Sinh viên kiếm tiền từ dịch vụ giao hàng tận nơi

Giao hàng tận nơi tưởng chừng đơn giản, thu nhập cao, nhưng không ít bạn trẻ phải lao đao, cực khổ khi làm nghề này.

Giao hàng tận nơi tưởng chừng đơn giản, thu nhập cao, nhưng không ít bạn trẻ phải lao đao, cực khổ khi làm nghề này.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều loại hình kinh doanh online xuất hiện, kèm theo là dịch vụ giao hàng tận nơi. Đây cũng là việc làm thêm được nhiều bạn trẻ chấp nhận khi có thể chủ động thời gian, ít ảnh hưởng học tập.

Thu nhập khá, linh hoạt thời gian

Để kiếm thêm thu nhập, Diệu Linh - sinh viên Cao đẳng Truyền hình Hà Nội - lựa chọn bán mỹ phẩm online. Nữ sinh chọn cách tự chuyển hàng cho khách để tiết kiệm chi phí.

Theo Linh, khách hàng thường không quá khắt khe về giờ giấc. Do đi học nên nữ sinh chọn buổi trưa hoặc tối muộn chuyển đồ. Một số trường hợp địa chỉ xa, Linh hẹn gửi hàng sớm hơn.

Với mong muốn thuận tiện cho việc đi lại, 9X thường kết hợp những đơn hàng có địa điểm gần nhau. Mỗi ngày, nữ sinh trả hàng 10-15 nơi yêu cầu. Giá trung bình 10.000 đồng - 30.000 đồng một khách, tùy địa chỉ xa gần. Hàng tháng, ngoài thu nhập từ bán hàng online, Linh kiếm thêm 6-7 triệu đồng nhờ việc giao hàng.

Đối với những bạn chịu khó giao đồ ăn đêm hoặc sáng sớm, thu nhập sẽ cao hơn. Minh Nam - sinh viên năm thứ ba, Đại học Hòa Bình - kể: "Mình chuyển hàng được gần một năm. Ban đầu, mình nhận chuyển quần, áo..., tiền công mỗi chuyến cao nhất 30.000 đồng. Khi một quán ăn đêm tuyển nhân viên giao hàng tận nơi, họ trả cao hơn, mình đã đăng ký". Mỗi tháng, Nam kiếm được 8-10 triệu, tùy sức khỏe và lượt giao hàng.

Tháng cao điểm, những sinh viên chăm chỉ cũng thu về số tiền lớn, đáp ứng các nhu cầu cá nhân.

"Dịp giáp Tết vừa qua, nhu cầu chị em mua sắm cao, thời tiết lại giá lạnh, nhiều người ngại ra ngoài. Mình cũng được nghỉ Tết nên nhận khá nhiều đơn hàng và chuyển từ sáng tới tối. Kết quả sau gần một tháng chăm chỉ, mình đủ tiền mua một chiếc iPhone mới" - Hải Hà, sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất cho biết.

Kiếm tiền không dễ

Giao hàng đơn giản, nhưng đòi hỏi sinh viên có sức khỏe tốt và sự kiên trì. Đối với Diệu Linh, không ít lần nữ sinh hoa mắt, chóng mặt vì đi làm dưới thời tiết nắng nóng, địa chỉ xa...

“Có lần trời mưa to, mình đi vội, đường trơn nên ngã đau. Hoặc có khi đi 20 km, mình chỉ lấy tiền ship 15.000 đồng mà khách vẫn mặc cả xuống 5.000 đồng. Lúc đến nơi, khách hàng không ở nhà và đổi lịch hẹn. Dù bực, mình vẫn phải kiềm chế để không làm mất lòng khách” - nữ sinh Cao đẳng Truyền hình cho hay.

Chưa kể, cô còn thường xuyên bị lạc đường vì địa chỉ không rõ ràng.

Linh giao hàng ngày nắng nóng. Ảnh: NVCC.


Còn với Nam, vì là con trai nên công việc đỡ hơn. Tuy nhiên, đi giao hàng ban đêm đồng nghĩa ngủ không đủ giấc. "Nhiều khi do vội và đường đêm thoáng nên mình đi tốc độ nhanh. Có lần đi ẩu, đồ ăn bị đổ, công cán bỏ ra coi như mất, chưa kể làm phật ý khách" - chàng trai chia sẻ. 

Ngoài những tai nạn gây nguy hiểm tính mạng, thiệt hại tài chính, "shipper" còn phải đối mặt tình huống đau đầu như khách hàng khó tính, "order ảo"…

Ngày đầu chưa quen việc, Minh Nam từng mắc bẫy của những kẻ lừa đảo. "Thấy thông tin giao hàng trên mạng, mình liên hệ, nhận chuyển không chút nghi ngờ. Sau khi ứng tiền, giữ hàng và liên hệ địa chỉ được ghi sẵn, số điện thoại họ đưa không gọi được. Mình lập tức liên hệ lại bên bán hàng nhưng họ đã tắt máy. Hậu quả mình phải chịu trách nhiệm số hàng trên tay và mất tiền đặt cọc" - nam sinh nhớ lại.

Chuyển sang làm cố định tại hàng ăn đêm, Nam không còn bị lừa nhưng cậu gặp nhiều tình huống oái oăm. “Bối rối nhất là lần cả mình và khách đều không có tiền trả lại. Vì nửa đêm, không có nhiều người xung quanh để đổi. Có lúc, mình phải gọi điện cho người thân đến đổi tiền giữa đêm khuya. Sau đó, mình quay lại đưa hàng và trả tiền thừa cho khách” - Nam kể.

Ngoài ra, Nam còn nhiều lần sợ hãi vì các tình huống gặp phải trên đường đi làm. “Khi thấy những đám đông tụ tập, mình thường tìm đường khác để tránh phiền phức”.

Đôi khi, Nam được khách hàng tốt bụng, thương cậu đi đêm hôm trả thêm tiền công. Nhưng không hiếm lần, chàng trai gặp phải người khó tính, nếu chuyển hàng trễ, sẽ bị chửi mắng thậm tệ và không lấy đồ.

Nên thận trọng, cảnh giác

Đối mặt những tình huống trên, anh Hải - quản lý một nhóm "shipper" Hà thành - cho biết, thuở mới vào nghề, anh cũng gặp nhiều trường hợp tương tự. Anh cho biết, đây là nghề dễ thực hiện, nhưng không phải ai cũng làm tốt vì đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp.

"Người đến xin việc chỗ tôi hầu hết là học sinh, sinh viên. Các bạn mới đi làm thường chưa có kinh nghiệm, dễ bị khách hàng phàn nàn. Nếu khách tỏ vẻ khó chịu, 'shipper' biết ăn nói, họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn" - nam quản lý chia sẻ.

Bên cạnh đó, anh cũng khuyên các bạn trẻ nên thận trọng trong từng công việc tham gia. Trước khi nhận, hãy tìm hiểu rõ những cơ hội và rủi ro có thể xảy ra, không nên vì chút lợi nhuận mà bỏ qua những nguy hiểm cho bản thân.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.