Mấy ngày nay, người dân địa phương xôn xao việc một ngôi mộ được cho là có thời gian hàng trăm năm được phát hiện ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Đặc biệt, dù được mai táng đã rất lâu nhưng thi hài vẫn còn nguyên vẹn khiến ai cũng rất ngạc nhiên.
Ngôi mộ bí ẩn khiến mọi người bất ngờ
Trước đó, vào khoảng 8h ngày 7/12/2016, anh Nguyễn Đức Toàn, trú ở xóm 10, xã Thanh Đồng (huyện Thanh Chương) tiến hành múc đất thì bất ngờ phát hiện một ngôi mộ được xây bằng những khối gạch đá.
Lúc đầu, anh Toàn nghĩ đây là tảng đá, nhưng khi đào sâu thì mới phát hiện đây là một ngôi mộ. “Việc đào được ngôi mộ khiến chúng tôi rất bất ngờ, nên lập tức báo cho chính quyền địa phương và xin ý kiến của một số người lớn tuổi. Lúc này, chúng tôi nghĩ đây là ngôi mộ của con cháu dòng họ Trần”, anh Toàn nói.
Sau khi biết tin, con cháu Trần đã đến xác minh và dùng các tài liệu sử sách để kiểm tra lại, thì đây đúng là ngôi mộ tổ của dòng họ.
Việc mai táng theo hình thức “Trong quan ngoài quách” được dòng họ Trần nhiều lần sử dụng. Theo đó, mộ táng thường được xây sẵn bằng những khối gạch đá, sau đó đặt quan tài xuống và xây kín lại. Bên trong quách gỗ là quan tài được đóng liền thành một khối ngoài có sơn phủ kín. Quách trong đều được làm bằng gỗ thơm.
Điều bí ẩn bên trong quan tài cụ tổ là màu sắc sơn đỏ vẫn còn tươi. Quách dài khoảng 2,2 m, rộng 0,75 m, cao 0,8m. Quách và quan tài dính chặt vào nhau, nhưng quách đã bị vỡ mặt đáy.
Trong quan tài còn có nhiều mảnh vụn màu đen, nhiều bông gòn, 1 túi vải màu nâu dài khoảng 25cm, rộng hơn 10cm đã bị rạch thủng. Những thứ trong quan tài tỏa ra mùi thơm như mùi thuốc bắc.
Quan tài được di chuyển về khu mộ dòng họ
Theo con cháu dòng họ, đây là ngôi mộ của cụ thủy tổ Trần Khắc Tuấn. Được biết, gốc gác dòng họ xuất phát ở Hà Tĩnh, do loạn lạc nên mới đến đây định cư. Tuy nhiên, sau khi cụ mất, trải qua thời gian đã không tìm được nơi an táng.
Ông Trần Văn Phước, Trưởng ban nội tộc dòng họ Trần xác nhận sự việc trên, đồng thời cho biết trước đó mọi người đã cố công tìm kiếm nhưng không thấy, giờ bất ngờ phát hiện ra.
“Sau khi mời thầy về xem, dòng họ sẽ chọn ngày 27/6AL làm lễ giỗ cho cụ thủy tổ. Việc làm này nhắc nhở con cháu, những thế hệ mai sau luôn phải có ý thức về nguồn gốc tiên tổ, dòng họ”, ông Phước nói.
Ngày 8/1, anh em con cháu Trần đã quyết định di dời mộ cụ tổ về khu nghĩa trang của dòng họ Trần tại núi Đội (xóm 9, xã Thanh Đồng).
Thi thể cụ tổ được con cháu tổ chức làm lễ
Một điều bí hiểm trong quá trình di dời, mọi người phát hiện ngôi mộ cụ tổ đã bị kẻ gian đào bới trong đêm. Ngôi mộ bị đào tung, lật nghiêng cỗ quách, làm lộ thi hài.
Trao đổi với ông Nguyễn Bá Hạnh, Trưởng Công an xã Thanh Đồng nói: “Chúng tôi có nghe thông tin về ngôi mộ cổ và việc kẻ gian đào bới, nhưng người nhà không báo cho chính quyền nên chúng tôi không can thiệp".
"Ngoài ra, đây là vấn đề tâm linh, trong ngôi mộ có nhiều điều chưa thể lý giải nên gia đình đang mời thầy đến xem”, ông Hạnh nói.
Đến nay, theo thống kê Việt Nam đã phát hiện ra khoảng 100 ngôi mộ có xác ướp. Đã có 52 ngôi mộ được đào lên. Số mộ chính thức được khai quật rất ít ỏi vì đa số những ngôi mộ này đã bị phá trước khi các cơ quan chức năng phát hiện ra. Chỉ có 27 mộ đã khai quật còn quần áo. Các mộ được phát hiện chủ yếu thời Lê và tập trung nhiều ở phía Bắc. Phía Nam cũng rải rác có một số mộ nhưng kỹ thuật ướp xác của khu vực này không tốt nên các mộ phát hiện được hầu như không còn nguyên vẹn. Đa số mộ xác ướp tìm thấy là nam giới, có một số ít mộ là nữ giới, có cả mộ song táng 1 nam và 1 nữ. |