Chồng bỏ mặc chuyện gia đình cho tôi

Đêm đã về khuya mà tôi vẫn không sao chợp mắt được. Phần vì lo cho con, đứa đang nằm trong bệnh viện, đứa phải gửi bà ngoại đón giúp. Lại thêm nỗi chán ngán cho thân phận hẩm hiu của mình. Dù có một người chồng giỏi giang, kiếm được rất nhiều tiền nhưng tôi không khác gì một bà mẹ đơn thân.

Đêm đã về khuya mà tôi vẫn không sao chợp mắt được. Phần vì lo cho con,  đứa đang nằm trong bệnh viện, đứa phải gửi bà ngoại đón giúp. Lại thêm nỗi chán ngán cho thân phận hẩm hiu của mình. Dù có một người chồng giỏi giang, kiếm được rất nhiều tiền nhưng tôi không khác gì một bà mẹ đơn thân.

Chúng tôi kết hôn được gần mười năm và đã có hai cô con gái lớn. Một cháu đã vào lớp 2 còn một cháu đang học mẫu giáo. Chồng tôi làm trợ lý giám đốc cho một công ty thương mại điện tử làm ăn khá phát đạt, còn tôi làm nhân viên văn phòng. Sau gần chục năm tích cóp, chúng tôi đã mua được một căn nhà chung cư để ổn định cuộc sống.

Ảnh minh hoạ

Ai cũng bảo cuộc sống như của tôi là niềm mơ ước của nhiều người. Chồng kiếm được nhiều tiền, yêu thương, cung phụng hết sức. Những lúc ấy, tôi chỉ biết cười buồn, cám ơn những lời khen của bạn bè và ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong. Kỳ thực, suốt gần mười năm qua, tôi không khác gì một người quả phụ bởi anh không tham gia vào bất cứ công việc nào trong gia đình dù là nhỏ nhất. Hết tháng, anh quăng tiền ra một khoản tiền và để tự vơ lo liệu mọi việc.

Dù con đã học đến lớp hai, đứa bé đang học mầm non nhưng chưa một lần anh đưa đón các con. Anh “giao nhiệm vụ” đó cho tôi. Anh luôn bận rộn, luôn có việc phải đi, phải làm khi tôi “nhờ” đón con. Thậm chí, có lần công ty tôi tổ chức liên hoan vào buổi tối, tôi gọi điện bảo anh đón con liền bị mắng té tát. Anh nói còn bận đi đánh cầu lông với mấy người bạn. Anh cáu bẳn bảo: “Việc của em thì em phải lo chứ lúc nào cũng nhờ nhờ là thế nào?” Tôi lặng lẽ cúp máy rồi tất tả chạy về để kịp đón hai cháu. Chẳng lẽ suốt gần 10 năm, tôi chỉ cần anh đón con có một lần thôi cũng không được sao?

Anh nói không với tất cả mọi việc nhà. Cứ về đến nhà là anh quăng mình xuống ghế sopha trong phòng khách xem ti vi chờ đến giờ ăn cơm. Từ khi lấy anh, chưa một lần anh cầm đến cái chổi lau nhà, chưa bao giờ anh hút bụi, thậm chí, việc đánh giầy của anh cũng là “phần trách nhiệm” của tôi bởi “xấu chàng thì hổ ai”!

Việc dạy dỗ con ở nhà anh cũng phó mặc cho tôi. Anh thường viện câu nói của các cụ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Các cụ đã đúc kết như thế. Nó có nghĩa là trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ con là của em. Nó hư hỏng hay ngoan ngoãn đều do em cả. Anh có nhiệm vụ đem tiền về để nuôi con. Anh đã làm rất tốt trách nhiệm của mình. Phần còn lại là ở em!”

Với anh, toàn bộ tháng lương anh đều giao hết cho tôi như thể là đã làm tròn trách nhiệm với gia đình. Mọi việc khác đều không liên quan đến anh.

Mọi chuyện có lẽ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện đứa con lớn bị ngã gãy tay phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tôi gọi cho anh về đưa con đi bệnh viện nhưng anh bảo đang bận đi thương thảo hợp đồng với khách hàng không về được. Anh còn trách tôi không biết chăm con để nó ngã như vậy lại còn “cầu cứu” chồng giúp đỡ. Tôi bảo anh đi đón và trông đứa thứ 2 để tôi đưa con đi bệnh viện băng bó anh cũng không đồng ý. Anh bảo: “anh không quen trông trẻ con. Em nhờ bà ngoại đón hộ đi” rồi tắt máy.

