Dì ghẻ thì luôn có lỗi với con chồng hay sao?

Với nhiều phụ nữ quá lứa lỡ thì, có được một gia đình là một hạnh phúc lớn lao. Nhưng với tôi, lấy chồng kết thúc một bi kịch nhưng lại mở ra một bi kịch khác đau đớn hơn rất nhiều. Có lẽ, không bao giờ những nỗi đau khổ, phiền muộn có thể rời xa tôi được.

Với nhiều phụ nữ quá lứa lỡ thì, có được một gia đình là một hạnh phúc lớn lao. Nhưng với tôi, lấy chồng kết thúc một bi kịch nhưng lại mở ra một bi kịch khác đau đớn hơn rất nhiều. Có lẽ, không bao giờ những nỗi đau khổ, phiền muộn có thể rời xa tôi được.

Tôi xây dựng gia đình cách đây hai năm khi đã ngoài bốn mươi tuổi. Anh là một người đàn ông tốt nhưng cũng gặp trắc trở trong cuộc sống. Vợ cũ ảnh bỏ đi để lại cho anh đứa con gái xinh đẹp mới hơn hai tuổi. Anh muốn tôi chăm sóc, yêu thương con anh như chính đứa con mình sinh ra. Tôi không có khả năng sinh nở nên cũng hi vọng đứa con sẽ là cầu nối, là chỗ dựa tinh thần cho mình trong những năm tháng sau này. Hơn nữa, dù không sinh ra cháu nhưng cháu vẫn là ruột thịt của người mà tôi yêu thương và tôi luôn tâm niệm sẽ phải có trách nhiệm nuôi dậy cháu nên người.

Ảnh minh hoạ

Cưới nhau rồi, chồng tôi lại vắng nhà suốt. Anh là lái xe đường dài nên thời gian ở nhà luôn ngắn hơn những chuyến đi. Tôi thay anh chăm sóc con. Đây là một nhiệm vụ mới mẻ nhưng đầy hạnh phúc với tôi. Có cháu bên cạnh, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp lạ. Bản năng của một người mẹ khiến tôi rất cẩn trọng và chu đáo trong việc chăm sóc con anh.

Thời gian đầu làm quen và chăm sóc con quả thực là việc làm quá sức với tôi. Anh lại vắng nhà, nửa đêm, con dậy khóc gọi ba, mẹ. Dù tôi có dỗ dành thế nào cháu cũng không nín.

Nhà ông bà nội chỉ cách có vài trăm mét. Cứ mỗi lần con tôi khóc là bà nội lại sang. Những ngày đầu, bà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở tôi. Được khoảng một tuần thì bà bắt đầu chửi tôi thậm tệ. Bà cho rằng tôi bỏ mặc con bé để nó khóc lóc một mình. Rồi bà đem cháu về nhà mình, bỏ tôi một mình trong nỗi trống trải và sợ hãi đến cùng cực.

Ban ngày, bố mẹ chồng tôi không có nhiều thời gian vì phải trông một cửa hàng tạp hóa lớn nên đành giao cháu lại cho tôi. Nhưng tôi cho con ăn cái gì, cho nó ngủ ra sao đều phải chịu sự “giám sát” gắt gao của mẹ chồng. Bất cứ hành động gì của tôi với cháu cũng khiến bà nội khó chịu.

Không chỉ có mẹ chồng, những lúc anh ấy ở nhà cũng để ý, căn vặn tôi từng chút một: sao lại nói với con thế này, sao lại không làm cái kia với con… Bất cứ điều gì tôi làm đều bị soi xét và cho rằng chưa hết tâm hết sức với con.

Nhưng đó không phải là bi kịch mà tôi phải chịu đựng. Cách đây gần một tuần, một tai nạn đã xảy ra với cháu bé làm tôi càng lâm vào hoàn cảnh khó xử với gia đình chồng và mọi người xung quanh. Hôm ấy, tôi ở nhà trông con. Lúc tôi lúi húi nấu cháo cho con, cháu tha thẩn ra ngoài bờ ao rồi ngã xuống đó. Lúc tôi giật mình nhớ ra không có cháu bên cạnh và chạy đi tìm thì đã muộn. Tôi như chết đứng, khi nhìn thấy cái áo quen thuộc của cháu lập lờ dưới làn nước đục ngầu của cái ao tù.

