếc về sau.

Theo VnExpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.