Cô công nhân nhiễm HIV vì "chồng đi gái nhiều lần mà không có bao cao su" viết đơn... công khai bệnh

Điều chị T hi vọng nhất là một ngày nào đó có thuốc chữa khỏi hẳn bệnh AIDS, để chị được sống với hai con thật lâu, nhìn chúng trưởng thành.

Điều chị T hi vọng nhất là một ngày nào đó có thuốc chữa khỏi hẳn bệnh AIDS, để chị được sống với hai con thật lâu, nhìn chúng trưởng thành.

Lấy chồng nhưng không được nhờ chồng. Ngày vào viện sinh đứa con thứ 2 thì phát hiện bị nhiễm HIV từ chồng... Cuộc sống của cô công nhân giày da Nguyễn Thị T (ở An Lão, Hải Phòng) tưởng như rơi xuống vực thẳm. Thế nhưng, từng bước một, cô công nhân ấy đã vượt qua tất cả.

Công khai bệnh để tìm con đường sống

Tôi gặp chị T ở BV Đa khoa huyện An Lão (Hải Phòng) vào một buổi chiều đông lạnh tê tái. Chị đi khám để nhận thuốc ARV (thuốc dành cho người có HIV) về điều trị.

Hỏi về nguyên cớ nhiễm HIV, chị T không ngần ngại trải lòng: "Tôi nhiễm qua chồng. Ngày vào viện sinh đứa con thứ 2, khi xét nghiệm máu thì tôi biết mình nhiễm HIV".

Vợ phát hiện có HIV, chồng đi kiểm tra thì cũng có kết quả dương tính. Truy nguyên mọi việc, chồng T cho biết: "Đi với gái nhiều lần mà không có bao cao su phòng bị, thành ra cũng không biết lây HIV từ cô nào"!

Khỏi phải nói cô công nhân Nguyễn Thị T đã đau đớn, suy sụp như thế nào. Nhiễm HIV tức là sẽ mắc AIDS. Thời điểm ấy (năm 2005), căn bệnh này vẫn còn bị kỳ thị rất nặng nề. Nhưng sự kỳ thị không đáng sợ bằng việc: Nếu T chết đi thì ai sẽ nuôi con?

Quá buồn cho số phận hẩm hiu, T khóc đến suy nhược cơ thể. T cho biết: "Người thân như bố mẹ, anh chị em ruột thì không kỳ thị, nhưng họ hàng vẫn có người xa lánh. Và xóm làng, cơ quan có người biết chuyện cứ nói ra nói vào"... Sự xì xào, bàn tán sau lưng của mọi người khiến T rất đau lòng.

Ngày nhận được kết quả bé thứ 2 không nhiễm HIV, chị T mừng vui khôn xiết. Chị cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Để tìm đường sống cho 3 mẹ con, chị quyết định công khai tình trạng bản thân.

Cô công nhân giày da nhiễm HIV vì chồng đi gái nhiều lần mà không có bao cao su - Ảnh 1.

Bệnh viện đa khoa An Lão, tp. Hải Phòng

T đã viết một lá đơn mang đến trình bày với lãnh đạo công ty giày da nơi chị đang là công tác. Nói đến chuyện viết đơn, chị lập tức đọc một mạch từ đầu đến cuối lá đơn mà chị đã nung nấu trong bao ngày mới dám viết:

"Kính gửi Ban lãnh đạo nhà máy cùng phòng dân sự, công đoàn nhà máy

Tên tôi là:...., 28 tuổi. Tôi đang sống ở...

Tôi là người nhiễm HIV do lây từ chồng. Hiện tôi nuôi hai đứa con nhỏ. Cả hai con tôi đều không lây bệnh của tôi. Vậy xin Ban lãnh đạo nhà máy cùng phòng Dân sự, cùng Công đoàn giúp đỡ tôi, cho tôi làm công việc phù hợp với bệnh để kéo dài sự làm việc cũng như kéo dài sự sống của tôi, để tôi có thể kiếm thêm đồng bồi dưỡng bản thân cũng như kiếm thêm đồng nuôi hai đứa con"...

Cùng với đơn, T mang cả ảnh chụp 3 mẹ con, giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của bệnh viện đến trình bày với lãnh đạo...

Thật may, điều chị nhận lại là sự cảm thông sâu sắc từ lãnh đạo công ty. Sau đó, T được sắp xếp công việc nhẹ nhàng hơn. Những ngày lễ Tết, chị luôn là người được ưu tiên nhận quà của các cơ quan, đoàn thể. Kể cả từ phía công nhân cùng công ty, chị cũng nhận được nhiều sự chia sẻ, cảm thông.

Niềm tin vào ngày mai

Đã 12 năm trôi qua. Hai đứa con của T, đứa lớn năm nay học lớp 12, đứa bé đã học đến lớp 6. Chồng của T thì đã mất cách đây hơn 3 năm.

Nói về cuộc đời mình, T tâm sự: "Tôi không may mắn khi lấy chồng không được nhờ chồng bởi hắn thường xuyên rượu chè, không chịu làm ăn, hay đánh đập vợ con... Tôi về bên ngoại, nuôi con một mình. Đến khi quay về với nhau, có thêm đứa thứ 2 thì lại phát hiện nhiễm HIV"...

Cô công nhân giày da nhiễm HIV vì chồng đi gái nhiều lần mà không có bao cao su - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị T đang được bác sĩ bệnh viện An Lão khám bệnh

Một mình nuôi con, đồng lương có hạn, đem con đi "gửi nhóm" thì người ta không nhận, bản thân chị T thì bị suy nhược thường xuyên phải vào viện...

Vì vậy, cực chẳng đã, chị phải gửi bé thứ hai vào trại trẻ mồ côi SOS Hải Phòng. Nhưng cũng nhờ gửi được con vào trại trẻ mồ côi mà chị T yên tâm về "cái Tí nuôi bộ" hơn, bởi con được ăn uống đầy đủ, có môi trường học hành tốt.

Nhắc đến hai đứa con, ánh mắt chị T sáng lên dù vẫn còn long lanh nước: "Hai đứa ngoan, học giỏi. Đứa đầu nay học lớp 12, liên tục là học sinh tiên tiến. "Cái Tí nuôi bộ" thì 5 năm liền học xuất sắc". Chị T mong sang năm thằng bé lớn học hết lớp 12 có thể đi làm để mẹ được nhờ phần nào. Mong con đi làm, nhưng chị cũng hi vọng nó có thể "đi đại học" cho tương lai tươi sáng.

Điều chị T hi vọng nhất là một ngày nào đó có thuốc chữa khỏi hẳn bệnh AIDS, để chị được sống với hai con thật lâu, nhìn chúng trưởng thành. Chị mong đừng ai kỳ thị với người bị HIV nữa, bởi nhiều người như chị - họ đã quá khổ.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, mỗi năm, nước ta vẫn có khoảng gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng đang cảnh báo việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.

Ngày 26/11, tại buổi lễ Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11-11/12) và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) năm 2017 do Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kêu gọi mọi người cần nhận thức được đây là một căn bệnh và người nhiễm HIV là một bệnh nhân.

Nhiễm HIV/AIDS không phải là điều gì xấu xa, tội lỗi. Tất cả mọi người, trong sinh hoạt của mình nếu có nguy cơ lây nhiễm HIV thì nên đi kiểm tra sức khỏe, thử máu để xác định. Nếu không may nhiễm bệnh thì hiện nay đã có thuốc ARV điều trị. Nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV/AIDS vẫn có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, không bị HIV.

Theo Trí thức trẻ

công nhân

bao cao su

Nhiễm HIV

đi gái


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.