Tôi quá mệt mỏi với vai trò trụ cột gia đình

Tôi đã quá mệt mỏi với cái “thiên chức” làm trụ cột gia đình của mình. Vì nó, tôi đã không có được một phút thảnh thơi. Phải chăng làm chồng thì phải thế?

Tôi đã quá mệt mỏi với cái “thiên chức” làm trụ cột gia đình của mình. Vì nó, tôi đã không có được một phút thảnh thơi. Phải chăng làm chồng thì phải thế?

Trong con mắt của bạn bè, người thân, tôi luôn là một người chồng mẫu mực, một người đàn ông đích thực. Cưới vợ được năm năm, tôi đã có đủ khả năng để xây dựng cho mình một ngôi nhà nhỏ và một gia đình êm ấm với một cậu con trai kháu khỉnh, thông minh. Vợ tôi là một người phụ nữ đảm đang. Lấy chồng xong, cô ấy quyết định ở nhà làm nội trợ để trông nom con. . Có cô ấy, tôi hoàn toàn yên tâm công tác.

Ảnh minh hoạ

Tất cả mọi việc lớn nhỏ: từ kiếm tiền về trang trải cuộc sống, đối nội, đối ngoại, hay chỉ đơn giản là đóng một cái móc treo quần áo, vợ tôi cũng nhường cho tôi. Cô ấy cho rằng, đã là đàn ông thì phải có trách nhiệm lo tất cả mọi việc như thế.

Họ hàng, làng xóm có giỗ chạp, cưới hỏi hay ma chay, tôi đều phải thu xếp công việc để chu toàn. Không bao giờ vợ tôi chịu “thay mặt” tôi giải quyết những việc ấy. Bởi theo cô ấy, việc đó là việc của đàn ông trong nhà.

Không bao giờ vợ tôi lo lắng hay chí ít là tỏ ra lo lắng trước những công việc lớn của gia đình. Bởi cô ấy sẽ không bao giờ tham gia vào việc giải quyết khó khăn ấy. Vợ tôi cho rằng, lấy chồng để được nhờ vả, nương tựa chứ nếu lấy chồng mà vẫn phải lo lắng thế thì thà “ở vậy” còn hơn.

Đi làm tám tiếng đồng hồ ở công sở, về đến nhà, vợ tôi còn yêu cầu phải “chia sẻ việc nhà” cho “bình đẳng”. Dù cô ấy ở nhà cả ngày nhưng việc rửa bát buổi tối, tắm cho con… đều được nhường cho tôi. Vợ tôi lý luận rằng: “Anh phải biết những công việc của em thì mới thấu hiểu và chia sẻ được. Ở nhà nội trợ như em cũng chả sung sướng như anh tưởng đâu.”

Dù bắt tôi phải thấu hiểu nhưng chưa bao giờ vợ tôi đặt mình vào hoàn cảnh của tôi để thấu hiểu và giúp đỡ chồng. Hơn một năm nay, kinh tế khó khăn, tôi bị cắt giảm lương; thêm vào đấy, cậu con trai lại bước vào lớp Một nên cuộc sống gia đình tôi càng trở nên eo hẹp. Tôi có đề nghị vợ tôi đi làm để phụ giúp thêm  chút đỉnh trang trải việc nhà nhưng cô ấy cứ ậm ừ rồi “quên bẵng” chuyện công việc đi. Tôi có nhắc lại thì cô ấy cười mà rằng: “có chồng lo rồi, em  còn phải lo lắng gì nữa chứ”.

Bạn bè ai cũng khen vợ tôi tháo vát, yêu thương chăm sóc chồng con chu đáo. Họ bảo: “mỗi tối đi làm về đã có vợ chờ sẵn với cơm ngon canh ngọt và nụ cười tươi rói thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến hết. Đúng là sướng nhất ông!”

Những lúc ấy, tôi chỉ biết gượng cười mà chấp nhận niềm hạnh phúc tưởng tượng của bạn bè. Bởi tôi thực sự mệt mỏi và chán nản với trách nhiệm trụ cột gia đình mà cô ấy đặt lên trên vai tôi. Trong cuộc hành trình dài vô tận ấy, không có một ai chung lưng đấu cật cùng tôi gánh vác cuộc sống gia đình.

