Số phận nghiệt ngã của một kiện tướng quốc gia

Sau một tai nạn khi đang luyện tập, đô vật Lê Thị Huệ trở về quê nhà với tấm thân tàn phế, mọi sinh hoạt đời thường phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ già. Người mẹ lo lắng, sau này bà chết đi, không biết Huệ sẽ ra sao…

Sau một tai nạn khi đang luyện tập, đô vật Lê Thị Huệ trở về quê nhà với tấm thân tàn phế, mọi sinh hoạt đời thường phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ già. Người mẹ lo lắng, sau này bà chết đi, không biết Huệ sẽ ra sao…
Số phận nghiệt ngã của một kiện tướng quốc gia 1

Chị Huệ đang cố gắng tập luyện để có thể làm những việc nhẹ hàng ngày.

 
Buổi chiều định mệnh
 
Ngồi một lúc lâu, chị Lê Thị Huệ (SN 1980, thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) mới trải lòng mình với phóng viên. Chị Huệ kể, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhà có 6 anh em, nên học tới lớp 5 thì chị nghỉ, ở nhà giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng, sau đó có đi làm công nhân. Năm 1996, trên tỉnh có mở lớp tuyển sinh võ thuật, qua người quen giới thiệu, chị đăng ký học môn Judo. Tuy là con gái nhưng từ nhỏ chị Huệ đã rất thích xem những bộ phim võ thuật, mỗi lần xem xong là chị lại ra sân, tay chân vung vẩy, bắt chước các thế võ trong phim. Được đi học võ đó là ước mơ cháy bỏng của chị thời bấy giờ. Đến năm 2001 thì chị Huệ chuyển sang học môn vật.  


Nhớ lại buổi chiều định mệnh ngày 12/5/2003 - ngày chấm dứt cuộc đời thể thao, vẻ mặt đầy hối tiếc, chị Huệ nghẹn ngào: “Lúc đó tôi đang tập đối kháng với vận động viên Nguyễn Mai Phương để chuẩn bị SEA Games 22 bất ngờ bị ngã cắm đầu xuống dưới thảm, bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi. Được Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 đưa xuống Bệnh viện Việt Đức chữa trị 1 tháng, sau đó chuyển về Bệnh viện Bạch Mai phục hồi chức năng trong vòng 1 năm, bắt đầu tập đi. Nếu không được công ty Bảo Long nhận chữa trị miễn phí không biết rồi sẽ như thế nào…”. 
 
Mẹ già đớn đau

Bà Lường Thị Hường (70 tuổi) mẹ của chị Huệ, bàn tay ken đầy bùn đất, đang chải tóc cho con, giọng rầu rĩ bảo: “Các anh chị của Huệ đã lập gia đình, tuy còn khó khăn nhưng đều đã yên phận. Cả đời làm lụng vất vả, cứ tưởng sẽ bớt vất vả hơn lúc xế chiều, nào ngờ con gái tôi lại gặp nạn thế này. Từ ngày Huệ về, ruộng nương trả hết vì giờ đây tất cả mọi công việc sinh hoạt của Huệ phụ thuộc vào tôi. Ngày bố nó còn, hai mẹ con sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi, năm 2010, bố Huệ mất đi, khó khăn hơn, gạo phải đi đong từng bữa. Từ ngày nó về không có tiền nên cũng chưa đi khám lại, nhiều hôm nhìn con vật vã trong cơn đau, tiền mua thuốc không có, nước mắt tôi cứ trào ra. Thương con nghẹn đắng nhưng đành ngồi nhìn con đau mà khóc. Đến chiếc xe lăn cũ đã hư cũng không thể mua cho con xe khác. Sao nó lại ra nông nỗi như thế này. Hơn 30 tuổi, sự nghiệp dở dang, chuyện chồng con cũng vậy. Đau xót quá, ngày bé tập cho con từng bước đi, lòng mừng vui khôn xiết, sau hơn 30 năm giờ lại một lần nữa tập đi cho con, lần này lòng đau như cắt. Sau này tôi chết không biết nó sống thế nào…”.
 
Số phận nghiệt ngã của một kiện tướng quốc gia 2
Mẹ con chị Huệ tâm sự với PV.ảnh: N.H
 
Ngày ngày chị Huệ âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn. Vết thương thường xuyên đau nhức nhất là những lúc trái gió trở trời. Huệ bảo, cảm giác lúc nào cũng như có vật gì châm, bò trong người, tuy nhiên điều đó chưa đáng sợ bằng khi chị xem lại những kỉ vật xưa. Tiếc nuối, đớn đau, đó là cảm giác mà chị Huệ nếm trải.

Nhưng có tiếc nuối, có đớn đau thì mọi việc cũng đã rồi, Huệ tự nhủ, không ai có thể giúp mình bằng chính sự nỗ lực của bản thân. Nghĩ vậy nên chị Huệ đã và đang cố gắng chống chọi lại bệnh tật để có thể tự làm được những công việc hàng ngày. Nhìn mẹ nước mắt chị lại trào tuôn, chị nói: “Ngày còn thi đấu em luôn tự nhủ lòng mình phải cố gắng giành thứ hạng cao để sau này còn phụ giúp bố mẹ, ai ngờ gần hết đời người, mẹ vẫn phải nuôi em. Mẹ em đã già, sống chết lúc nào không biết. Em đang cố gắng chạy đua cùng thời gian, quyết tập đi, tự làm công việc hàng ngày để mẹ đỡ cực…”.

Bà Lê Thị Hoài, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thường trực Thi đua khen thưởng, thuộc Sở VH, TT&DL Thanh Hóa, người trực tiếp đi làm các chế độ cho chị Huệ cho biết: “Khi nghe tin Huệ bị nạn chúng tôi rất bàng hoàng, lúc đó lãnh đạo Sở giao cho tôi ra Hà Nội lấy các kết quả khám chữa bệnh, để làm thủ tục trợ cấp tai nạn lao động cho Huệ. Chúng tôi cũng đã vận dụng tối đa các chính sách để Huệ bớt khó khăn. Do thời điểm Huệ đóng bảo hiểm ngắn nên hiện tại số tiền trợ cấp không nhiều. Trong lúc Huệ đang chữa trị Sở đã phát động phong trào ủng hộ trong toàn ngành được 40 triệu đồng và một số hiện vật…”.

Lúc ra đi lập nghiệp, Huệ chỉ có hai bàn tay trắng, lúc trở về, chị vẫn trắng tay. Số phận quá khắc nghiệt với chị, ông trời dường như đã lấy của chị tất cả…
Theo Giadinhnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.