Phẫu thuật thẩm mỹ: Từ “lỡ” đến “nghiện”

ThS.BS Trần Thị Nga, giảng viên Bộ môn Tạo hình - thẩm mỹ, ĐH Y Dược TPHCM cho biết, việc “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) là có thật.

Nhiều người ban đầu nghe đề cập đến PTTM thì lo sợ đủ thứ: sợ đau, sợ không an toàn, sợ đẹp không tự nhiên, sợ bị thay đổi nhiều quá… Thế nhưng, sau khi qua được những “ngưỡng” đó, họ bắt đầu… nghiện. Với họ lúc này, việc đi PTTM cũng nhẹ nhàng và đơn giản như... thay áo.

 
Sáu lần sửa mũi vẫn chưa hài lòng

Sáu lần sửa mũi vẫn chưa hài lòng

 

Nhiều BS thẩm mỹ cho biết, mũi là một trong những bộ phận được chị em quan tâm nhất trong khuôn mặt, chính vì thế mà mũi được chỉnh sửa nhiều nhất. Chị Thủy Tiên, Q.8, TPHCM cho biết, chị đã chỉnh mũi sáu lần trong vòng 5 năm chỉ vì chị cảm thấy nó “sao sao ấy”.

 

Mũi của chị vốn thấp, đầu mũi to. Ban đầu chị tìm đến BS T.V. tư vấn. Theo BS này, mũi chị chỉ cần nâng lên thì đầu mũi sẽ có cảm giác nhỏ gọn hơn. Nhưng chị lại thích mũi cao như người châu Âu. Bị sưng tấy sau phẫu thuật, mũi của chị lộ nguyên hình “mũi phù thủy”, hai bên bị bóng đỏ do không đủ da.

 

Trở lại tìm BS T.V., chị Thủy Tiên yêu cầu can thiệp cho cân đối, BS đã đưa ra phương án khác trong việc thu hẹp cánh mũi bằng phẫu thuật cắt thịt và sửa xương chóp mũi. Cùng lúc chịu thêm hai phẫu thuật, tuy nhỏ nhưng làm chị đau cả tháng trời. Hơn một năm sau, mũi chị bị vẹo sang trái, nguyên nhân là từ cái tát tai nhẹ của chồng trong một lần cãi nhau.

 

Sau đó, chị Thủy Tiên lại phải đi chỉnh mũi. Nhưng không bao lâu, chị bị chứng chảy nước mũi liên tục vào mỗi sớm. Tìm đến BS N.K. - chuyên gia về làm đẹp ở TPHCM thì được biết, mũi chị bị dị ứng silicone. Vị BS này khuyên chị nên chọn phương pháp nâng mũi bằng sụn tự thân kết hợp với sụn nhân tạo. Theo BS N.K. phương pháp này sẽ giúp mảnh ghép dễ dàng hòa với các mô ở mũi và cố định vật liệu tốt hơn, đồng thời mũi không bị bóng đỏ.

 

“Phóng lao phải theo lao”, chị Thủy Tiên tiếp tục “hành trình” sửa mũi. Ngay sau khi phẫu thuật chị bắt đầu cảm thấy đau nhức sau vành tai - nơi BS lấy sụn. Việc đau tai không hề làm chị lo lắng khi chị nghĩ đến chiếc mũi mới sẽ nhẹ nhàng và cân đối hơn. Tuy nhiên, ngay sau tuần đầu phẫu thuật, mũi chị bị sưng đỏ, nhức, tiết mủ và chị có triệu chứng sốt vào buổi chiều… BS cho biết chị bị nhiễm trùng do vệ sinh mũi không đúng cách. Uống thuốc vẫn không hết, cuối cùng BS “phán” do miếng ghép mũi không phù hợp cơ địa của chị nên chỉ định lấy miếng ghép ra khỏi mũi để sát trùng, hẹn sau ba tháng sẽ nâng mũi bằng sụn tự thân.

 

Hội chứng “đi tìm sự cân đối”

 

Những người từng thực hiện PTTM cho rằng đã tốn công, tốn sức đi làm đẹp thì phải ít nhất bốn-năm phẫu thuật mới hoàn hảo. Giới BS thẩm mỹ cho rằng, điều này chính đáng và hợp lý.

 

Trường hợp của chị Lệ Hà, công tác ở ngành dầu khí, là một điển hình. Chị Hà tiết lộ, chị đã thực hiện hơn tám cuộc PTTM trong vòng 10 tháng. Lần đầu gọt cằm nhưng kết quả là cằm không nhọn như mong muốn nên chị quyết định gọt lần hai. Rồi chị lại cảm thấy đôi gò má hơi đầy đặn không phù hợp với chiếc cằm nên quyết định đi hút mỡ trên mặt.

 

Đáng nói là khi khuôn mặt và gò má trông có vẻ ổn, thì lại thấy chiếc mũi có phần thô so với khuôn mặt thon gọn hiện có. Được tư vấn, chị tìm đến phương pháp chích botox để định hình và gọn phần mũi, tiêm chất làm đầy để căng môi. Mặt thon thì vóc dáng cũng phải thon, trong khi chị lại thuộc hàng “dày cơm”, bụng to, vú lép, nên chị quyết định hút mỡ bụng và nâng ngực.

 

Chị Thanh Hồng (Q.6, TPHCM), cũng chia sẻ: cách đây vài năm chị có đi gọt bớt cánh mũi vì mũi to và lỗ mũi rộng, nay chị phát phì, khuôn mặt múp míp hơn trong khi lỗ mũi lại… chẳng thể nở ra, làm cho gương mặt của chị mất cân đối. Cảm giác “trẻ không đều” khiến chị mất ăn mất ngủ, và thế là chị lao vào các cuộc PTTM, mong tìm lại dung nhan cũ nhưng vô vọng.

 

Còn các BS, họ nghĩ gì trước những kết cục không mong đợi từ các cuộc PTTM? Phải chăng là họ vẫn đang và sẽ vì cái lợi trước mắt mà chiều theo ý khách hàng? Và còn rất nhiều câu hỏi dành cho các BS PTTM, bởi chính họ là những người đang nắm trong tay sứ mệnh “tái tạo cái đẹp” và nếu như họ quyết liệt hơn trong việc tư vấn cũng như báo trước những đau đớn, những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình PTTM, thì có lẽ không nhiều người “nghiện” đến thế!

 

Theo Minh Hà

Phụ nữ TPHCM


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.