Gái quê đua nhau "đại tu” nhan sắc, tìm đường xuất ngoại kiếm vốn về nhà làm ăn

Hôn nhân đổ vỡ, công việc không có, chị N.B.N. được người quen giới thiệu sang Đài Loan làm việc với mức lương hứa hẹn rất cao.

Hôn nhân đổ vỡ, công việc không có, chị N.B.N. được người quen giới thiệu sang Đài Loan làm việc với mức lương hứa hẹn rất cao. Xuất ngoại, N. mới biết công việc phải làm là tiếp thị hay thực chất là mời rượu ở quán bar, vũ trường.

Ban đầu, N. còn e ngại, nhưng khi nhận được nhiều tiền boa của khách, N. bắt đầu dạn dĩ và "yêu nghề" hơn. Sau 6 tháng ở Đài Loan, N. về Việt Nam "đại tu" nhan sắc ở thẩm mĩ viện để lần xuất ngoại kế tiếp có được nhiều khách hơn. Ở quê N., nhiều phụ nữ cũng chấp nhận đau đớn, đầu tư số tiền lớn "tu sửa" nhan sắc để xuất ngoại kiếm vốn về quê làm ăn.

Muốn xuất ngoại, phải sửa sắc đẹp

Tính đến nay, chị N.B.N. (SN 1980, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã hơn chục lần xuất ngoại sang Đài Loan để làm việc. Chị N. đi xin lưu trú ở xứ người dưới dạng khách du lịch. Thế nên, sau 6 tháng làm việc quần quật, chị N. lại về quê chờ đợi và chuẩn bị cho lần đi kế tiếp.

Lần này, trước khi đi, chị N. đã dùng số tiền 200 triệu đồng vừa kiếm được trong chuyến trước để đi thẩm mỹ viện. Ít ngày sau phẫu thuật, chị N. e ngại và tránh gặp người quen bởi khuôn mặt của chị bị sưng mọng, đau đớn với hàng tá các đại phẫu, tiểu phẫu… với mong muốn thay đổi, nâng cấp nhan sắc.

Chị N. sờ lên khuôn mặt đang sưng to rồi cười trừ. Chị chia sẻ: "Tôi ráng chịu đau. Vài hôm nữa, mấy chỗ phẫu thuật từ từ hết sưng là ăn uống, vui chơi bình thường. Tôi lớn tuổi rồi, phải phẫu thuật cho ngon lành. Sang đó, mình già không cạnh tranh lại với mấy đứa trẻ đẹp mới qua. Nghề nào, ở đâu cũng có cạnh tranh hết, không đẹp, không bốc lửa, khách không thích thì lấy đâu ra tiền boa. 

Mấy đứa sang đó toàn sống bằng tiền boa với đi khách, chứ làm gì có lương. Tôi may mắn có một ông bên đó sẵn sàng chu cấp hàng tháng, mà ổng không cho đi khách. Kỳ này sang đó, tôi quyết hốt cú chót để về đây làm ăn. Ngày nào cũng uống rượu, thức hầu mấy ổng thâu đêm suốt sáng chắc chết vì bệnh quá".

Gái quê đua nhau đại tu” nhan sắc, tìm đường xuất ngoại kiếm vốn về nhà làm ăn - Ảnh 1.
Vợ của anh N.T.T. khi đã phẫu thuật thẩm mỹ và làm việc ở Malaysia

"Đợt rồi, tôi kiếm được 200 triệu đồng, tính về nghỉ, kiếm chuyện khác làm, nhưng mà, với số tiền đó, đầu tư, làm gì cũng thiếu. Lần này, tôi ráng kiếm tiền tỷ về mở quán nhậu, cà phê gì đó. Kỳ này, sang đó, tôi chia tay với bồ già, mỗi tháng, ổng chu cấp không bao nhiêu mà cấm không được đi khách. 

Sang đó mà không đi khách làm sao có nhiều tiền, tiền boa ở quán rượu, vũ trường… đâu có bao nhiêu", chị N. chua chát hoạch định tương lai. Chị N. nhớ lại, lúc mới sang cái gì cũng bỡ ngỡ và lo sợ. Bây giờ, chị bảo chị như một con cáo già, đủ khôn ngoan để moi tiền khách và biết đầu tư hơn.

"25 tuổi, chồng bỏ tôi và hai con, đi cưới vợ khác. Nhà nghèo, con cái còn nhỏ, tôi khủng hoảng dữ lắm. Lúc đó, có một bà chị cũng đi Đài Loan giới thiệu, hứa hẹn dẫn sang đó làm việc, lương cao lắm. Túng quẫn quá, tôi gửi hai con cho bà ngoại rồi khăn gói sang đó. 

Qua đó, tôi bị đẩy vào các quán rượu, bar, vũ trường làm việc. Bảo là tiếp thị rượu chứ có khác nào "gái làng chơi", phải đưa đẩy, mời gọi, cho khách sờ mó mới lấy được tiền boa. Làm riết quen, giờ chai sạn, trong đầu chỉ còn khái niệm phải đẹp, phải chiêu trò, hấp dẫn… để kiếm được nhiều tiền về lo cho hai đứa con", chị N. bộc bạch.

