Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022

Thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức lễ hội dịp đầu năm mới cũng như kiểm soát các dịch vụ văn hóa khác trên địa bàn thành phố.

Sáng 19/1, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Thành phố với các Ban Chỉ đạo quận, huyện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022-1
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kết luận phiên họp

Xác định "3 không" trong phòng, chống dịch
 
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trung bình từ ngày 13-18/1, Hà Nội ghi nhận 2.941 ca mắc/ngày. Số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng như đã nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong đang trong giới hạn kiểm soát. Thành phố hiện đang điều trị 62.410 người, gồm 361 người tại bệnh viện Trung ương và 62.049 người thuộc các tầng quản lý, điều trị. Trong đó, tầng nhẹ là 59.150 người (tỷ lệ 95,33%); Tầng 2 là 2.263 người (tỷ lệ 3,65%); Tầng 3 là 636 người (tỷ lệ 1,02%).
 
Tại phiên họp, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân F0 thể nặng tại bệnh viện và các F0 thể nhẹ tại nhà; đồng thời, việc phối hợp với quận Ba Đình trong việc hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân F0 và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng cao tuổi, bệnh nền. PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, hiện nay, chúng ta cần xác định đích đến là "3 không" (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong), nếu làm được thì Covid-19 sẽ không còn là đại dịch.
 
Để thực hiện được "3 không", theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, các địa phương của thành phố Hà Nội cần thực hiện 5 giải pháp như: Thứ nhất, giảm lây nhiễm để kiềm chế những ca mắc mới, trong đó, người dân cần thực hiện nghiêm "5K", khai báo một cách thân thiện; có thể không dùng thuật ngữ F0-F1 mà thay bằng người nhiễm và người tiếp xúc gần. Thứ 2, là giải pháp tiêm phủ vắc xin cho 100% dân số (gồm cả người cao tuổi và có bệnh nền) để giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Do vậy, các địa phương cần "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để rà soát danh sách; các bệnh viện tuyên truyền, cùng đồng hành với các địa phương để tiêm đủ vắc xin cho người dân. Thứ 3, chăm sóc người nhiễm tại cơ sở; đồng thời, tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã. Thứ 4, kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện, phải có sự điều phối, sơ đồ hóa để chuyển người bệnh chuyển nặng khi cần thiết. Cuối cùng là phải tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân Covid-19.


Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022-2

Quang cảnh phiên họp

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tạm dừng các hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với huyện Mỹ Đức, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ làm việc riêng để bàn cụ thể về việc tổ chức lễ hội Chùa Hương, với tinh thần chỉ cho phép tổ chức các nghi thức phần lễ mang tính nội bộ và phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự. 
 
Theo bà Trần Thị Vân Anh, thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức lễ hội dịp đầu năm mới cũng như kiểm soát các dịch vụ văn hóa khác trên địa bàn thành phố. Đối với trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam với Trung Quốc trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á, diễn ra vào ngày mùng 1 Tết âm lịch, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội sẽ làm việc với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đón học sinh trở lại trường
 
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, tình hình dịch trong thời gian qua  nằm trong dự báo. Theo đó, về cơ bản, đều kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu cơ sở có sự chủ động, sâu sát hơn thì tình hình phòng, chống dịch bệnh sẽ tốt hơn nữa.
 
Dự báo dịp Tết Nguyên đán này tình hình dịch bệnh tiếp tục có nhiều phức tạp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị lãnh đạo các quận, huyện bám sát tình hình cơ sở; quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Lấy ví dụ về nhiệm vụ tiêm vét vắc xin tại các địa phương, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, do nhận thức và sự quyết liệt của lãnh đạo từng cơ sở khác nhau, nên tới nay, có những địa phương làm rất tốt, ngược lại nhiều đơn vị còn "giậm chân tại chỗ". Đồng chí cho biết, thành phố cũng sẽ thông qua kênh thông tin từ các bệnh nhân đang điều trị tại nhà để đánh giá hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022-3

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại phiên họp

Các quận, huyện, thị xã tới xã, phường, thị trấn cần xây dựng kịch bản rất cụ thể trong những ngày Tết, phù hợp và bám sát diễn biến tình hình thực tế, tránh bỏ sót F0 và không để F0 thiếu thuốc. Các quận, huyện rà lại lực lượng, phối hợp với ngành y tế; huy động sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng để bổ sung kịp thời, hỗ trợ trong thời điểm Tết.

Đồng chí yêu cầu các Sở, ngành thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân; nâng công suất Tổng đài 1022 trong những ngày Tết. Đặc biệt, sau Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án đưa học sinh cấp 2 trở lại trường và các kịch bản ứng phó; các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng đón học sinh đến trường. "Phải tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo tránh bị động bất ngờ"- Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 
Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Song, đây là giai đoạn thử thách, cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ thành phố đến cơ sở để tránh tình trạng bị động, bất ngờ. 
 
Điều phối công việc phải cụ thể sát tình hình
 
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định: Sau hơn 3 tháng triển khai tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát Covid-19 hiệu quả, Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ban, ngành tập trung trong công tác phòng, chống dịch, đến nay, Hà Nội vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Song, do diễn biến dịch bệnh chưa có tiền lệ, hệ thống chính trị cũng cần phải điều chỉnh liên tục, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu rõ các đơn vị: "Cần quyết tâm, điều phối công việc phải cụ thể sát tình hình".
 
Với các quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu rà soát từng số liệu cụ thể trong quản lý rủi ro như: số chuyển tầng, số tiêm vét, số bệnh nhân nặng… Đồng chí yêu cầu phải chỉ đạo đến từng xã, phường, thị trấn lập ngay danh sách ứng trực từ tổ thông tin đến hỗ trợ điều trị F0 tại nhà kèm số điện thoại, số đường dây nóng để báo cáo thành phố; danh sách người trong diện tiêm vét; bổ sung thêm các trạm y tế lưu động cho địa bàn nóng; các túi thuốc cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà…
 
Yêu cầu các Sở, ban, ngành phải có ngay kịch bản, phương án chi tiết để tăng cường cho hệ thống phòng, chống dịch từ y tế cơ sở đến bổ sung nhân lực cho các tổng đài ở địa bàn đông dân… Các ngành còn vướng mắc trong công tác phòng chống dịch như: tạm ứng chi công tác phòng, chống dịch cho các bệnh viện, đơn giá dịch vụ thu gom rác thải y tế; phương án cho học sinh từ lớp 7 trở lên đi học trở lại sau tết, diễn tập trước Tết để triển khai hiệu quả và an toàn… phải tổ chức họp ngay, báo cáo lãnh đạo UBND thành phố xử lý kịp thời.
 
"Thành ủy sẽ có công điện, Thành phố sẽ có Chỉ thị phân công cụ thể tới từng đơn vị. Trách nhiệm chúng ta là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân dịp trước, trong, sau Tết. Phải có phương án cụ thể để triển khai ngay", Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Theo Hanoi.gov.vn


Hà Nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.