Trào lưu Halloween, đồ chơi ma quỷ kinh dị đầu độc giới trẻ

Đầu lâu, xương người, mặt quỷ bán kèm bình xịt máu với cam kết “giống y máu người” đang bày bán tràn lan tại nhiều con phố Hà Nội dịp lễ Halloween.

Đầu lâu, xương người, mặt quỷ bán kèm bình xịt máu với cam kết “giống y máu người” đang bày bán tràn lan tại nhiều con phố Hà Nội dịp lễ Halloween. Các đồ chơi kinh dị này hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhiều loại nhiễm chì độc hại…

Đồ chơi kinh dị bày bán công khai

Dạo quanh một vòng các con phố chuyên bán đồ chơi tại Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can..., dễ dàng nhận thấy nhiều cửa hàng trên những tuyến phố này đều bày bán công khai những món đồ chơi, mặt nạ, đồ hoá trang kinh dị, hình thù quái đản... Tại đây, người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 50.000đ – 70.0000đ là ngay lập tức có thể sở hữu một chiếc mặt nạ kinh dị làm từ nhựa hoặc cao su. Trong khi đó, 100.000đ - 200.000đ là mức giá cho những bộ đồ hoá trang nhiều kiểu cách như phù thủy hay bộ xương người.

Một số gian hàng còn bày bán cả đồ chơi bạo lực như đao, kiếm, rìu. Tất cả đều mang kích thước lớn, thậm chí nếu chỉ nhìn qua thì sẽ dễ nhầm lẫn với vũ khí thật. Có một điều khá ngạc nhiên khi rất nhiều bé trai hứng thú với những loại vũ khí như vậy và các bậc phụ huynh dường như cũng không có biểu hiện bất bình với sở thích mang hơi hướng bạo lực này của con cái.

Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của những món đồ này, chị Trang – nhân viên của một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết: “Chủ yếu vẫn là hàng từ Trung Quốc thôi, nhưng cứ yên tâm là không gây hại gì vì trước nay bao nhiêu người đã mua về mà có ai bị sao đâu”.

Giới trẻ đổ xô săn lùng mặt nạ quỷ, bình xịt… máu người

Chị Trang cũng cho biết, mặt hàng bán chạy nhất dịp Halloween này là các loại mặt nạ kinh dị vì giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng mà lại dễ sử dụng. Theo quan sát của PV, các khách hàng tới hỏi mua mặt hàng này chủ yếu là bậc phụ huynh và giới trẻ. Anh Bảo Sơn – một khách hàng chia sẻ: “Biết là hàng Trung Quốc nhưng vì mỗi năm chỉ có một dịp Halloween này nên đành mua cho vừa lòng con”.

Dễ dàng tìm thấy các loại đao kiếm, rìu mang tính bạo lực ở phố Hàng Mã.

Khá nhiều bạn trẻ miệt mài khảo giá ở các cửa hàng, cốt để săn lùng những món đồ vừa đảm bảo được yếu tố kinh dị và độc đáo nhưng đồng thời vẫn vừa với túi tiền của mình. Các sạp hàng luôn sẵn sàng làm vừa lòng thượng đế khi tung ra các hàng “hot” như bình xịt máu tươi, đồ hoá trang hình xương người,…

Để tìm hiểu kỹ hơn, nhóm PV đã trực tiếp mua và sử dụng thử một bình xịt được quảng cáo “phun máu y như thật”. Vỏ hộp chỉ vỏn vẹn vài dòng chữ hướng dẫn sử dụng được in cẩu thả, sai chính tả bằng tiếng Anh kèm theo xuất xứ “made in China”. Mặc dù trên bao bì, nhà sản xuất khẳng định sản phẩm này đã có chứng nhận EN71- tiêu chuẩn đảm bảo an toàn áp dụng cho đồ chơi trên toàn châu Âu. Thế nhưng, qua tìm hiểu, các tài liệu nước ngoài đều đặt nghi vấn và khẳng định gần như 90% hàng Trung Quốc không đạt chứng chỉ này.

