Đau đớn cảnh người đàn ông tự tử để vợ lấy tiền phúng lo cho con

“Buổi tối trước lúc tự vẫn, chồng tôi có nói không sống tiếp nữa chắc bà con đến phúng điếu được một số tiền....”

“Buổi tối trước lúc tự vẫn, chồng tôi có nói không sống tiếp nữa chắc bà con đến phúng điếu được một số tiền. Anh nói tôi dành để đóng tiền học cho con...”, chị Trang kể.

Bước đường cùng của người đàn ông bệnh tật

Hơn 3 ngày qua, người dân xã Bình Quý, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) không ngớt bàn tán về cái chết thương tâm của anh Võ Trung Bửu (SN 1971).

“Thằng Bửu nó dại dột quá mà làm quẫn. Bà con ở đây ai cũng thương vợ chồng hắn.

Hắn mang bệnh trong người đã lâu, ai cũng biết. Khi hắn phát bệnh thì cũng có quậy phá nhưng khi hết bệnh thì hiền lành, dễ thương lắm!”, chị Lê Thị Hà (trú xã Bình Quý) nói.

Trong căn nhà cấp 4 đã cũ kỹ đầy rêu mốc, chị Huỳnh Thị Minh Trang (SN 1978, vợ anh Bửu) vẫn còn thẫn thờ vì cái chết đột ngột của chồng.

Ánh mắt thẫn thờ, chị Trang kể: “Chiều tối 29-2, anh Bửu nói đi ra Ủy ban xã có tí việc. Đến khoảng 6 giờ tối thì anh ấy về nhà.
 
Chị Trang thất thần trước sự ra đi đột ngột của chồng
 
Hôm đó, anh ấy không chịu ăn cơm mà gọi tôi ra góc nhà ngồi nói chuyện.

Anh ấy nói: “Thôi, mẹ cố gắng nuôi 3 đứa con, anh không sống nữa. Anh chết đi để mẹ đỡ đi một gánh nặng mà tập trung lo cho 3 đứa ăn học. Tiền thuốc thang cho anh mẹ dành để mua áo quần, sách vở cho các con".

Tôi nghĩ anh ấy buồn bực nói vậy nên khuyên bảo chồng đừng nghĩ quẩn. Tôi nói dù có khó, khổ đến đâu thì vợ chồng cùng nhau nuôi con.

Chồng tôi nói mệt nên đi vào buồng nghỉ. 30 phút sau tôi vào tìm thì không thấy anh. Cả nhà chia nhau đi tìm thì thấy anh ấy treo cổ ở cây xoan sau vườn nhà”.
 
Ngôi nhà cấp 4 của chị Trang

 
Ông Trương Quang Ánh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Bình Quý xác nhận, chiều tối hôm xảy ra sự việc, anh Bửu có đến trụ sở xã.

“Anh ấy đến thấy còn cán bộ ở đó nên ngồi nói chuyện. Anh Bửu có nói xa xôi nhờ Ủy ban giúp đỡ gia đình anh ấy vì cuộc sống khó khăn.

Anh Bửu có nói sẽ đi xa để vợ con bớt khổ. Chúng tôi nghe vậy thì an ủi anh ấy rồi khuyên anh về nhà và hứa sẽ có biện pháp hỗ trợ gia đình.

Đây cũng không phải lần đầu anh ấy nói những chuyện này. Chúng tôi không ngờ anh ấy lại suy nghĩ dại dột như vậy”, ông Ánh nói.

Số phận bi đát

Ngồi bên bàn thờ người con trai, ông Võ Khắc (SN 1938, cha anh Bửu) cho hay, anh bị bệnh tâm thần dạng nhẹ từ năm 21 tuổi.

“Nó đang khỏe mạnh bỗng dưng bị ốm, nói nhảm và đi lang thang ngoài đường. Tôi đưa đi khám thì bác sĩ nói nó bị bệnh tâm thần.

Họ điều trị gần 1 tháng rồi cho thuốc về nhà uống. Nó về nhà thì tỉnh táo, khỏe mạnh bình thường. Khoảng 2 hoặc 3 tháng nó lại lên cơn quậy phá một lần”, ông Khắc kể.
 

Ông Khắc, cha anh Bửu, đau lòng trước cái chết của con trai

Biết anh Bửu mang trong mình căn bệnh tâm thần nhưng chị Trang vẫn mang lòng yêu mến. Năm anh Bửu 27 tuổi, hai người kết hôn trong niềm vui mừng của nhà trai và sự lo lắng của gia đình chị Trang.