Tôi đứng như trời trồng, chân tay cứng đơ lại. Cũng may lúc ấy có mấy người đi qua. Họ đưa cháu lên bờ, làm tất cả các biện pháp hô hấp nhân tạo và cứu được cháu bé khỏi tay thần chết. Tôi cảm thấy mình như vừa chết đi sống lại. Nhưng từ lúc đó thì những lời xì xào độc địa bắt đầu rơi xuống đầu tôi.

Bố mẹ chồng tôi cho rằng tôi cố ý muốn cháu chết đuối để được rảnh thân. Họ chửi rủa tôi, thậm chí còn đe doạ đuổi tôi ra khỏi nhà. Chồng tôi trước giờ rất yêu thương tôi vậy mà bây giờ anh ấy cũng bắt đầu hoài nghi không tin tưởng tôi nữa. Anh cũng cho rằng tôi không thương con bé thật lòng mà rắp tâm chờ cơ hội để làm hại nó. Bao nhiêu tội lỗi đổ cả lên đầu khiến tôi như một kẻ tội đồ. Niềm an ủi duy nhất của tôi lúc này chính là việc đứa con riêng của chồng lại tỏ ra yêu quí, quấn quýt tôi không rời mặc cho những người xung quanh cháu thường xúi giục, doạ dẫm để cháu xa lánh tôi.

Bây giờ ngoài nỗi đau, sự ân hận vì đã để cháu suýt mất mạng, tôi còn chịu một cái án mà mọi người kết cho là cố ý hại con chồng. Ai cũng nhìn tôi với con mắt khinh bỉ. Chẳng lẽ, chỉ vì là mẹ kế mà cả đời tôi phải mang tiếng ghét bỏ con chồng dù tôi đã hết lòng yêu thương cháu ?

Độc Gi

Chào chị

Với những nỗ lực và cố gắng vun đắp hạnh phúc của chị trong thời gian qua có thể nhận thấy chị là một người phụ nữ mạnh mẽ và đầy nghị lực. Bằng tình yêu, sự nhân hậu, vị tha chị cũng đã đem lại hạnh phúc và tình cảm ấm áp cho chồng chị cũng như đứa con bé bỏng của anh ấy. Chị đã vượt qua được miệng tiếng của người đời để thể hiện một cách trọn vẹn tình mẫu tử thiêng liêng của mình và chị cũng nhận được tình yêu thương, sự gắn bó từ đứa con riêng của chồng. Đó là quà tặng lớn nhất và là sự đền đáp xứng đáng nhất cho tấm lòng và tình yêu thương của chị với chồng con.

Tai nạn xảy ra với cháu bé chỉ là rủi ro không ai mong muốn và chị không có lỗi trong chuyện này. May mắn lớn nhất là cháu bé vẫn bình an vô sự. Phản ứng của chồng chị và gia đình anh ấy cho thấy họ vẫn chưa thật sự hiểu và cảm nhận được tình cảm của chị dành cho cháu bé. Thêm nữa họ cũng như rất nhiều người trong xã hội vẫn còn có cái nhìn khắt khe và thiếu thiện cảm với những người mẹ kế xuất phát từ định kiến “ mẹ ghẻ con chồng”. Đây cũng là một rào cản ngăn trở những người phụ nữ như chị được mọi người nhìn nhận một cách công bằng và tích cực.

Để thay đổi một suy nghĩ, một quan niệm cần phải có thời gian chị ạ. Chị hãy tiếp tục yêu thương và thể hiện tình cảm với cháu bé. Chị hãy tin rằng điều gì từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Đây sẽ là sự đáp trả tốt nhất cho những định kiến, những suy nghĩ sai lầm mà mọi người xung quanh đã áp đặt cho chị. Tôi tin rằng theo thời gian tình yêu mà cháu bé dành cho chị cũng sẽ giúp những người lớn hiểu rằng họ đã sai.

Để vượt qua giai đoạn này rất cần ở chị sự mạnh mẽ và bản lĩnh. Chị cũng cần phải biết bảo vệ mình nếu có những phản ứng bạo lực từ gia đình chồng. Hãy tìm đến người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ giúp đỡ chị nhé. Chị cũng có thể tâm sự, chia sẻ với chồng hoặc nhờ người tác động để giúp anh ấy hiểu ra vấn đề. Chúc chị nhiều sức khoẻ và hạnh phúc. Thân mến

Võ Thanh Giang ( Csaga)


Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ như thế nào về mối quan hệ mẹ kế - con chồng thời nay?



Bình luận