Chị N. không ngại chia sẻ: "Bây giờ nhiều đứa con gái cùng quê cứ đi theo xin tôi sang Đài Loan làm việc. Tôi nói rõ ràng công việc phải làm gì vậy mà tụi nó cũng gật đầu đòi đi. Muốn đi thì ít nhất cũng phải tắm trắng, sửa mũi, xăm môi, tốn cũng không ít tiền. Tụi nó vay mượn đủ đường nên sang đó làm như điên để trả nợ. Có đứa mình dắt sang, cho mượn tiền để nó sửa sắc đẹp. Qua Đài, nó trở mặt, giành khách với mình là chuyện thường".

Chưa kiếm được tiền, nhan sắc đã "tàn tật"

Trường hợp như chị N. là không hiếm. Nhiều năm qua, con số phụ nữ Việt lấy chồng hay lén lút sang nước ngoài làm việc là không ít. Sau chuyến đầu bỡ ngỡ, nhiều chị em dần quen với công việc, chủ động đi "tút" lại nhan sắc để xuất ngoại kiếm tiền. 

Anh N.T.T. (1986, ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) cũng buồn bã chia sẻ: "Vợ tôi không chịu được cảnh nghèo khó nên nghe theo lời mấy bà mối sang Malaysia làm việc. Mới đầu, vợ tôi còn liên lạc với gia đình và các con, nhưng mấy tháng sau, cô ấy không còn cho biết bất kỳ thông tin nào. Tôi dò hỏi người quen thì biết được hiện tại vợ tôi làm việc trong mấy quán bar, vũ trường. Nghe họ nói, vợ tôi quyết tâm kiếm được nhiều tiền mới về Việt Nam".

"Mới đây, nghe tin vợ về nước, tôi có tìm gặp. Thì ra, vợ tôi sang đó làm việc theo dạng du lịch nên vài tháng phải về. Lần này về, vợ tôi nghe lời người ta đi thẩm mỹ viện để sửa sắc đẹp. Số tiền vợ tôi vay lúc đi chưa trả được thì nay lại nợ thêm tiền phẫu thuật thẩm mỹ. Vợ tôi ngày càng lún sâu, không cách nào thoát ra được. Tôi cũng thất vọng và không muốn níu kéo thêm nữa", anh N.T.T. chia sẻ trong bẽ bàng.

"Thực tế, nhiều chị em sang nước ngoài làm việc, kết hôn đều phải chỉnh sửa đôi chút. Ít nhất, chị em phải tắm trắng, nâng ngực, xăm môi, xăm mắt… chứ xấu sang đó cũng chẳng làm được gì. Thế nhưng, nhiều chị em không có nhiều tiền, thường chọn những thẩm mỹ viện không mấy tên tuổi, không đảm bảo chất lượng", chị N. cho biết.

"Nhiều người tự tìm mấy chỗ thẩm mỹ rẻ tiền hoặc nghe theo lời giới thiệu của mấy bà môi giới, tới làm chỗ quen thường phải gánh lấy cảnh tiền mất tật mang. Tôi khuyên tiền nào của nấy, mà nhiều đứa đâu có chịu tin. Tụi nó chọn mấy chỗ rẻ tiền để rồi chuốc họa, chưa kiếm được tiền, đã phải tốn tiền điều trị mấy biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ. 

Tôi có nhỏ bạn đi cùng đợt, nó phẫu thuật năm ngoái. Không biết làm sao mà cái miệng nó bị giật méo luôn. Nó bị vậy đâu sang Đài Loan được. Giờ nó ở nhà bán vé số. Rút kinh nghiệm, đợt này tôi đầu tư tới 200 triệu đồng, lên TP. HCM phẫu thuật cho chắc ăn", chị N. cho biết thêm.

Tính toán kỹ càng, nhưng chị N. vẫn hoang mang: "Tiền kiếm được cũng xài hết. Không chuyện này cũng chuyện kia. Tôi lỡ sa chân, sướng riết không chịu khổ được, không làm ruộng được nữa thì đành liều phen nữa kiếm vốn. Chớ sang đó, biết bao cảnh trớ trêu, khổ sở. 

Nhiều khi chứng kiến cảnh mấy chị em người Việt đánh nhau vì giành khách, mình cũng xấu hổ. Đồng tiền không sạch nên vào túi hôm trước, hôm sau không cánh mà bay. Hồi đó, tôi nghe lời má ở quê làm vườn, lên thành phố làm công nhân thì giờ đâu phải xấu hổ khi gặp hai đứa con".

Nói về tình trạng phụ nữ ở địa phương xuất ngoại, bà Lê Thị Tuyết Trang, Phó Hội phụ nữ xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) cho biết: "Thời gian gần đây địa phương có ghi nhận việc nhiều chị em đăng ký kết hôn với người nước ngoài, rất có thể đây là dấu hiệu của hiện tượng làm giả hồ sơ để đi làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi đã tuyên truyền về vấn đề này rất nhiều lần để chị em nâng cao cảnh giác. Thế nhưng, nhiều chị em vẫn ôm mộng làm giàu nên chịu nhiều thiệt thòi".

Ông Lê Tấn Lộc, cán bộ Tư Pháp xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết: "Thời gian trở lại đây, tại địa phương rộ lên hiện tượng nhiều chị em xin làm hồ sơ, giấy tờ để kết hôn với người Malaysia, Trung Quốc. 

Hiện tượng này bắt đầu có sự tăng đột biến. Tình trạng này căng thẳng đến nỗi nhiều chị em liên tục hối thúc chúng tôi hoàn tất hồ sơ, thậm chí có chị em đã xuất ngoại trước khi có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ".

Theo Nguyễn Ngọc (Congly.com.vn)


gái quê

xuất ngoại


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.