Ẩn họa tiềm tàng từ đồ chơi kinh dị

Các món đồ chơi kinh dị có xuất xứ từ Trung Quốc. Năm 2012, Ủy ban An toàn Sản phẩm Mỹ kịch liệt cảnh báo về thực trạng nhiễm niken, chì trên các nút quần áo, đồ trang trí đính kèm trên trang phục Halloween Trung Quốc. Theo các chuyên gia, nhiễm độc chì có thể gây nôn mửa, hôn mê hoặc co giật. Tiếp xúc ở mức độ thấp cũng có thể ảnh hưởng đến trí não trẻ.

Không chỉ vậy, những món đồ chơi kinh dị như mặt nạ ma quỷ, đầu lâu; những gậy nhựa với hình dáng của vũ khí bạo lực hay những dung dịch giống như máu người đều là những thứ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lí của trẻ em.

Khi tiếp xúc quá nhiều với những món đồ như vậy, vô hình trung, trẻ sẽ bị ám ảnh bởi những hình ảnh máu me, giết chóc, bạo lực… Vốn đã không mang tính giáo dục, những loại đồ chơi này rất có thể sẽ định hình trong đầu trẻ những tư tưởng không lành mạnh, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Tại Việt Nam, hiện các cơ quan chức năng dường như vẫn “ngó lơ” trước thực trạng đồ chơi kinh dị có xuất xứ từ Trung Quốc và chưa qua kiểm định tràn ngập Hà Nội dịp Halloween, bất chấp việc đã có nhiều cơ quan báo chí phản ánh trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, sự chủ quan của người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh đã phần nào tiếp tay cho sự xuất hiện trên diện rộng của đồ chơi kinh dị Trung Quốc.

Hơn ai hết, người tiêu dùng cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này và đưa ra những sự lựa chọn thông minh để bảo vệ trẻ em, bản thân và những người xung quanh.

Ngày lễ Halloween xuất phát từ một nghi lễ ở các nước phương Tây, vào ngày 31-10, 1-11 hàng năm, ngay đêm trước lễ các thánh Nam Nữ. Halloween có nguồn gốc từ cách đây hơn 2000 năm, khi người Celtic vẫn còn sinh sống ở vùng đất nay là Ireland, Vương quốc Anh và miền Bắc Pháp.

Theo kênh History, người Celtic ăn mừng năm mới vào ngày 1-11, thời điểm mùa hè, thời gian dành cho thu hoạch, kết thúc, nhường chỗ cho khí hậu tăm tối, giá lạnh của tiết thu đông, thường được họ gắn liền với sự chết chóc, ma quỷ.

Người Celtic cũng quan niệm rằng đêm trước năm mới, tức ngày 31-10, biên giới giữa sự sống và cái chết sẽ bị lu mờ nên những hồn ma có thể quay trở lại dương thế để chọc phá cộng đồng cũng như làm hại mùa màng.

Nhưng mặt khác, nhờ nguồn năng lượng tâm linh đã "cường hóa" trong khoảng thời gian này, lời tiên đoán của các thầy phù thủy (được gọi là druid) sẽ chính xác hơn hẳn. Do vậy, họ tổ chức lễ Samhain, trong đó, các thầy phù thủy thường đốt những đống lửa lớn, còn người dân thì tụ tập lại để hiến tế lương thực, gia súc cho thần linh. Họ mặc đồ hóa trang làm từ đầu và da động vật, hơn nữa còn "trổ tài" bói toán tiên đoán vận mệnh lẫn nhau.

Tại Việt Nam, những năm trở lại đây, ngày lễ Halloween này cũng bắt đầu được giới trẻ biết đến, không khí lễ hội cũng đã len lỏi đến nhiều nơi, từ phố xá đến cả cộng đồng mạng. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ cùng thị hiếu tò mò, nhiều nơi biến Halloween bằng những trò chơi ma quỷ ghê rợn, đâm chém, chết chóc, tác động tiêu cực đến tâm lý giới trẻ.

 
Theo CAND Online


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.