Chủ tịch nước: "Trung Quốc dứt khoát không thể chiếm được biển Đông"

"Bao giờ âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc chưa thay đổi thì tính chất phức tạp trên biển chưa giảm", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

"Bao giờ âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc chưa thay đổi thì tính chất phức tạp trên biển chưa giảm", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chiều 2/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đến hợp tác xã đóng, sửa chữa tàu Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để "mục sở thị" tàu cá ĐNa 90152TS bị Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5, mới được lai dắt về bờ.

Ân cần động viên vợ chồng chủ tàu tá Huỳnh Thị Như Hoa, Chủ tịch nước đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu về sự việc con tàu đang còn hằn nguyên vết đâm chí mạng ở Hoàng Sa.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ tay lên thương tích trên tàu ĐNa 90152 để hỏi cặn kẽ ngư dân về hành động phía Trung Quốc cố ý đâm chìm con tàu tại Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông

 
Bà Hoa kể cho Chủ tịch nước nghe về hành động vô nhân đạo của Trung Quốc với tàu cá của mình cùng 19 thuyền viên, và khẳng định "sẽ kiện Trung Quốc đến cùng". Bà đã thu thập tất cả chứng cứ, trong đó có đoạn video ghi lại cảnh tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm tàu ĐNa 90152 để cùng luật sư tiến hành các thủ tục khởi kiện tàu vỏ sắt Trung Quốc. "Hoàng Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay, chúng tôi không sợ sự hung hãn của Trung Quốc mà quyết bám biển đến cùng", bà nói.

Sau cái bắt tay cùng lời dặn dò vợ chồng bà Hoa gắng quan tâm đến việc học hành của con cái để tương lai làm chủ những con tàu hiện đại ở vùng biển chủ quyền, Chủ tịch nước cấp tốc về âu thuyền Thọ Quang để gặp mặt 25 thuyền trưởng vừa trở về từ Hoàng Sa. "Chủ tịch nước cởi mở và dễ gần quá!", một nữ chủ tàu thốt lên khi thấy ông đến hỏi han từng ngư dân lấm lem vệt dầu mỡ, da đen sạm vì nắng gió sau chuyến đi biển dài ngày.

"Người trong nhà, tôi nói thật", thuyền trưởng Lê Văn Lễ, tàu ĐNa 90352 mở đầu những kiến nghị của mình với Chủ tịch nước. Theo lão ngư này, ngư dân rất hồ hởi với chủ trương của Nhà nước hỗ trợ vốn đóng mới tàu thuyền công suất lớn, nhưng thủ tục không nên rườm rà. Ngư dân đến làm việc, chính quyền thấy được nói là được, không thì nói không. "Đóng tàu mới thì nên ưu tiên tàu gỗ, còn tàu sắt ngư dân chưa quen; phí duy tu, bảo dưỡng quá lớn, ngư dân không kham nổi. Nếu được, Nhà nước bỏ tiền đóng tàu vỏ sắt rồi cho ngư dân thuê lại", ông nói.

Nhiều ngư dân phản ánh ngư trường đang bị thu hẹp, hiện tại ngư dân miền Trung chỉ ra vùng biển cách bờ chừng 100 hải lý đã bị nhiều tàu Trung Quốc ngăn cản, sẵn sàng đâm va. Đánh bắt đã khó, khi về bờ ngư dân lại bị tiểu thương ép giá, sản phẩm không được thu mua tức thời khiến những chuyến đi biển thường thua lỗ, do đó Nhà nước phải giúp ngư dân tìm cho được đầu ra ổn định. "Nếu có thêm nhiều tàu kiểm ngư, cảnh sát biển bảo vệ ngư dân, bà con sẽ yên tâm hơn trong việc đánh bắt và bảo vệ chủ quyền", thuyền trưởng Trương Văn Hay, người có thâm niên 30 năm đi biển, hiến kế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói, những ngày này cả nước đang dồn mọi sự quan tâm, lo lắng về Biển Đông. Trong tình hình phức tạp, khó khăn do mất ổn định nhưng ngư dân vẫn can trường bám biển, cùng lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền là điều đáng quý. "Ngư trường của mình, mình phải bảo vệ. Không có lý do gì để từ bỏ ngư trường truyền thống. Sau lưng bà con là hàng triệu người dân", Chủ tịch nước nhấn mạnh và chỉ đạo nghiệp đoàn nghề cá địa phương cần bàn tính những phương án hỗ trợ đầu ra cho ngư dân. Tới đây, Nhà nước sẽ tăng cường cảnh sát biển và kiểm ngư giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Tàu kiểm ngư 951 bị Trung Quốc đâm nát hai bên mạn đang về bờ sửa chữa. Ảnh: Nguyễn Đông


Theo Chủ tịch nước, ở thực địa giàn khoan dù tương quan lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam số lượng ít hơn, phương tiện nhỏ và trang bị còn thua kém vì đất nước còn nghèo, nhưng chúng ta không sử dụng vũ lực, không va chạm, không phun vòi rồng như Trung Quốc. "Việt Nam chỉ đòi hỏi rằng các lực lượng của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam cần sớm rút về nước. Đây là một đòi hỏi rất đơn giản của chủ nhà. Một sự đòi hỏi mà nếu có suy nghĩ đạo lý, luật pháp thì thông thường đã xong rồi, thế mà vẫn chưa được", Chủ tịch trăn trở.

Nhận định về diễn biến sắp tới, Chủ tịch nước nói âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa thay đổi thì tính chất phức tạp trên biển là chưa giảm. Nhưng Trung Quốc sẽ không độc chiếm được và "dứt khoát không thể chiếm được". Người đứng đầu Nhà nước cho biết đây không phải là nói để lên gân, mà là lẽ tự nhiên, bởi thế giới ngày nay toàn cầu hóa, tất cả thế giới đều biết được những hành động sai trái, vi phạm đạo lý.

"Ngày nào Trung Quốc chưa từ bỏ chủ trương mở rộng biên giới bằng "đường lưỡi bò" thì Biển Đông chưa có được ổn định. Bây giờ họ lại vẽ thêm một đoạn nữa rồi, tự nhiên thêm một đoạn rất buồn cười, biển quốc tế mà vẽ bậy. Làm kiểu đấy rất khôi hài, ai mà nghe, vậy mà Trung Quốc vẫn làm. Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, chúng ta phải hết sức kiên quyết, kiên trì nhưng câu chuyện chủ quyền đất nước là không nhân nhượng, bởi bao nhiêu máu xương của ông cha đổ ra để Việt Nam có được nền độc lập", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nắm tay động viên thuyền trưởng Mai Văn Bằng của tàu KN 951, Chủ tịch nước nói người nhỏ thì phải luyện tập võ nghệ để bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Đông


Cuối giờ chiều, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành thời gian đến thăm "người hùng Hoàng Sa" KN 951 khi con tàu đang được cấp tập sửa chữa để sớm trở lại Hoàng Sa. Cởi mở, ân cần thăm hỏi những kiểm ngư viên trên con tàu bị nhiều tàu Trung Quốc đâm nát hai bên mạn, Chủ tịch nước đặt trọn niềm tin khi nghe thuyền trưởng Mai Văn Bằng khảng khái: "Các tàu kiểm ngư đã có phương án đối phó với các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền".

Theo Vnexpress


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.