Đã nhiều lần vợ chồng tôi cãi nhau vì cô ấy luôn đòi hỏi tôi phải là người chồng thế này, phải làm việc này, việc khác cho xứng đáng làm chồng. Đôi lúc, tôi đã nghĩ đến chuyện từ bỏ cái gánh nặng “trụ cột gia đình” một thời gian để tìm cho mình sự thanh thản. Nhưng cứ nhìn cậu con trai ngoan ngoãn, khỏe mạnh đang lớn lên từng ngày cả về thể xác lẫn tâm hồn thì tôi không còn đủ can đảm để làm điều đó.

Hàng ngày, ngoài gánh nặng áo cơm, những việc “không tên” của người “làm chủ gia đình” khiến tôi thực sự kiệt sức. Trong khi đó, chưa bao giờ vợ tôi hiểu và chia sẻ gánh nặng gia đình cùng tôi.

Nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ tôi sẽ không còn đủ sức lực và sự kiên nhẫn để chịu đựng. Liệu có cách nào để vợ tôi chia sẻ bớt gánh nặng “trụ cột gia đình” với tôi không?


Chào anh

Qua chia sẻ của anh, tôi nhận thấy anh là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, bên cạnh việc lao động kiếm tiền nuôi vợ con, anh cũng là người chồng biết chia sẻ với vợ mọi công việc to nhỏ trong gia đình. Để làm được như vậy hẳn anh đã phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên vợ anh đã không nhìn nhận được những đóng góp của anh với gia đình trong những năm qua. Việc cô ấy thiếu sự chia sẻ, gánh vác công việc gia đình hay cùng anh san sẻ trách nhiệm kinh tế đã khiến anh có phần mệt mỏi và quá sức.
Theo quan niệm truyền thống người đàn ông luôn được coi là người mạnh mẽ nên phải làm “ trụ cột trong nhà”, phải lo việc lớn và kiếm tiền lo cho vợ con. Vợ anh với cách nghĩ xuất phát từ những định kiến cũ về vai trò trụ cột của đàn ông trong gia đình nên chị ấy đã dồn đổ mọi trách nhiệm gánh vác lên vai anh mà không hề có sự chia sẻ. Chị ấy không hề biết rằng chính suy nghĩ đó đã tạo áp lực nặng nề cho anh, thêm vào đó chị ấy cũng tự đánh mất cơ hội được khẳng định mình trong công việc gia đình cũng như ngoài xã hội. Trên thực tế thì phụ nữ hay nam giới đều có những khả năng, cơ hội và trách nhiệm như nhau trong việc chăm sóc gia đình. Để một gia đình bền vững và phát triển, sự chia sẻ, tình yêu và trách nhiệm giữa các thành viên là yếu tố quan trọng.

Để giúp anh thoát khỏi gánh nặng “ trụ cột” hiện nay rất cần ở vợ anh sự thay đổi nhận thức về vai trò của người đàn ông, người phụ nữ trong gia đình. Cô ấy cần hiểu rằng cô ấy và anh đều phải có trách nhiệm trong mọi vấn đề liên quan tới gia đình như việc kiếm tiền, chăm lo con cái, việc nhà hay ứng xử với gia đình hai bên. Để san sẻ với anh trách nhiệm về kinh tế, cô ấy hoàn toàn có thể tìm một công việc phù hợp với khả năng của mình. Công việc đó vừa giúp gia đình có thêm thu nhập đồng thời vợ anh cũng có thêm cơ hội để học hỏi và phát triển nghề nghiệp của mình. Về phần mình, anh cũng nên có thái độ tích cực hơn khi chia sẻ việc nhà với vợ, anh cũng cần hiểu rằng dù vợ anh đi làm hay ở nhà nội trợ thì việc vợ chồng cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau việc gia đình cũng là yếu tố cần thiết tạo dựng hạnh phúc.

Anh cần chia sẻ một cách chân thành với vợ những suy nghĩ và mong muốn của mình. Việc cam chịu và im lặng chấp nhận như hiện nay không phải là cách tốt giúp cho anh và vợ anh hiểu nhau. Vợ anh cũng là người phụ nữ yêu thương chồng con. Việc cô ấy thiếu sự sẻ chia trách nhiệm với anh cũng chỉ do các định kiến giới trong quan niệm của cô ấy. Nếu có được sự động viên, khích lệ chia sẻ của anh, tôi tin là cô ấy sẽ hiểu ra và sẽ là người bạn đời song hành cùng anh vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.Chúc anh thật tự tin và mạnh mẽ để làm chủ cuộc đời mình. Thân mến.

Võ Thanh Giang (Csaga)
 

Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ thế nào về quan điểm “ đàn ông phải là trụ cột trong nhà “?



Bình luận