Sau sự việc hỗn loạn tại điểm tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội đã họp thống nhất phương án để 17 điểm tổ chức đăng ký tiêm trực tuyến qua website, email hoặc một hình thức điện tử khác. Sau khi đăng ký xong mới tiến hành tiêm.
Khu vực đăng ký tiêm trực tuyến trên website Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội |
Tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội – nơi nhận được nhiều vắc xin Pentaxim nhất đợt này (3.200 liều) đã phối hợp với một đơn vị viễn thông xây dựng phần mềm điện tử đăng ký tiêm trực tuyến tại địa chỉ: https://ytdphanoi.gov.vn. Đây là điểm tiêm chủng đầu tiên và lớn nhất tại Hà Nội đến thời điểm này có phần mềm đăng ký trực tuyến.
Hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ chính thức hoạt động từ 9h sáng thứ 3, ngày 29/12 tới.
Những trường hợp đăng ký thành công sẽ nhận được thông báo cụ thể về ngày, giờ đưa trẻ đi tiêm chủng.
Thời gian tiêm chủng sẽ diễn ra sau đó 1 ngày, từ 7h30, thứ 4 ngày 30/12, trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ.
Trong đợt này Trung tâm tổ chức tiêm chủng vắc xin Pentaxim cho trẻ có ngày sinh từ 30/12/2012 đến 30/10/2015.
Phần mềm yêu cầu phụ huynh kê khai nhiều thông tin để tránh đăng ký ảo |
Cụ thể:
Mũi 1: Với trẻ chưa tiêm mũi tổng hợp nào (Quinvaxem, Pentaxim, Infanrix Hexa, DPT...).
Mũi 2: Cho trẻ đã tiêm mũi 1 cách ngày 30/12/2015 tối thiểu 30 ngày.
Mũi 3: Cho trẻ đã tiêm mũi 2 cách ngày 30/12/2015 tối thiểu 30 ngày.
Mũi 4 (nhắc lại): Với trẻ đã tiêm mũi 3 cách ngày 30/12/2015 tối thiểu 1 năm.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, phần mềm điện tử sẽ có thông tin chi tiết họ tên trẻ, ngày tháng năm sinh, họ tên người đưa trẻ đi tiêm kèm theo CMTND, điện thoại nên sẽ tránh được tình trạng đăng ký ảo. Khi đi tiêm, phụ huynh cần mang theo các giấy tờ cần thiết như trên để chứng minh.
Đánh giá về tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ tại Hà Nội, ông Cảm cho biết, lượng vắc xin hiện tại mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu trong tổng số khoảng 60.000 trẻ. Theo ước tính nhu cầu trong năm 2016 của thành phố tiếp tục tăng lên 100.000-120.000 liều.
Theo T.Hạnh/VietNamNet