“Tôi ở cùng thôn nên biết rõ anh ấy có bệnh. Hàng ngày, anh ấy chịu khó làm ăn nên tôi tin anh ấy sẽ thương vợ, thương con nên đồng ý lấy làm chồng. Đến bây giờ, tôi cũng không có gì ân hận”, người phụ nữ này tâm sự.

Theo chị Trang, từ ngày lập gia đình anh Bửu luôn chí thú làm ăn. Anh học nghề cắt tóc rồi mở một tiệm riêng. Bà con trong xã thương vợ chồng anh chị nên thường xuyên đến ủng hộ.

“Vợ chồng tôi sinh được 2 gái, 1 trai. Công việc cắt tóc của anh thì bữa được bữa không. Tôi làm công nhân lương tháng 3 triệu đồng nên cuộc sống cũng vô cùng khó khăn.

Ba năm trở lại đây, chồng tôi tái phát bệnh. Tháng nào anh cũng lên cơn hai, ba lần. Những lúc như vậy anh bỏ đi lang thang, về nhà thì đánh vợ, đập phá đồ đạc.

Anh gây sự với tất cả mọi người, riêng 3 đứa con thì vẫn biết và không đánh. Mọi người thấy vậy nên cũng không đến cắt tóc ở tiệm khiến anh thất nghiệp.

Lúc tỉnh, anh đều biết mọi chuyện và rất hiền lành. Từ ngày thường xuyên phát bệnh, anh chỉ ở nhà nên đâm ra suy nghĩ khiến bệnh càng nặng thêm”, vợ anh Bửu tâm sự.

Riêng trong năm 2015, gia đình đã phải đưa anh Bửu vào điều trị tại Bệnh viện tâm thần TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) 3 lần. Khi bệnh tình thuyên giảm, bệnh viện cho gia đình đưa về nhà chăm sóc.
 

Chị Trang lo lắng cho cuộc sống tương lai của gia đình

 
“Mỗi lần anh đi điều trị tôi phải chạy đi vay tiền bà con hàng xóm. Ít thì 3 triệu, nhiêu thì 5 triệu đồng.Anh đỡ bệnh thì bệnh viện cho xuất viện và thuốc uống hàng ngày.

Tuy vậy, anh chỉ chịu uống thuốc điều trị bệnh khoảng 150 ngàn đồng/tháng. Thuốc bổ dành cho anh tốn gần 500 ngàn đồng anh không uống vì tiếc tiền. Anh nói để dành tiền lo cho con”, chị kể.

Lo sự học đứt gánh giữa đường

Gạt vội dòng nước mắt, chị Trang cho hay, nguyện vọng lớn nhất của anh Bửu là lo cho ba đứa con được ăn học đến nơi đến chốn.

“Buổi tối trước lúc tự vẫn, chồng tôi có nói không sống tiếp nữa chắc bà con đến phúng điếu được một số tiền. Anh nói tôi dành để đóng tiền học cho con. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ anh buồn nên nói dại”, chị Trang kể.

Theo chị Trang, con gái lớn của chị là Võ Thị Kiều L., đang học lớp 11, con trai thứ hai Võ Trọng C. đang học lớp 6 và con gái út Võ Thị Bích N. đang học mẫu giáo.

Chị nói: “Tôi làm công nhân lương tháng 3 triệu đồng, tiền ăn, tiền học của các con đều dựa tất cả vào đó. Bố mẹ chồng tôi đều đã lớn tuổi, lại hay bệnh tật… Tất cả 7 miệng ăn trong nhà sau này không biết dựa vào đâu”.
 

Con trai thứ 2 của chị Trang nấu bữa ăn trưa


Chị Trang ngập ngừng, lo lắng rồi lại rắn rỏi: “Dù thế nào, tôi cũng phải hoàn thành di nguyện của chồng”.

Trao đổi với PV, ông Ánh cho hay sau khi anh Bửu tự vẫn, các đoàn thể của xã đã đến thăm hỏi, động viên gia đình. Xã cũng biết gia đình chị Trang khó khăn nên năm 2015 đã đưa vào diện hộ cận nghèo.
 

Ông Ánh trao đổi với PV

“Bây giờ, nếu xét đặc cách hộ nghèo đột xuất thì chị Trang phải làm đơn, có sự xác nhận của hàng xóm. Xã sẽ xem xét khi có đơn của gia đình chị Trang”, ông Ánh nói.
 
Theo Đình Thức (aFamily.vn/Trí thức trẻ)


Công an phá đường dây bán cỏ Mỹ tẩm cần sa qua mạng xã hội
Công an huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) phát hiện một đường dây mua bán trái phép chất ma túy với phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, khi có đối tượng có nhu cầu mua ma túy để sử dụng thì đối tượng chủ yếu dùng mạng xã hội để liên lạc và giao ma túy gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.