Công an có được khám xét nhà dân lúc nửa đêm?

Với những vi phạm như hành vi nhổ nước bọt vào mặt dân thì cán bộ công an có thể bị xem xét kỷ luật theo quy định của ngành Công an

Trước đoạn clip tố một cán bộ công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đòi khám nhà dân lúc nửa đêm. Luật sư Trần Anh Dũng cho rằng, hành động trên lộ rõ một số sai phạm như “Khám chỗ ở vào ban đêm; Không có lệnh khám xét của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…”

>>
Lời kể cô gái tố công an nhổ nước bọt vào mặt

Mấy ngày nay dư luận vẫn đang xôn xao clip người dân ghi lại tố một cán bộ công an phưòng Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội là trung úy Nguyễn Văn Bắc nửa đêm đến khám nhà rồi có hành vi nhổ nước bọt vào mặt.

Liên quan đến sự việc trên, chiều 8/4, Thượng tá Cao Văn Lộc, Phó trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, trước mắt đơn vị tạm đình chỉ công tác và không giao nhiệm vụ cho trung úy Bắc.

Công an có được khám xét nhà dân lúc nửa đêm? - Ảnh 1.

Người đàn ông mặc sắc phục cảnh sát được xác định là trung uý Nguyễn Văn Bắc. Ảnh cắt từ clip.

Theo thượng tá Lộc: "Trước đó, đồng chí Bắc công tác ở Công an tỉnh Lâm Đồng, gửi ra công tác ở Công an TP Hà Nội năm 2015 và được nhận nhiệm vụ ở Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa từ tháng 1/2016. Tạm thời, đồng chí Bắc đã tạm bị đình chỉ công tác, để viết bản tường trình báo cáo sự việc lên cấp trên. Đúng sai thế nào chúng tôi sẽ xử lý".

Trước vấn đề trên nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu vị cán bộ công an phường nửa đêm có được khám xét nhà dân? Công an, người thực thi pháp luật được khám xét nhà dân khi nào?... Liên quan đến vấn đề trên, sáng ngày 10/4, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Hà Nội) cho biết, Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

"Theo quy định tại điều Khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan chức năng được khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã", luật sư Trần Anh Dũng cho hay.

Theo luật sư Trần Anh Dũng: Căn cứ vào quy định tại Điều 141, việc khám xét người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có lệnh khám xét của một trong những người sau: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành).

"Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người sau đây cũng có thẩm quyền ra lệnh khám xét: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp", luật sư Dũng cho hay.

Cũng theo vị luật sư này, mặt khác, Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự còn quy định: Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến...; Và đặc biệt là "không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản".

"Như vậy, qua clip đăng tải trên mạng internet, có thể thấy một loạt các sai phạm của hai người (1 người mặc sắc phục công an và một người mặc đồng phục dân phòng) đến nhà dân đòi khám nhà như sau: Khám chỗ ở vào ban đêm; Không có lệnh khám xét của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Khi đến khám xét không có mặt đại diện của chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến.

Như vậy, hai người dân trong clip tôi cho rằng đã làm đúng quy định vì cán bộ công an trên đòi khám xét nhà nhưng đã thực hiện không đủ các quy định của pháp luật và không có lý do chính đáng", luật sư Dũng khẳng định.

Về việc trong đoạn clip người dân tố vị cán bộ công an phường có hành vi nhổ nước bọt vào mặt mình, luật sư Dũng cũng nêu ra quan điểm: "Theo quy định của Luật công an nhân dân và Điều lệ nội vụ Công an nhân dân thì cán bộ chiến sĩ công an nhân dân phải tận tụy phục vụ nhân dân, kính trọng, lễ phép đối với nhân dân; phải có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người và tôn trọng phụ nữ… Với những vi phạm như hành vi nhổ nước bọt vào mặt dân thì cán bộ công an có thể bị xem xét kỷ luật theo quy định của ngành Công an".

Ngày 8/4, trên mạng xã hội lan truyền một video clip với nội dung cán bộ Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội đến nhà người dân kiểm tra hành chính vào buổi đêm.

Khi chủ nhà cự cãi không mở cửa vì đêm đã muộn thì người mặc sắc phục công an nói: "Mày bé cái mồm thôi" và có hành vi mà người quay video clip cho rằng "cán bộ công an này nhổ nước bọt vào người dân".

Theo chia sẻ của chủ tài khoản đăng tải video clip này, vụ việc xảy ra vào khoảng đêm ngày 7 và rạng sáng ngày 8/4.

Clip dài khoảng 3 phút quay lại hình ảnh cự cãi giữa cán bộ công an phường Trung Liệt với một người phụ nữ không đồng ý mở cửa cho công an phường vào khám nhà vì đêm muộn và cán bộ công an không trình ra "lệnh khám nhà".

Cán bộ công an trong clip cho rằng mình không khám nhà mà đến kiểm tra tạm trú và yêu cầu chủ nhà mở cửa.

"Tôi nghi vấn ở đây có đối tượng trốn truy nã, yêu cầu cô mở cửa", người cán bộ này nói. Người phụ nữ cho rằng cán bộ công an không có quyền vào kiểm tra nhà dân giữa ban đêm khi chưa có giấy tờ đầy đủ để thuyết phục được người dân.

Cũng theo hình ảnh trong video clip, khi hai bên đang lời qua tiếng lại, người mặc sắc phục công an dí sát mặt vào cửa nhà và người phụ nữ nói lớn: "anh nhổ nước bọt phải không… tôi sẽ gửi hình ảnh này lên Công an để xem hành động anh nhổ nước bọt vào mặt tôi như thế nào…".

Vị cán bộ công an này không nói gì và một lúc sau thì cùng với một người đàn ông lớn tuổi khác mặc trang phục của lực lượng bảo vệ dân phố đi vào thang máy.

Cũng theo chia sẻ của chủ tài facebook đăng tải clip này, người mặc sắc phục công an trong clip tên là Bắc, cán bộ công an phường Trung Liệt. Trước tết cô và em gái đã lên phường đóng 400.000 đồng tiền phạt vì đăng ký tạm trú muộn.


Theo Định Nguyễn / Trí Thức Trẻ


công an nhổ nước bọt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.