Bóng đá Việt Nam vẫn như... xe mất phanh

Cách đây gần 20 năm, đội tuyển bóng đá Việt Nam (BĐVN) dễ dàng hạ Đài Loan 4-1 trên sân Thống Nhất tại vòng loại ASIAN Cup 1996.

Cách đây gần 20 năm, đội tuyển bóng đá Việt Nam (BĐVN) dễ dàng hạ Đài Loan 4-1 trên sân Thống Nhất tại vòng loại ASIAN Cup 1996. Nhưng đến tối 8.9 vừa qua, thầy trò HLV Toshiya Miura đã phải nhờ đến may mắn mới thắng nổi đối thủ này. Phải chăng BĐVN đang tuột dốc không phanh.

Tiền mất tật mang

Điều đau đớn mà cũng là một nghịch lý khó chấp nhận là trong khoảng 2 thập kỷ qua, trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, số tiền chi cho BĐVN vẫn chất thành “núi”. Đỉnh điểm là những năm 2007-2010, trung bình mỗi đội bóng V.League cũng phải tiêu tốn 50-60 tỷ đồng/mùa. Lương cầu thủ V.League trung bình khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Mỗi khi chuyển nhượng, những cầu thủ có “mác” tuyển bỏ túi cỡ 5-7 tỷ đồng.

Giới cầu thủ ra vào nhà hàng, khách sạn như như đi dạo; thay điện thoại, laptop, xế hộp cứ như thay áo. Nhìn cuộc sống sung túc của họ, ai đó nghĩ V.League phải như một “Ngoại hạng Anh ở Đông Nam Á”. Nhưng thực tế, “cầu thủ Việt Nam chỉ là cầu thủ nghiệp dư hưởng lương cao” như lời cảm thán của chuyên gia  lão làng Nguyễn Văn Vinh.

bong da viet nam  van nhu... xe mat phanh - 1

Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã may mắn có chiến thắng trước Đài Loan (Trung Quốc) tối 8.9. Ảnh:  VFF

Trái ngược với số tiền chi tiêu đó, thành tích của các đội bóng V.League ở AFC Champions League đến lúc này chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Cũng may ở AFC Cup, Bình Dương còn gỡ gạc lại chút thể diện với 1 lần lọt vào bán kết AFC Cup 2009. Ở cấp độ đội U23, “dấu ấn” lớn nhất của BĐVN lại là… vụ tiêu cực của nhóm cầu thủ U23 tại SEA Games 2005 (Philippines). Tới cấp độ đội tuyển, may mắn một lần mỉm cười khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.

Từng đó là quá nhỏ nhoi so với kỳ vọng của người hâm mộ và số tiền mà bóng đá đã “ngốn”. Đó là chưa kể đến những vụ dàn xếp tỷ số liên tiếp năm 2014 gắn với một nhóm cầu thủ có tên tuổi ở V.Ninh Bình, Đồng Nai lần lượt ở AFC Cup, V.League như xát muối vào lòng tin của người hâm mộ.

Dùng người sai lầm?

Trở lại với trận đấu tại vòng bảng F, vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á diễn ra tối 8.9 trên sân Municipal, tuyển Việt Nam xứng đáng… thua hơn là thắng. Đáng chú ý, trước khi gặp Việt Nam, trong hơn 2 năm qua, Đài Loan chỉ thắng nổi 1 trận với tỷ số 2-0 trước đội bóng “tí hon” Brunei ở trận lượt về vòng loại thứ nhất World Cup 2018. Trận lượt đi trên sân nhà, thậm chí Đài Loan còn thua Brunei 0-1.

Trao đổi với NTNN  xung quanh trận đấu giữa tuyển Việt Nam với Đài Loan, cựu HLV đội tuyển quốc gia Hoàng Văn Phúc nói: “Trước đây, chúng ta đá với Đài Loan không có gì khó khăn nhưng tối 8.9 thì kiểm soát bóng kém quá. Theo tôi, nguyên nhân là do quan điểm, cách dùng người chưa hợp lý của HLV. BĐVN còn nhiều cầu thủ tốt ở tuyến giữa như Văn Thắng (XSKT.Cần Thơ), Thanh Trung (Quảng Nam), Trọng Hoàng (Bình Dương)… Việc sử dụng cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Thịnh – Huy Hùng vốn chỉ chuyên thu hồi bóng và hạn chế trong tổ chức là một trong những điểm thiếu hợp lý. Khi tuyến giữa của ta hoạt động không hiệu quả thì đối thủ sẽ có cơ hội thể hiện hết điểm mạnh của họ”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA thì bày tỏ: “Tôi không biết trước đó thế nào nhưng Đài Loan trong trận đấu với tuyển Việt Nam là một đội bóng tốt. Họ có 8 cầu thủ nhập tịch, có thể lực sung mãn, tinh thần tuyệt vời, lối chơi kỷ luật, hợp lý. Năng lực giữa họ với ta là 50-50 và chiến thắng của thầy trò HLV Miura cũng đáng khích lệ. Về việc HLV có sai lầm trong cách dùng người hay không thì tôi không bàn. Mỗi HLV có một phong cách và quan điểm khác nhau”.

Với chiến thắng 2-1 trước Đài Loan (Trung Quốc), tuyển Việt Nam (3 điểm/2 trận) tạm xếp thứ 3 bảng F, sau Thái Lan (7 điểm/3 trận), Iraq (4 điểm/2 trận).

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.