Tôi đưa cháu vào bệnh viện, bác sỹ thấy cháu kêu đau đầu và sốt cao nên đề nghị ở lại bệnh viện để theo dõi thêm. Suốt từ chiều đến đêm, chưa thấy anh vào thăm, cũng không thấy gọi điện. Thì ra hôm đó, anh gặp khách hàng rồi đi liên hoan với mấy người bạn thân đến say mềm mới về. Sáng hôm sau anh có vào bệnh viện một lát rồi vội vã đi làm ngay.

Suốt hai hôm nay anh không vào thăm con. Chẳng lẽ, mọi chuyện trong nhà anh đều là kẻ “vô can”? Những đồng tiền của anh liệu có thể lấp đầy những khoảng trống về tình cảm trong lòng mẹ con tôi. Có chồng giỏi giang mà tôi không bằng một người đàn bà góa sao? Liệu có cách nào để thay đổi những suy nghĩ cổ hủ và ích kỷ của anh không?

Bích Thùy

Chào chị  

Hôn nhân là sự gắn kết hai tâm hồn, hai trái tim để cùng chia sẻ, gắn bó và vun đắp tổ ấm. Hạnh phúc gia đình sẽ không thể tồn tại nếu chỉ một người gìn giữ, chăm lo. Chồng chị đã thật thiếu trách nhiệm khi dồn đổ mọi việc trong gia đình lên đôi vai của chị và coi đó là bổn phẩn tất yếu.

Có lẽ điều duy nhất mà anh ấy làm được chỉ là thực hiện đầy đủ trách nhiệm về kinh tế. Tuy nhiên trong đời sống hôn nhân, vật chất không phải là điều duy nhất quyết định hạnh phúc mà quan trọng hơn cả là sự thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm mà vợ chồng dành cho nhau nữa. Chồng chị cũng như nhiều người đàn ông khác trong xã hội vẫn chịu ảnh hưởng của quan niệm “đàn ông trụ cột trong nhà”. Quan niệm này phân định rằng đàn ông chỉ lo những việc đại sự như kiếm tiền, xây nhà.. còn phụ nữ phải gánh vác tất cả những việc còn lại trong gia đình như nội trợ, chăm sóc con cái...  

Quan niệm cổ hủ này đã khiến anh ấy dần quên đi nghĩa vụ cần có của một người chồng, người cha trong gia đình đó là sự quan tâm, sẻ chia với vợ mọi việc trong nhà. Anh ấy cũng không hiểu rằng chính việc chăm lo cho gia đình từ những việc làm nhỏ bé nhất mới là cách tạo dựng hạnh phúc, kết nối tình cảm giữa vợ chồng con cái. Và đó mới là cách thể hiện của một người đàn ông bản lĩnh, hiểu biết và có trách nhiệm. 

Để thay đổi suy nghĩ của anh ấy, có lẽ cần ở chị sự chủ động và mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc sống. Việc chị cam chịu và chấp nhận trong suốt những năm qua cũng khiến chồng chị không nhận thức được anh ấy đã dần xa cách vợ con đến mức nào. Anh ấy có còn coi chị là người bạn đời để chia sẻ, quan tâm hay chỉ coi chị là osin cao cấp trong nhà ? Liệu những đồng tiền anh ấy mang về có thể thay thế được sự chăm sóc, yêu thương của anh ấy với vợ con hay không? Chị hãy lên tiếng để anh ấy hiểu rằng nếu anh ấy không thay đổi thì chị sẽ không thể tiếp tục cuộc hôn nhân thiếu vắng sự chia sẻ và quan tâm như vậy. Thêm nữa nếu cứ tiếp diễn cuộc sống vợ chồng lạnh lùng, vô cảm như thế này thì liệu tình yêu chị dành cho anh ấy có còn tồn tại nổi không? Và kết cục là anh ấy sẽ mất đi tất cả những gì đang có : gia đình, vợ con chỉ vì những suy nghĩ gia trưởng lạc hậu của mình.  

Để có thêm sự hỗ trợ, chị có thể tìm đến bạn bè hoặc người thân để có tác động tích cực đến suy nghĩ của anh ấy. Hy vọng rằng anh ấy sẽ nhận ra hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn nhiều nếu biết chia sẻ, quan tâm đến vợ con từ những việc làm giản dị, nhỏ nhặt nhất. Chúc chị và gia đình một mùa xuân mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công. Thân mến.  

Võ Thanh Giang ( Csaga)

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, người chồng cần thể hiện trách nhiệm như thế nào trong gia đình?



Bình luận