“Con chỉ mong cha có thuốc uống, mẹ không bị người ta đánh, chửi”

6 năm sống ở đời là 6 năm bé phải nghe tiếng kêu rên đau đớn của cha mỗi khi thiếu thuốc, tiếng chủ nợ chửi bới, đánh đập mẹ…

Khi bé Lê Mộng Thùy Dương chưa ra đời, cha bị tai nạn giao thông bị mất nửa hộp sọ. Để chữa chạy cho chồng, mẹ vay mượn khắp nơi. 6 năm sống ở đời là 6 năm bé phải nghe tiếng kêu rên đau đớn của cha mỗi khi thiếu thuốc, tiếng chủ nợ chửi bới, đánh đập mẹ…

Bé Lê Mộng Thùy Dương và cha (Lê Quý Thích), mẹ (Dương Thị Vốn)
Bé Lê Mộng Thùy Dương và cha (Lê Quý Thích), mẹ (Dương Thị Vốn)

Đến xã Nghị Đức (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) hỏi nhà anh Thích bị móp đầu là ai cũng biết. Không phải vì anh nổi tiếng mà là vì… nhà anh khó nhất xã. Cái nhà bần cùng đến nỗi ở vùng quê heo hút, đầy núi rừng như Nghị Đức mà nhà anh cũng chẳng có miếng đất cắm dùi, phải xin ở tạm trong 1 căn chòi canh rẫy của người quen. Mái nhà thủng lỗ chỗ cũng không lợp lại được, nắng chiếu tận giường, mưa thì dột khắp chốn…

Tấm giấy chứng nhận sổ hộ nghèo cùng nhiều giấy tờ khác bị ướt nhàu sau 1 trận mưa lớn, nhà dột, nước làm ướt sủng tủ quần áo
Tấm giấy chứng nhận sổ hộ nghèo cùng nhiều giấy tờ khác bị ướt nhàu sau 1 trận mưa lớn, nhà dột, nước làm ướt sủng tủ quần áo

Mọi sự vất vả của gia đình của gia đình anh Lê Quý Thích (sinh năm 1973) bắt đầu từ ngày 26/4/2009, khi anh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường đi làm về. Vụ tai nạn khủng khiếp khiến anh chấn thương sọ não, mất 1/3 hộp sọ. Sau 2 năm điều trị, anh tai qua nạn khỏi nhưng cơ năng hầu như mất hết, tay chân yếu ớt và luôn run lẩy bẩy, không làm được gì, đi lại cũng khó khăn.

Sau tai nạn, anh Thích mất 1/3 hộp sọ, di chứng kéo dài đến nay khiến anh bị ảnh hưởng thần kinh và khả năng vận động
Sau tai nạn, anh Thích mất 1/3 hộp sọ, di chứng kéo dài đến nay khiến anh bị ảnh hưởng thần kinh và khả năng vận động

Ngày anh bị tai nạn thì chị Dương Thị Vốn (sinh năm 1989) cũng vừa mang thai. Thế là người vợ trẻ vừa ôm bụng bầu vừa tất tả ngược xuôi vay mượn tiền chạy chữa cho chồng. Bởi cha mẹ anh Thích đã già yếu, không thể lao động. Còn nhà Vốn thì nghèo đến nỗi từ năm 9 tuổi chị đã phải lên Sài Gòn ở đợ, bán quán nước, nhận rửa chén thuê để sống. Sau quen anh Thích thì chị về quê chồng sinh sống, chưa từng có tiền để về thăm cha mẹ.

Trời thương, anh Thích qua khỏi. Nhưng cũng từ đó, anh trở thành gánh nặng cho vợ. Vì vết thương của anh dù chữa lành nhưng để lại di chứng quá lớn. Anh phải uống thuốc duy trì hàng ngày để giảm đau và an thần với chi phí gần 100 ngàn đồng/ngày. Trong khi đó, chị Vốn bụng mang dạ chữa. Trong những ngày khó khăn nhất, bé Thùy Dương lại ra đời.

Thùy Dương ra đời đúng thời điểm gia đình khó khăn nhất
Thùy Dương ra đời đúng thời điểm gia đình khó khăn nhất

Nhớ về ngày đó, anh Nguyễn Văn Hương, hàng xóm nhà anh Thích kể: “Lúc cái thai vượt mặt mà nó vẫn chạy khắp nơi để kiếm tiền. Mờ sáng thì đi dọn hàng cho mấy quán ăn sáng. Trời hửng sáng thì đi bán vé số kết hợp rửa chén thuê cho mấy tiệm cơm, tiệm phở. Tối về thì rửa ly, dọn hàng cho mấy tiệm cà phê. Nó chạy xô như chong chóng từ mờ sáng cho đến tối mịt. Hầu như hàng quán nào ở xã cũng thuê nó làm cho nó có việc kiếm tiền lo cho chồng con”.

Đến cận ngày sinh, chị Vốn mới nghỉ làm. Người trong xã thấy vắng bóng chị 2, 3 ngày, chưa kịp nhắc thì đã thấy Vốn tay cầm vé số, tay ôm đứa con còn đỏ hỏn lò dò đi bán. Ngày nắng thì lấy cái nón lá che cho con. Ngày mưa thì 2 mẹ con túm tụm trong chiếc áo mưa bạc thếch lầm lũi đi bộ khắp xã để bán từng tờ vé số. Đến hàng quán nào thì chị đặt con ở chỗ vắng để đi dọn hàng, rửa ly chén. Mọi việc không khác gì khi chị còn mang thai, chỉ là có thêm đứa trẻ.



