Vụ án oan 10 năm: Hung thủ Lý Nguyễn Chung từng đi ăn xin

Mẹ mất, chị gái qua đời bị bạo bệnh, cha bỏ đi khi Lý Nguyễn Chung mới 2 tuổi, mấy anh em phải dẫn nhau đi xin ăn hàng xóm.

 Mẹ mất, chị gái qua đời bị bạo bệnh, cha bỏ đi khi Lý Nguyễn Chung mới 2 tuổi, mấy anh em phải dẫn nhau đi xin ăn hàng xóm.

Lý Nguyễn Chung sinh năm 1988, quê huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, là con út trong gia đình có 5 anh, chị em.

Ngày 25/10 vừa qua, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú về hành vi giết người, cướp của tại thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xảy ra vào 10 năm trước.

Trước đó, tối 15/8/2003, Chung đến cửa hàng của chị Nguyễn Thị Hoan (người thôn Me, khi đó 39 tuổi) để mua dầu gội đầu. Khi đến nơi, thấy trong tủ kính của chị Hoan có tiền, Lý Nguyễn Chung đã ra tay sát hại nạn nhân.

Khi phạm tội, Chung mới tròn 14 tuổi, 8 tháng, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình.

Theo thông tin trên tờ Đời sống & Hôn nhân, 5 anh chị em Chung lớn lên thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha và mẹ, đến cái ăn cũng chật vật. Ông Lý Văn Chúc (bố Chung) thường xuyên rượu chè, chửi bới vợ con, thậm chí còn lao vào những cuộc tình chớp nhoáng.

Ông Chúc làm ở hợp tác xã nên cũng có của ăn, của để nhưng không mang tiền về cho vợ con. Mỗi lần có tiền, ông lại đi đâu đó vài hôm, hết tiền lại về. Khi mới sinh Chung được hơn 1 tháng tuổi, bà Hặng (mẹ Chung) phải vào rừng hái lá chuối mang ra chợ Lộc Bình bán, rồi đổi gạo cho các con ăn.

Mẹ mất, chị gái qua đời bị bạo bệnh, cha bỏ đi khi Chung mới 2 tuổi. Mấy anh em phải dẫn nhau đi xin ăn hàng xóm để sống qua ngày. Nhiều hôm, nửa đêm thấy Chung khóc, anh trai cả của Chung tên là Lý Văn Phúc phải bế em ra tận đầu làng để xin sữa.

Ông Chúc đi làm ăn được một thời gian thì chung sống với vợ hai là bà Lành (thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) sau đó về quê đưa Chung đến sống cùng. Khi biết Chung gây ra án mạng, Lý Văn Phúc đã bảo Chung bỏ trốn vào Tây Nguyên. Chung lấy vợ, sống tại thôn Đoàn Kết (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) trong 10 năm lẩn trốn và đã có hai con.

 Hung thủ Lý Nguyễn Chung và ngôi nhà ở Đắk Lắk (ảnh: Đất Việt)

Hung thủ Lý Nguyễn Chung và ngôi nhà ở Đắk Lắk (ảnh: Đất Việt)

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định trên tờ Đất Việt: “Cần phải nhìn nhận là Lý Nguyễn Chung mang theo con dao, tức là có ý đồ sẵn, chủ trương thủ ác, chứ không phải nhìn thấy tiền mới nảy sinh ý định giết người. Chung không có người nâng giấc, không có một hậu phương đúng nghĩa, không có người chăm chút nhân cách cho nên Chung vô cảm, giản đơn.

Diễn biến tâm lý của Lý Nguyễn Chung rất phức tạp, rất dùng dằng. Chung cũng là kẻ máu lạnh chứ không phải không. Bằng chứng là Chung vẫn ăn ngon, ngủ kỹ và làm bố của 2 đứa trẻ. Vì rất thiếu vắng, trống trải sự nâng giấc, tình người, giá trị nhân văn nên Chung trở nên xơ cứng, nhưng hắn lại mong manh và thiếu kỹ năng. Khi 'vớ' được cô vợ - con người hiện thân cho rất nhiều thứ tình cảm, Chung dồn hết xúc cảm vào đấy và Chung cũng tiếc rẻ hạnh phúc ấy nên không tự thú sớm. Tâm lý của Chung rất phức tạp, mong manh và cũng có tia hướng thiện lấp lánh”.

Đối chiếu với quy định tại Điều 93 BLHS năm 1999 (tội Giết người) và Điều 133 BLHS năm 1999 (tội Cướp tài sản) thì mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.

Trên tờ Dân Việt, Luật sư, TS. Ngô Ngọc Thủy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Nếu như Lý Nguyễn Chung là hung thủ của vụ án, mà thời điểm gây án mới chỉ 15 -16 tuổi, có nghĩa phạm tội ở tuổi vị thành niên. Cho dù năm nay Chung đã 25 hoặc 26 tuổi, nhưng theo quy định của pháp luật thời điểm phạm tội sẽ căn cứ vào độ tuổi của người đó để quy trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 74 – Bộ luật hình sự, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù”.

Theo Soha.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.