HLV Nguyễn Thành Vinh có lần tâm sự, ngày ông rời biên chế quãng đầu những năm 2000, các lãnh đạo của tỉnh và Sở TDTT Nghệ An tặng ông khoản tiền chừng 20 triệu đồng như một sự ghi nhận cho mấy chục năm cống hiến vì bóng đá quê hương.
Dạo ấy, ở tuổi xấp xỉ lục tuần, ông Vinh hầu như không có khoản tích lũy nào đáng kể. Nhưng chỉ trong vòng vỏn vẹn vài năm làm HLV cho Ngân Hàng Đông Á rồi Hòa Phát Hà Nội, HLV Nguyễn Thành Vinh đã sở hữu thêm một căn nhà tại TP.HCM, xây một biệt thự khang trang tại Vinh và bây giờ ung dung nghỉ hưu rất rủng rỉnh.
Còn cựu tiền vệ Bùi Sỹ Thành (Công An TP.HCM) kể lại, thời anh còn thi đấu chỉ có phụ cấp vài triệu đồng mỗi tháng chứ làm gì có chế độ lương thưởng ngất ngưởng như bây giờ. Trước giờ thi đấu, cầu thủ chỉ kịp lùa bát mỳ tôm chứ đâu có chuyện ở khách sạn 5 sao, hưởng mức tiền ăn bèo cũng phải 200.000 đồng/ngày mà lứa đàn em đang được hưởng.
Còn nhớ, 10 năm trước, kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam từng thuộc về Minh Phương khi về ĐT.LA với giá 400 triệu đồng, rồi sau đó là Trường Giang chuyển về Bình Dương với giá 1 tỉ đồng. Nhưng mấy năm nay, mức phí lót tay dành cho việc chiêu mộ cầu thủ đã tăng lên theo mức phi mã với những kỷ lục liên tiếp bị xô đổ.
V.League 2012, tiền đạo Công Vinh đầu quân cho CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên với mức phí lót tay 13 tỷ đồng/3 năm cùng mức lương 80 triệu/tháng chưa kể thưởng.
HẬU QUẢ CỦA SỰ PHÙ THUỘC
Rõ ràng, sự xuất hiện của các ông bầu đã mang đến một diện mạo hoàn toàn khác biệt cho bóng đá Việt mà ở đó, sức mạnh tiền bạc đã rút ngắn đáng kể quá trình để đi đến thành công và sự nổi tiếng. HAGL hay ĐT.LA không thể trở thành quyền lực của V.League nếu thiếu túi tiền của bầu Đức, bầu Thắng.
Đoàn Nguyên Đức
Nhưng cái giá mà bóng đá Việt phải trả cho sự lệ thuộc quá lớn vào các ông bầu cũng không hề rẻ. Bấy lâu, các CLB bị ví như những đứa trẻ chậm lớn và lúc nào cũng chỉ chăm chăm “hút bầu sữa mẹ”. Bởi sau hơn 10 năm chuyên nghiệp hóa, nó vẫn đang loay hoay với bài toán làm thế nào để kiếm ra tiền để tự tồn tại.
Hậu quả là khi nền kinh tế khó khăn kéo theo sự khánh kiệt của nhiều doanh nghiệp, điển hình như năm 2012, số đội bóng giải thể tăng đột biến. V.League giờ chỉ còn 12 đội (giải hạng Nhất 8 đội), bóng đá Việt Nam đối diện với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với hàng trăm HLV, cầu thủ đang thất nghiệp.
Những bài học rút ra từ “cơn sóng thần 2012” khiến tất cả đều thống nhất về xu hướng tất yếu là cần phải gấp rút thay đổi cách nghĩ, cách làm bóng đá, hướng đến những tiêu chí bền vững và bài bản hơn thay vì sự phát triển “bong bóng” quá nóng như hơn 10 năm qua.
Nếu đồng ý rằng V.League 2013 sẽ là nơi kiểm nghiệm những bước đi đầu tiên trong quá trình tái thiết lại nền bóng đá sau khủng hoảng, những giải pháp thiết thực nhất vào lúc này chính là những giải pháp giúp “đứa trẻ” từng bước lớn khôn để không bị che lấp hoàn toàn dưới cái bóng của “cha mẹ” nữa.
Theo BDCS