Hàng ngày, Thùy Dương theo mẹ đi khắp xã để bán vé số, rửa chén bát thuê
Hàng ngày, Thùy Dương theo mẹ đi khắp xã để bán vé số, rửa chén bát thuê

Hình ảnh người phụ nữ đen nhẻm với đứa nhóc trên tay chậm rãi đi khắp làng đã quá quen với người dân nơi đây. Chỉ khác là đứa trẻ ngày càng lớn. Đến nay bé Thùy Dương đã vào lớp 1. Bé đang học chữ, đánh vần đầu tiên là chữ mẹ.

Niềm vui của Vốn là khoe con biết viết chữ trước khách lạ. Ai hỏi là chị lại lấy tập ra chỉ chỉ và hỏi con: “Chữ gì đây?”. Thùy Dương cũng háo hức phối hợp với mẹ đọc vanh vách. Nghe con đọc là chị mỉm cười hạnh phúc, nhưng thực ra Vốn cũng không biết con đọc đúng hay sai, vì chị không biết chữ.

Niềm vui của chị Vốn là khoe con mình biết viết chữ
Niềm vui của chị Vốn là khoe con mình biết viết chữ

Anh Thích nức nở: “Con vợ em ngớ ngẩn, nhưng nó hiền lắm. Từ ngày em bệnh, nó khổ lắm nhưng chẳng than vãn lời nào. Nó làm ngày đêm chỉ mong có tiền cho em uống thuốc, cho con bé đi học. Nhưng mà khổ quá! Nó làm mãi cũng chẳng đủ tiền trả nợ thì làm gì có đồng nào dư mà lo cho con”.

Ngày anh Thích bị tai nạn, Vốn chạy vạy khắp nơi để vay mượn, tiền lãi vay nóng chất chồng. Chị làm hàng chục đầu việc nhưng cũng chẳng đủ trả tiền lãi hàng ngày. Hỏi chị nợ nhiều không, Vốn cười ngờ nghệch bảo: “Em cũng chẳng nhớ hết, chắc tầm gần 100 triệu. Ai tới đòi thì em trả tiền lãi thôi. Không có tiền trả thì người ta chửi một chốc, đánh mấy cái là xong. Khi nào em làm có tiền lại trả tiếp”.

Mỗi ngày anh Thích phải uống 1 liều thuốc an thần và giảm đau, nếu không cơn đau sẽ hành hạ anh đến mụ mị đầu óc
Mỗi ngày anh Thích phải uống 1 liều thuốc an thần và giảm đau, nếu không cơn đau sẽ hành hạ anh đến mụ mị đầu óc

 Anh Nguyễn Văn Hương thở dài tâm sự: “Nó là vậy đó, lúc nào cũng cười được. Vất vả lo cho thằng chồng mà lâu lâu thiếu thuốc, cơn đau hành hạ lại kêu nó tới đánh cho, vậy mà nó vẫn vui vẻ làm. Ai cũng bảo nó khùng, mà khùng hiền, chưa từng đánh chửi gì ai. Nó thương chồng lắm. Nhiều người bảo nó là: “Chồng mày vậy thì mày bỏ đi, sống một mình cho khỏe. Cha mẹ nó còn không lo cho nó thì mày lo làm gì!”. Cứ ai bảo vậy là nó cười rồi van xin người ta: “Các cô, các chú đừng nói xấu chồng con. Chồng con thương con lắm!”.

Nghe người ta nói về cha mẹ mình, bé nhìn chăm chú rồi nói: “Con cũng thương ba mẹ con nữa. Chỉ cần ba con có thuốc uống thì sẽ không bị đau, sẽ không đánh mẹ. Con chỉ mong mẹ có tiền mua thuốc cho ba, trả nợ cho người ta để khỏi bị chửi, bị đánh”.

Ban ngày theo mẹ đi làm, Thùy Dương chỉ có thể học ban đêm. Cả nhà ở nhờ trong chòi rẫy bên suối, không có cả ánh đèn điện
Ban ngày theo mẹ đi làm, Thùy Dương chỉ có thể học ban đêm. Cả nhà ở nhờ trong chòi rẫy bên suối, không có cả ánh đèn điện

Nghe con nói, anh Thích ngồi cạnh lấy tay che mặt khóc rấm rức: “Chỉ tại tôi vô tích sự. Người ta chửi tôi vô dụng, ăn hại cũng phải. Ai bảo tôi vô tích sự cho khổ vợ, khổ con…”.

Chị Vốn cúi đầu e ngại, miệng vẫn nở nụ cười gượng gạo rồi ghé đến ngồi cạnh chồng, vuốt vuốt tấm lưng gầy guộc đang run bần bật của anh. Còn Thùy Dương thì ôm tay mẹ, núp mặt vào hông mẹ rấm rức như tủi thân…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Anh Lê Quý Thích (cha bé Lê Mộng Thùy Dương), địa chỉ: xóm 2, thôn 5, xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.

Điện thoại: 0989843180 (gặp anh Nguyễn Văn Hương, hỏi chị Vốn hay anh Thích)

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội - Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 - Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 045 100 194 4487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:

Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 Theo Tùng Nguyên/Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.