Tìm đến xóm trọ nghèo ngay sau chợ Long Biên (phường Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội) hỏi thăm về bà Nguyễn Thị Phải – người dân thường gọi là bà Sinh hay nhặt phế liệu ở chợ ai cũng biết. Bà Phải “nổi tiếng” không phải vì đã sống ở đây lâu mà bởi vì cuộc đời của bà quá nhiều bất hạnh và cơ cực.
Bị nhà chồng đuổi, khinh rẻ vì không đẻ được con trai
Bà Nguyễn Thị Phải (SN 1946, quê tại Phổ Yên, Thái Nguyên) mồ côi cha mẹ từ năm mới lên hai. Sau đó bà được người anh trai khi đó đã lập gia đình mang về nuôi.
Năm 22 tuổi, theo sự sắp đặt của anh trai và chị dâu, bà lấy chồng. Những tưởng những bất hạnh sẽ vơi bớt khi bà có mái ấm mới, nhưng nào ngờ, 9 năm làm dâu là 9 năm bà phải sống trong chuỗi ngày cơ cực, đẫm nước mắt.
Bà Phải kể lại, vì không sinh hạ được con trai, bà bị gia đình nhà chồng hắt hủi, đánh đập thậm tệ. Cay đắng và uất hận, bà đành ôm đứa con gái bé bỏng khi ấy mới vài tháng tuổi lang thang từ tỉnh Thái Nguyên xuống thủ đô Hà Nội kiếm sống.
Bà Nguyễn Thị Phải cho biết, từ lúc bắt đầu rời khỏi, bà đã tự nhủ rằng sẽ không bao giờ trở lại nơi đau khổ ấy. Có chết thì nhờ xã hội.
Để kiếm kế sinh nhai, ban đầu, bà Phải bế con lên nông trường chè ở Thái Nguyên xin vào làm việc. Hết giờ làm, bà lại tranh thủ đi mót chè vụn rồi về sao cất. Ngày quyết định xuống Hà Nội kiếm sống, hai mẹ con chỉ có 4kg chè khô mà bà mót được mang theo làm hành trang giá trị nhất, ấy vậy mà bị kẻ xấu đi cùng chuyến tàu nhẫn tâm lừa lấy mất.
Lang thang sống ở đất Thủ đô nhưng không có một xu dính túi, bà Phải ôm con đến chợ Đồng Xuân xin việc. Thấy bà nhỏ bé lại bận con nhỏ nên chả ai mướn. Mãi sau này một người phụ nữ đã thương tình nên đồng ý nhận bà gánh nước thuê cho cửa hàng phở nhà mình. Khi không gánh nước, bà Phải lang thang đi nhặt rác, mò ốc bán kiếm thêm tiền nuôi con.
Suốt hơn 20 năm, vì không có tiền thuê nhà, bà Phải và con gái phải ngủ ngoài bờ đê, coi bầu trời là nhà, bờ đê là giường.
“Những hôm mưa to, bão lớn thì tôi mặc áo mưa, đội nón để ngủ. Mưa to quá thì tôi bế con vào để con ngồi dưới gầm cầu cho đỡ rét. Từ khi họ ủi bờ đê thì tôi không thể ngủ ở đó được nữa nên hai mẹ con cố gắng làm việc, kiếm tiền thuê trọ” – bà Phải tâm sự.
Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bà Phải vẫn cố gắng đi khắp các ngóc ngách của chợ Long Biên để nhặt phế liệu hàng ngày.
Đi 10 tỉnh thành tìm con gái bị bắt cóc
Với bà Phải, con gái là điều quan trọng nhất – món quà quý báu nhất, vui vẻ nhất mà bà có được. Nhưng vào cuối năm 1981, trong một lần bà Phải đi mò ốc, con gái bà (khi ấy 4 tuổi) đã bị một cặp vợ chồng bắt cóc và đưa lên tỉnh Bắc Ninh.
Mất con, bà Phải vật vã, khóc nhoè mắt, bà hỏi thăm tung tích con gái khắp nơi. Thấy thương hoàn cảnh của bà, người dân tại chợ Đồng Xuân đã quyên góp, biếu bà ít tiền để bà lên đường tìm con gái.
