Chuyện chưa kể về người chủ đất quán Xin Chào

Chúng tôi tới trung tâm huyện Bình Chánh và thấy quán cà phê Xin Chào đang mở cửa đón khách ngay trước trụ sở mới tinh của công an huyện Bình Chánh.

Dư luận xôn xao về vụ việc các cơ quan hữu quan huyện Bình Chánh (TPHCM) đã khởi tố sai trái chủ quán cà phê Xin Chào trước cổng trụ sở công an huyện và đang phải làm các thủ tục “sửa sai” đồng thời xử lý những người liên quan, nhưng ít ai biết được người chủ đất đã cho anh Tấn thuê làm quán cà phê ấy cũng bị khởi tố với rất nhiều ẩn khuất.

>>
Công an TP.HCM họp xử lý cán bộ làm sai vụ quán Xin chào

Chúng tôi tới trung tâm huyện Bình Chánh và thấy quán cà phê Xin Chào đang mở cửa đón khách ngay trước trụ sở mới tinh của công an huyện Bình Chánh.

Gia đình liệt sĩ

Trung tâm huyện được xây dựng khang trang, bên cạnh đó là những ngôi làng có từ lâu đời, nhà cửa phần nhiều lụp xụp. Nghe nhà báo tới, nhiều người dân quây quần phản ánh: “Trụ sở công quyền xây dựng khang trang còn nhà cửa chúng tôi thì bị hạn chế, muốn sửa chữa xây dựng đều rất khó khăn. Dân hỏi có phải đất quy hoạch không thì không ai trả lời”.  Khi tôi hỏi thăm anh Bỉ (chủ miếng đất mà quán Xin Chào đã thuê), người dân chỉ đường xuýt xoa: “Vùng này là đất cách mạng, gia đình anh Bỉ có truyền thống cách mạng, thế nhưng chỉ vì đất đai mà cả anh Bỉ chủ đất lẫn anh Tấn đều bị khởi tố, mỗi người một tội”.

Anh Nguyễn Văn Bỉ (sinh năm 1968) hiện sống với mẹ là bà Huỳnh Thị Ngoi, trông coi bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Thành (anh ruột của anh Bỉ). Ngôi nhà cấp bốn, có treo tấm biển: “Nhân dân thành phố kính tặng”. Cách đó khoảng 50m là mảnh đất nuôi vịt, ngỗng (nơi anh Bỉ dựng chòi canh vịt và bị khởi tố), xa hơn độ vài trăm mét nữa là mảnh đất khác của anh, chính là nơi cho thuê làm quán cà phê Xin Chào (anh Tấn bị khởi tố).

Chuyện chưa kể về người chủ đất quán Xin Chào - ảnh 1
Anh Bỉ  trong ngôi nhà tri ân gia đình liệt sĩ. Ảnh: N. A.

Gia đình cho biết: “Nhà chúng tôi ở mảnh đất này hàng trăm năm. Thời Pháp, ông ngoại (chủ đất đầu tiên) ủng hộ cách mạng, bị Pháp bắn chết. Chúng cắt tai ông đem về chính chỗ này, bắt gia đình phải ăn, rồi đốt sạch nhà cửa. Cả nhà phải tản tác đi nơi khác”. Mẹ anh Bỉ làm giao liên cho cách mạng. Hai người anh của bà ra Bắc. Năm 1975, gia đình đoàn tụ. Cuộc sống đạm bạc bình yên cho đến một ngày xã biến thành thị trấn…

Chỗ đất mở quán cà phê Xin Chào vốn là của một người cậu anh Bỉ. Đất ruộng mấy ngàn mét vuông, các cơ quan công quyền về xây dựng, đền bù giải tỏa xây trụ sở còn lại mấy trăm mét nằm ngay trước cổng chính của trụ sở công an huyện, được xác định là đất vườn. Ông cậu già cả sức yếu, bèn kêu cháu lại bán cho. Anh Bỉ cùng người bà con nữa hùn tiền để mua với giá 700 triệu đồng. Anh Bỉ nói: “Tôi không có tiền, phải vay ngân hàng, trả lần lần. Cũng nghĩ chỗ ấy mặt đường, buôn bán nhì nhằng kiếm đồng ra đồng vào cho con cháu, nhưng một mình không đủ tiền, phải cùng người  họ hàng góp lại mới đủ”.  Anh cũng cho biết vùng quê của anh mới lên thị trấn vài năm, giá đất tăng lên. Riêng các cơ quan thì mới xây dựng hoàn thiện và chuyển về chừng năm nay. Anh Bỉ nói: “Bản thân tôi nghĩ đất của mình nằm trước cơ quan công an thì không nên làm gì xấu, nên dự định trồng cây kiểng, nhập cây kiểng về bán, làm đẹp cảnh quan. Không ngờ…”.

Khi trụ sở mới của cơ quan công an huyện đi vào hoạt động, anh Bỉ được gọi lên, yêu cầu không trưng cây cảnh nữa. Anh rất ngạc nhiên vì cây cảnh không có gì xấu, hơn nữa đất vườn thì trồng cây đúng như quy định pháp luật, có gì sai đâu.  Anh Bỉ không đồng ý và khi được mời vào làm việc, anh vẫn quyết trưng bày cây cảnh, vì anh không thấy mình sai.  Anh Bỉ kể tiếp: “Chị em tôi không biết phải làm gì với miếng đất, bèn cho anh Tấn thuê mở cà phê. Không ngờ anh Tấn bị khởi tố liên quan đến chuyện kinh doanh như báo chí đã đăng”.

Chuyện chưa kể về người chủ đất quán Xin Chào - ảnh 2
Mảnh vườn nơi anh bị khởi tố vì dựng lều trông ngỗng (phía sau là các cơ quan huyện mới xây dựng).

