Bí ẩn bóng đá Trung Quốc: Tỷ phú mua đội bóng để lấy lòng Bạc Hy Lai

Một số CLB bóng đá, thực chất, chỉ là quân bài chính trị của các tỷ phú Trung Quốc.

Một số CLB bóng đá, thực chất, chỉ là quân bài chính trị của các tỷ phú Trung Quốc.

*LTS: Những bước chuyển mình đáng sợ trên thị trường chuyển nhượng cho thấy Trung Quốc đang muốn biến bóng đá trở thành quyền lực mềm hòng chi phối bóng đá nói riêng và những quyết sách của thế giới nói chung. 

Để tìm hiểu sâu hơn về bóng đá Trung Quốc, VTC News xin đăng tải loạt bài "Vòng xoáy bóng đá -chính trị ở Trung Quốc" như một góc nhìn riêng với nhiều tư liệu lần đầu được tiết lộ. 

Những người theo dõi bóng đá châu Á từ đầu những năm 2000 chắc hẳn đều đã nghe đến cái tên Thạch Đức Đại Liên, đội bóng giành 8 chức vô địch quốc gia Trung Quốc trong giai đoạn từ 1994 đến 2005. 

Thời gian đó, đội bóng của thành phố biển thuộc tỉnh Liêu Ninh cùng với Thân Hoa Thượng Hải là những đại diện tiêu biểu của bóng đá Trung Quốc cạnh tranh ở đấu trường châu lục, mà đỉnh cao là danh hiệu á quân châu Á năm 1998. 

Thạch Đức Đại Liên
Tiền đạo nổi tiếng Hàn Quốc Ahn Jung-hwan giã từ sự nghiệp trong màu áo Thạch Đức Đại Liên


Đội hình của Thạch Đức Đại Liên khi đó là tập hợp của nhiều cầu thủ chất lượng cao, mà nổi bật nhất là tiền đạo Hao Haidong, người từng 2 lần sút tung lưới tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 98 khu vực châu Á. Nhắc đến thành công của đội bóng này, không thể không nhắc đến ông chủ Từ Minh của tập đoàn khổng lồ kinh doanh nhựa, hóa dầu và xây dựng Thạch Đức. 

Câu chuyện về Từ Minh có thể coi là tiêu biểu cho mô hình phát triển của bóng đá ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tháng 1/2000, người đàn ông được tờ Guardian của Anh mệnh danh là “Roman Abramovich mới” mua lại Thạch Đức Đại Liên từ Vương Kiện Lâm (người giàu nhất Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và sở hữu 20% cổ phần tại câu lạc bộ Atletico Madrid) với giá 120 triệu nhân dân tệ. 

Thời điểm đó, Từ Minh chưa tròn 30 tuổi nhưng đã là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản khổng lồ kiếm được chỉ sau 9 năm bước vào thương trường. 
Từ Minh và Bạc Hy Lai thuở còn hạnh phúc
 Từ Minh và Bạc Hy Lai thuở còn hạnh phúc

Nhiều người cho rằng lý do chính khiến Từ Minh kiếm được nhiều tiền như vậy là nhờ mối quan hệ tốt với Bạc Hy Lai, người lúc đó đang là thị trưởng thành phố Đại Liên và có công lớn biến nơi đây trở thành một trong những điếm sáng phát triển kinh tế của Trung Quốc. 

Bạc Hy Lai mang đến nhiều hợp đồng xây dựng béo bở cho tập đoàn của Từ Minh, và ở chiều ngược lại, việc đầu tư vào đội bóng của thành phố Đại Liên là một cách để Từ Minh lấy lòng vị thị trưởng mê bóng đá.

Một bài báo đăng trên tờ Southern Weekend dẫn lời một người bạn của Từ Minh nói: “Anh ta không những không hiểu gì về bóng đá mà còn không thèm xem. Anh ta chỉ sử dụng bóng đá như một quân cờ trong công việc làm ăn của mình”. Còn Mark Dreyer, chủ nhân của blog Chinese Sport Insider nhận xét: “Lý do chủ yếu khiến những tay trọc phú mua các đội bóng là để củng cố vị thế chính trị”. 

