Điều nguy hiểm nhất xảy ra sau mưa lũ kinh hoàng ở Quảng Ninh

Điều nguy hiểm nhất sau mưa lũ kinh hoàng ở Quảng Ninh là nước thải từ các bãi thải mỏ than.

Theo các chuyên gia, ngoài ô nhiễm nguồn nước, rác, dịch bệnh có thể xảy ra, thì điều nguy hiểm nhất sau mưa lũ kinh hoàng ở Quảng Ninh là nước thải từ các bãi thải mỏ than.

>> Toàn cảnh mưa lũ ở Quảng Ninh



Nguy hiểm nước thải từ các bãi thải

Theo đó, do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rất to và giông.

Lượng mưa từ ngày 25-7 đến 13 giờ ngày 28-7 ở Cô Tô là 799 mm; Móng Cái là 680 mm; Hải Hà là 600 mm; Cẩm Phả là 853 mm; Hạ Long là 662 mm. Chính vì thế, một số nơi ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt diện rộng, hàng loạt khu vực bị cô lập vì ngập sâu.

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, đây là đợt mưa lũ rất lớn gây ra thiệt hại nặng nề về con người, vật chất đối với tỉnh Quảng Ninh.

Theo PGS.TS Hòe, đợt mưa lớn này là do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, nhưng nguyên nhân chính là tác động của tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới mà Việt Nam là một nước chịu ảnh hưởng gây ra.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe. Ảnh: Tuổi trẻ.


"Thực tế hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hiện tượng thời tiết cực đoan rất khó lường. Có những nơi thì hạn, nơi thì lụt, nơi mưa xối xả, rất khó đoán.

Do đó, cũng không trách được các đơn vị dự báo khí tượng vì khó có thể dự báo chính xác", PGS.TS Hòe nói.

Cũng theo vị này, cùng với đợt mưa lũ kinh hoàng ở Quảng Ninh hay ở các nơi khác trước đó, thì vấn đề rất cấp bách được đặt ra là thực trạng ô nhiễm môi trường.

Trước hết, vấn đề ô nhiễm do mưa lũ ở đây cũng tương tự như các địa phương khác ở miền Trung đã gặp phải. Đó là, rác thải, súc vật chết trôi nổi khắp nơi, đường ống nước bị phá vỡ, ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ô nhiễm môi trường do mưa lũ như ở các địa phương thì do hiện nay còn đang mùa hè nên vấn đề dịch bệnh cũng sẽ rất có thể xảy ra, nên các cơ quan chức năng cần có sự chuẩn bị, ứng phó kịp thời.

Tuy nhiên, một vấn đề nguy hiểm nhất mà chỉ ở riêng Quảng Ninh mới có thể xảy ra sau đợt mưa lũ này khiến PGS.TS Hòe rất lo lắng, đó là, nước thải từ các bãi thải mỏ than ở một số nơi sẽ đổ ra môi trường.

"Ở những khu vực có bãi thải của mỏ than, vì được chất cao ở trên các khu vực núi, đồi nên nguy cơ trượt lở rất cao hoặc bùn bị trôi xuống hoặc nước mưa ngấm qua bãi thải chảy ra.

Nước mưa ngấm qua bãi thải chảy ra là thứ nguy hiểm, chất ô nhiễm, có liên quan đến vấn đề an toàn lao động, an toàn của mỏ và người dân xung quanh.

Bởi đây không còn là nước mưa bình thường mà độ axit sẽ cao lên, từ đó có thể rửa trôi, hòa tan một số khoáng chất, kim loại nặng nằm trong bãi thải như axit sunfuric, asen, kẽm, coban...", PGS.TS Hòe nhấn mạnh.

Còn ông Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, Quảng Ninh chưa phải là địa phương có nguy cơ sạt lở đất cao so với vùng núi Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La…

Thế nhưng, mưa kéo dài, lượng mưa lớn khiến cho đất đá bị bão hòa nước, phần đất đá phía trên (phong hóa) bị ngậm nước, dễ dàng sạt lở.

Hiện công tác khắc phục đập tràn tại mỏ than lộ thiên đang được triển khai tích cực đề phòng mưa lớn trở lại gây thiệt hại cho khu vực chợ Mông Dương, trạm biến áp 110KV. Ảnh: Zing.


"Dự báo mưa còn kéo dài khoảng một tuần nữa, với vùng có cấu trúc địa chất phức tạp thì những khối trượt lở lớn sẽ được kích hoạt, tình trạng sạt lở có thể xảy ra ở tất cả vùng đồi núi Quảng Ninh", ông Hùng cảnh báo.

Làm gì để tránh điều nguy hiểm nhất?

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, thực tế hiện nay, muốn khai thác được 1 tấn than phải bỏ 14 - 15m3 đất đá, nên các bãi thải mỏ ngày càng cao và không phải tất cả các khu vực bãi thải mỏ đều được trồng cây lên mà còn phải giữ để lấp lại các mỏ.

Bãi thải mỏ là khu vực rất nguy hiểm bởi không ổn định nên trước hết cần phải có quy hoạch, đảm bảo an toàn bằng cách xây tường chắn vững chắc dưới chân, hay những bãi thải không đổ nữa thì phải trồng cây phủ xanh.

"Cùng với đó, cần tính toán khoảng cách an toàn đối với người dân sống dưới chân bãi thải, không được sống quá gần. Bởi để dân sống dưới chân bãi thải thì không sớm thì muộn cũng sẽ trượt.

Nên phải di dời ngay những hộ dân còn sống gần các bãi thải mỏ này để đảm bảo an toàn", ông nhấn mạnh.
Các chuyên gia môi trường khác khi được hỏi cũng cho rằng, các đơn vị ngoài việc tập trung ứng cứu mỏ than thì cũng nên có biện pháp kịp thời để sau khi lũ rút tiến hành ngay việc xử lý, ngăn chặn ảnh hưởng của những chất độc hại có thể ra môi trường.

Liên quan đến vấn đề sạt lở, ông Hùng cũng cho hay, do lượng mưa lớn, kéo dài, với vùng có cấu trúc địa chất phức tạp, các khối trượt lở lớn sẽ kích hoạt dẫn đến nguy cơ trượt lở đất quy mô lớn, rất nguy hiểm.

Khu vực đồi dốc, thảm phủ thực vật mỏng cần có biện pháp phòng tránh tích cực.

"Nơi có mật độ sông suối dày, thảm phủ thực vật mỏng, dân số cao thì đều được đặt trong tình trạng báo động. Chính quyền nên có biện pháp tích cực với người dân ở những khu vực này để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người", ông Hùng nói.

Chủ tịch HĐTV tập đoàn VN Than - Khoáng sản VN, ông Lê Minh Chuẩn: Trận mưa lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua đã gây tổn thất nặng nề cho ngành than, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của khoảng 80.000 thợ mỏ, gián đoạn cung cấp than cho các hộ tiêu thụ.



Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí thức trẻ)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.