Những ngày tháng sau đó, bà lang thang khắp nơi tìm con. Khi thì người ta thấy bà ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), lúc lại thấy bà "dạt" lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Cũng có lúc bà lặn lội vào tận những bản vùng cao Phú Thọ.
Biết tin con gái bị bắt cóc, người mẹ ấy đã khóc nhoè mắt khiến đôi mắt ấy hễ trở trời lại đau nhức.
Có lần, trời mùa đông giá rét, bà chỉ khoác trên người một chiếc áo mỏng nên đã bị ngất xỉu ở bến phà Tân Đệ. Cũng may, người dân phát hiện kịp thời nên bà được cứu sống. Sau hơn 3 tháng trời rong ruổi khắp 10 tỉnh thành, bất ngờ bà đã tìm được cô con gái bé bỏng tại tỉnh Bắc Ninh vào ngày 29 tết.
Sau khi hai mẹ con về lại Hà Nội, người dân ở đây vui mừng thay cho mẹ con bà. Lúc này, mọi người lại biếu bà ít tiền để bà đổi nghề, không đi bắt ốc nữa mà buôn bán khoai để vừa trông con, vừa có thêm thu nhập, tránh trường hợp con bà lại bị bắt cóc một lần nữa.
Nhưng may mắn nào có mỉm cười với bà, ít lâu sau bà bị ngã, từ đó chân trái của bà chỉ duỗi được mà không co được khiến bà không làm được việc nặng nhọc. Từ đó, bà chuyển sang nhặt phế liệu cho đến hiện tại.
Tuổi cao, nhưng bà Phải vẫn cố gắng đội hàng chục kg phế liệu trên đầu để mang đi bán.
Ở quê ai cũng nghĩ bà đã chết!
Năm 2010 tức sau 33 năm rời khỏi quê hương, bà Phải mới quyết định về thăm quê. Mặc dù, bà vẫn còn uất hận những sự việc đã xảy ra với bà trong quá khứ. Nhưng vì làng xóm động viên, nhất là lúc này con gái bà cũng đã có gia đình riêng nên bà mới quyết định gạt thù hận sang một bên mà cho con gái, con rể quay về thăm quê.
Khi về đến quê, người thân và làng xóm của bà còn giật mình cứ nghĩ đó là hồn ma trở về. “Không ai nghĩ tôi còn sống, vì cũng đã hơn 30 năm rồi. Khi nghe tin tôi còn sống bằng xương, bằng thịt người dân trong làng kéo đến hỏi thăm, chia sẻ.
Cố gắng lê từng bước chân để di chuyển.
Về tới nhà, nhìn lên ban thờ tôi bất ngờ khi nhìn thấy ảnh mình đang ở trên đó, nhưng tôi nói với đứa cháu là không cần phải gỡ cái di ảnh đó xuống đâu. Đời người ai chả có lần phải chết, chết trước chết sau nào có quan trọng gì đâu. Quan trọng là mình đã phải sống một cuộc đời còn bất hạnh hơn nhiều lần cái chết.
Tôi cũng không có dự định trở về quê sinh sống, nếu sau này tôi già yếu quá thì tôi muốn vào trung tâm dưỡng lão để cho thoải mái, con cái không phải vất vả” – bà Phải vừa kể, vừa đưa tay lau nước mắt.
Cả cuộc đời cơ cực nên bà Phải không có ước mong gì lớn lao.
Kết thúc cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi, bà Phải với dáng người nhỏ thó lại vội vàng đội hơn 10kg phế liệu đã được bà lọc kỹ càng lên đầu và mang đi bán cho cơ sở thu mua đồng nát.
Cuộc đời bà Phải thật lắm chênh vênh, ngày vui chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cuộc sống của bà gắn liền với cay đắng, tủi nhục. Ước nguyện một đời, bà cũng chỉ mong rằng con gái mình sẽ được hạnh phúc, không còn cơ cực như đời mẹ.