>> Diễn biến vụ quán Xin chào gây xôn xao dư luận

Bị khởi tố vì dựng lều trông ngỗng?


Anh Bỉ cho nhà báo xem quyết định khởi tố bị can đối với anh. Anh nói: “Tôi có thể chỉ ra rất nhiều nhà cửa xây dựng không phép rất kiên cố trong vùng này mà không bị khởi tố. Còn người nông dân như chúng tôi, trồng trọt hay chăn nuôi, không thể không có chòi trại để trông nom, vì sợ mất trộm, thì lại bị khởi tố”. Anh dẫn phóng viên ra mảnh đất anh nuôi vịt, ngỗng. Nơi này chỉ cách các cơ quan huyện vài trăm mét và có thể nhìn thấy trụ sở công an huyện. Cái chòi canh đã bị tháo dỡ, nhưng vẫn còn những thanh gỗ nhỏ và diện tích nền móng công trình rõ ràng không phải nhà ở. Quyết định cưỡng chế lần thứ hai cũng ghi: “hiện trạng kết cấu: cột cây, vách lá, mái lá, diện tích vi phạm xây dựng 5x7m = 35m2”.

Anh nói: “Đến giờ tôi vẫn tự hỏi, nếu tôi không trồng cây và nếu tôi hiến đất để mở đường phong thủy theo như gợi ý của một số cán bộ thì liệu tôi có bị khởi tố hay không?”.

Tôi hỏi anh Bỉ rằng có phải lãnh đạo công an huyện trực tiếp yêu cầu anh thực hiện những “yêu cầu không trồng cây” kia, anh Bỉ cho biết: “Tôi chỉ nghe các cán bộ nói lại yêu cầu như thế, chứ bản thân lãnh đạo cơ quan không trực tiếp nói với tôi. Song dù xuất phát từ ý kiến của ai, thì chúng tôi là người dân, phải suy nghĩ rất nhiều. Hơn nữa, chúng tôi là dân, nghe sao biết vậy, chứ còn biết hỏi ai. Tôi chỉ biết tin theo pháp luật, cho phép đất vườn thì trồng cây, mà trồng cây cảnh thì làm đẹp thêm cho cơ quan chứ có tội gì!”.

Quyết định khởi tố bị can đối với anh Nguyễn Văn Bỉ, được ký ngày 19/1/2016 với lý do: “Vi phạm các quyết định quản lý về nhà ở”. Anh Bỉ nói: “Chúng tôi là gia đình có truyền thống cách mạng, đang ở ngôi nhà do nhân dân thành phố xây dựng cho, chúng tôi hoàn toàn không có ý định xây dựng ngôi nhà trái phép nào cả, mà chỉ là làm một cái lều trông trứng vịt, trứng ngỗng. Định khi chiều mát thì anh em bạn bè ngồi trà nước, vì tôi đã đưa nhiều cây cảnh ngoài cổng trụ sở công an về đây rồi. Tôi nghĩ họ nói không nên trồng nhiều cây cảnh ngoài đó, vậy thì tôi cũng đã đưa cây cảnh về trong này khá nhiều rồi. Nhưng họ vẫn vào làng xử phạt, khởi tố, kêu tôi đi chụp hình, lăn tay tôi và cấm tôi không được ra khỏi địa bàn cư trú”.

Chuyện chưa kể về người chủ đất quán Xin Chào - ảnh 3
Anh Bỉ và quyết định khởi tố bị can.

Không dám nói với mẹ

Anh Bỉ cũng tâm sự vài năm gần đây giá đất đai tăng lên rất nhiều, khi mà các cơ quan công quyền được xây dựng mới và xã nghèo nay thành thị trấn. Khu đất trước cửa công an huyện của anh, nếu giá đất vườn thì 5 triệu đồng/m2, nhưng chuyển đổi sang đất ở thì giá hiện nay là 30 triệu đồng/m2. Trong khi anh bị khởi tố, anh Tấn chủ quán cà phê thuê đất của anh cũng bị khởi tố, thì hàng chục cuộc điện thoại của cò đất đề nghị mua lại miếng đất. Anh Bỉ ngao ngán: “Tôi hỏi cò là ai muốn mua đất của tôi thì cò không nói, chỉ bảo người này chức lớn lắm” (?). Miếng đất vườn của chị em anh Bỉ, nằm trước cổng cơ quan công an huyện, có diện tích gần 400m2 và có hai mặt tiền.

Anh Bỉ tâm sự: “Tôi bị khởi tố mấy tháng rồi, nhưng không dám thuê luật sư, không dám nói với ai, vì sợ mẹ tôi buồn lo. Mẹ tôi đã già rồi, nghe tin tôi tù tội, liệu có sống nổi không?”. Bùi ngùi anh kể: “Mấy hôm nay do các cơ quan tới nhiều, mẹ tôi lo quá, tôi đành nói thật. Mẹ tôi không biết nói gì, chỉ đi lên chùa”. Gia đình anh Bỉ cũng rất nhiều người làm ở các cơ quan nhà nước, khi biết chuyện ai cũng bất ngờ, vì anh Bỉ được hàng chục bằng khen của chính quyền về các hoạt động xã hội, luôn gương mẫu trong gia đình.  

Anh Bỉ nói: “Anh Tấn thuê đất của tôi đã được minh oan rồi, mừng cho Tấn. Còn tôi, cũng chỉ mong ước được trả lại sự trong sạch cho bản thân. Anh Bỉ chỉ nói một tâm nguyện: “Những người tốt hãy minh oan cho tôi. Đừng để vết nhơ mà các vị ấy tự gán cho tôi lại ảnh hưởng đến truyền thống gia đình tôi”.

Theo Tienphong

quán Xin Chào


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.