Sau khi trốn khỏi trại tạm giam, tử tù Nguyễn Văn Tình đã về nhà và được người thân đưa cho 20 triệu đồng. Đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó cục trưởng cục cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (C47, Bộ công an) cho biết khi thông tin về hành trình truy bắt Nguyễn Văn Tình, một trong hai tử tù trốn khỏi trại tạm giam T16.
Đại tá Phạm Trọng Điềm, Cục phó C47
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá hai đối tượng tử tù đặc biệt nguy hiểm, đây cũng là vụ việc hết sức nghiêm trọng nên huy động tối đa lực lượng công an địa phương chốt chặn trên các tuyến mà cả hai có thể di chuyển.
Thọ "sứt" hoạt động xã hội đen nên rất manh động, còn Tình không manh động nhiều nhưng thủ đoạn lẩn trốn lại hết sức tinh vi. Hướng chạy trốn mà Tình nhắm đến là điểm nóng về ma túy của cả nước, địa bàn vùng sâu vùng xa, điều này cũng khiến quá trình truy bắt rất khó khăn.
Ngoài ra, các đối tượng vượt ngục có khó khăn về mặt tài chính nên rất có thể có hành vi phạm tội manh động gây nguy hiểm cho nhân dân.
Đáng chú ý, Tình đã từng sống ở địa bàn người Mông, thông thạo rừng núi, nên các phương thức thủ đoạn hoạt động rất tinh vi.
Ban chuyên án đã rất căng thẳng và áp lực bởi chỉ cần chậm một chút nữa thôi thì đối tượng có thể trốn ra nước ngoài hoặc lẩn vào địa bàn khó truy bắt hơn.
Trong quá trình chạy trốn, Nguyễn Văn Tình còn được nhiều người giúp đỡ; trong đó có người thân và những mối quan hệ trước đây khi Tình hoạt động tội phạm vận chuyển ma túy.
Đông đảo PV các cơ quan báo chí đưa tin về buổi họp báo
Tại thời điểm bị bắt, Tình có tới 4 chiếc điện thoại và nhiều thẻ sim để thay đổi, nhằm tránh bị phát hiện. Bên cạnh đó, trong túi Tình có hơn 11 triệu; quá trình xét hỏi sơ bộ, Tình khai số tiền này trước đây đi lao động có được và gửi lại mẹ. Khi Tình bỏ trốn, đối tượng tìm về nhà thì gia đình đưa cho. Tình có mua xe máy, điện thoại và các sim điện thoại.
Đối với hành vi giúp đỡ tử tù trong quá trình bỏ trốn này, hiện Bộ Công an đã giao cho Phòng PC44 Công an Hà Nội điều tra theo các quy định pháp luật.
Cũng theo đại diện Cục C47, lời khai ban đầu của Tình cho thấy Thọ đã dùng miếng sắt nhọn và nhỏ rạch theo mạch vữa của tường trại giam để tạo lối thoát, làm trong thời gian nhiều tháng. Do tường trại giam có độ ẩm cao, lâu ngày nên việc dùng vật cứng nhọn để khoét tường có thêm thuận lợi.
Tình khai rằng việc khoét tường là do Thọ làm chủ yếu. Quá trình chuyển trại, Thọ có giấu được mẩu sắt nhọn, nhét vào hậu môn mang vào. Thêm vào đó, Thọ là đối tượng mở khóa cùm vì với quá trình hoạt động tội phạm trước đây, bất cứ lại khóa gì Thọ cũng mở được.