Bà ngoại viết đơn xin giảm án cho đôi vợ chồng bạo hành con 3 tuổi đến chết: Luật sư phân tích liệu 2 bị cáo có được giảm án?

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, theo Điều 54 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, việc đại diện của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt tuy không phải là một tình tiết giảm nhẹ được pháp luật quy định nhưng tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét, chấp nhận khi xét xử.

Bà Vũ Thị Dự (51 tuổi) trưa 14/12 cho biết, sau thời gian suy nghĩ và dằn vặt bản thân, đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Thị Lan Anh và Nguyễn Minh Tuấn, trong vụ án bạo hành dã man con gái 3 tuổi đến chết. Nạn nhân là con riêng của Lan Anh và người chồng trước, cháu Nguyễn Ngọc Minh M., 3 tuổi.

Trước đó, cách đây gần 1 tháng, TAND TP. Hà Nội tuyên án Tuấn tử hình về tội danh "Giết người" và 30 tháng tù giam về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy", tổng hợp hình phạt là tử hình. Còn Lan Anh chịu án tù chung thân về tội "Giết người" và 18 tháng tù giam về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy", tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định, đây là vụ án có hậu quả rất thương tâm, được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo Khoản 1 Điều 331, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bà Dự tham gia tố tụng với tư cách là đại diện của bị hại nên có quyền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Bà ngoại viết đơn xin giảm án cho đôi vợ chồng bạo hành con 3 tuổi đến chết: Luật sư phân tích liệu 2 bị cáo có được giảm án?-1

Hai bị cáo khóc lóc trong phiên toà

"Theo Điều 54 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, việc đại diện của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, tuy không phải là một tình tiết giảm nhẹ được pháp luật quy định, nhưng tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét, chấp nhận khi xét xử", luật sư Tiền cho biết.

Phân tích thêm, luật sư Tiền cho rằng, "với kinh nghiệm tham gia nhiều vụ án hình sự, tôi cho rằng việc giằng co, trăn trở giữa một bên là hình phạt cho bị cáo, một bên là tình người là chuyện không hiếm tại phiên tòa".

Theo luật sư, bà Dự đứng giữa hai tư cách là đại diện hợp pháp cho bị hại vừa là mẹ của hai bị cáo nên việc kháng cáo hay không, kháng cáo theo hướng nào là điều đã phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều.

"Bản án có hiệu lực pháp luật không chỉ quyết định mức hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo nhằm mục đích trừng trị, giáo dục mà còn là một bản án lương tâm nặng nề cho bị cáo và cho chính những người thân trong gia đình. Mục đích răn đe, phòng ngừa chung đã đạt được nhưng ở đó, cần phải xem xét đến tình người, những hệ lụy nghiêm trọng về mặt tâm lý cho những người liên quan", luật sư nói.

Với tính chất vụ án đặc biệt như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần xem xét kháng cáo của bà Dự một cách công tâm, cẩn trọng để tuyên bản án thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa góp phần vơi đi nỗi đau của những người thân trong gia đình.

"Nếu bản án phúc thẩm tuyên y án, người bị kết án tử hình vẫn còn quyền xin ân giảm hình phạt đến Chủ tịch nước theo Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Dư luận cũng cần hết sức cảm thông, chia sẻ những quyết định từ phía gia đình cháu bé bởi dù sao, chính những người trong gia đình mới phải chịu áp lực, tổn thương nặng nề nhất", luật sư Tiền nhận định.

Bà ngoại viết đơn xin giảm án cho đôi vợ chồng bạo hành con 3 tuổi đến chết: Luật sư phân tích liệu 2 bị cáo có được giảm án?-2

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, bà Dự nói rằng, tuy tha cho Tuấn một con đường sống, nhưng anh ta vẫn phải chịu đúng mức tù thích đáng. "Hai đứa sẽ phải chịu bản án lương tâm suốt một đời người. Những năm tháng ở trong tù, chúng phải suy ngẫm lại và tự hiểu ra những lỗi lầm. Chỉ như vậy, luật pháp mới có thể cảm hoá một con người", bà cho hay.

Bà khẳng định, nếu Tuấn chịu bản án tử hình, thì cháu Minh M. cũng không thể sống lại được. Bà không muốn quãng đời còn lại, phải chịu nhiều áp lực về đạo đức và nhân cách từ chính hai bên họ hàng, gia đình, hàng xóm và đặc biệt là xã hội.

Sau phiên toà sơ thẩm, gia đình Tuấn đã sang thắp hương, quỳ lạy trước bàn thờ bé Minh M. và khóc rất nhiều. Ông C. đã thay mặt con trai duy nhất của mình, gửi lời xin lỗi tới bé M. và bà Dự. "Là bậc cha mẹ, ông ấy thực sự đau đớn tột cùng. Nhìn ông ấy úp mặt khóc, tôi cũng rất đau lòng", bà nói và lo lắng sau cái chết của Tuấn, Lan Anh cũng liều lĩnh tìm đến chết.

Bà cũng hy vọng, đứa cháu còn lại là bé Minh Tâm - con gái của Lan Anh và Tuấn, lớn lên sẽ không hận thù bà và 2 bên gia đình từ đó cũng không còn những hiềm khích.

"Dù gì đi chăng nữa, đây cũng là vụ án hệ luỵ trong gia đình. Tôi không muốn những hận thù chồng chất nhau qua bao thế hệ. Như vậy, những năm tháng còn lại, tôi mới có thể tiếp tục sống. Để đưa đến quyết định này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Nếu ai hiểu được, người ta sẽ đồng cảm, còn không sẽ oán trách tôi nhiều lắm", bà nói.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/ba-ngoai-viet-don-xin-giam-an-cho-doi-vo-chong-bao-hanh-con-3-tuoi-den-chet-luat-su-phan-tich-lieu-2-bi-cao-co-duoc-giam-an-162201712115028221.htm

bạo hành trẻ em


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.