Có một câu chuyện rằng khi con trai của Bạc Hy Lai mới 40 người bạn cùng lớp từ Havard đến thăm một loạt thành phố của Trung Quốc, chính Từ Minh là người đứng ra thu xếp đi lại và nơi ở cho toàn bộ chuyến đi. 
Bạc Hy Lai và Từ Minh tại tòa

Khi mà mối quan hệ giữa Từ Minh và Bạc Hy Lai (người sau này trở thành ủy viên Bộ Chính trị) tốt đẹp, dĩ nhiên công cuộc đầu tư vào bóng đá của vị tỷ phú trẻ cũng giành được nhiều thắng lợi. Thạch Đức Đại Liên giành chức vô địch quốc gia liên tiếp vào các năm 2000, 2001, 2002. 

Cũng vào năm mà tuyển Trung Quốc lần đầu tiên dự World Cup, tập đoàn của Từ Minh hợp tác với CLB Newcastle United để thành lập một đội bóng mới ở Hongkong, với nhiều cầu thủ và HLV luân chuyển với nhau. Một năm sau đó, nhiều tờ báo đưa tin Từ Minh suýt trở thành ông chủ của CLB Leeds United.

Năm 2011, doanh nhân người Anh Neil Heywood - người được vợ của Bạc Hy Lai bổ nhiệm làm quản lý một villa sang trọng tại Pháp vốn được Từ Minh tặng - qua đời một cách bí ẩn, đánh dấu sự bắt đầu một trang đen tối của cả Bạc Hy Lai và Từ Minh. 

Tỷ phú lừng lẫy một thời của Đại Liên không thoát khỏi vòng lao lý sau khi chính “người bảo hộ” mạnh mẽ và quyền lực nhất của mình bị điều tra và kết án tù chung thân vì tội tham nhũng. Ông bị bắt vào năm 2012 với cáo buộc hối lộ khoản tiền hơn 3 triệu USD cho Bạc Hy Lai và phải chịu án tù 4 năm. Bi kịch nối tiếp bi kịch đối với Từ Minh, khi ông qua đời sau một cơn đau tim vào tháng 12 năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi được cho ra tù trước thời hạn.

Sau vụ bắt giữ Từ Minh năm 2012, tập đoàn Aerbin lên kế hoạch hợp nhất Thạch Đức Đại Liên với một đội bóng khác của thành phố là Aerbin Đại Liên, nhưng nó đã bị Liên đoàn bóng đá Trung Quốc thẳng tay bác bỏ. Ngày 31/01/2013, đội bóng lừng lẫy một thời của bóng đá Trung Quốc chính thức giải thể.
Từ Minh
 
 Từ Minh và Vương Kiện Lâm, tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt. Vương Kiện Lâm hiện đang sở hữu 20% cổ phần đội bóng Atletico Madrid

Những cổ động viên trung thành của Thạch Đức Đại Liên, vốn được biết đến với biệt danh “Làn sóng xanh” quyết định không tiếp tục ủng hộ đội bóng mới. Cameron Wilson, biên tập viên của wildeastfootball.net nhớ lại: “Aerbin được sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên các fan của Thạch Đức từ chối ủng hộ họ. 

Thay vào đó, đội bóng mới có tên Đại Liên Transcendence được thành lập và chơi bóng ở sân vận động cũ của Thạch Đức tại giải Hạng Nhất Trung Quốc. Người hâm mộ tiếc nuối đội bóng của mình, hơn là quan tâm đến số phận của ông chủ vốn chỉ dùng nó để phục vụ cho các động cơ chính trị. 

“Các CĐV bóng đá ở Trung Quốc thường cảm thấy bất lực khi chứng kiến số phận đội bóng yêu thích của mình bị thay đổi bởi những quyết định ở tầm cao”. 

Và khi mà thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở Trung Quốc đang chứng kiến những cú sốc liên tiếp trong thời gian qua với hàng loạt ngôi sao từ khắp thế giới về hội tụ, bài học về Thạch Đức Đại Liên và tỷ phú Từ Minh lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo VTC


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.