Hành động dũng cảm
Ban tổ chức Trung ương Đảng vừa có văn bản số 1217 trả lời về việc tiếp nhận và chuyển đơn thư của ông Trần Đức Dũng (thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) cho Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết nội dung khiếu nại của công dân.
Trước đó, ông Dũng đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng Đảng, Nhà nước và Chính phủ để khiếu nại về việc Bộ LĐ–TB&XH không đồng ý xác nhận điều kiện liệt sĩcho con trai ông là Trần Văn Quý (28 tuổi) là cán bộ Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam) tử nạn lúc trục vớt gỗ lậu do lâm tặc cất giấu, vận chuyển dưới lòng sông Vu Gia tại khu vực Mò O (Đại Sơn, Đại Lộc).
Căn nhà của vợ chồng ông Trần Đức Dũng và bà Đỗ Thị Liệu đơn sơ sau rặng dừa ở thôn Mỹ Ngọc. Hai vợ chồng đã ngoài 60 tuổi. Dân làng bảo, ông bà già đi hẳn sau cái chết của con trai út Trần Văn Quý vào tháng 5/2011.
Nén đau thương, sau ngày con mất, ông Dũng đi khắp nơi để mong sao con trai của mình sớm được công nhận là liệt sĩ, xứng đáng với sự hy sinh dũng cảm trong khi làm nhiệm vụ.
Ông Trần Đức Dũng, bên bàn thờ con trai Trần Văn Quý. |
Ông Dũng kể: Chiều 15/5/2011, ông Đinh Anh Tuấn - Đội phó đội Kiểm lâm cơ động số 2 và nhiều anh em về nhà ông nhưng không dám vào. Linh tính điều chẳng lành, vợ chồng ông chạy ra thì ngất lịm khi hay tin Quý đã tử nạn. Thi thể con trai về nhà trong vòng tay của anh em.
Kiểm lâm cho hay, Quý trong lúc làm nhiệm vụ trục vớt gỗ lậu được lâm tặc cất giấu dưới sông Vu Gia, đã bị nước xoáy cuốn chết. Năm đó, Quý vừa tròn tuổi 25, chưa vợ con.
“Đau thương quá bất ngờ, vợ chồng tôi đứng tim, ngất lịm bên xác con, phải cấp cứu. Anh em Chi cục kiểm lâm kể, Quý dũng cảm xuống sông lặn vớt gỗ, rồi bị nước xoáy cuốn đi. Hôm truy điệu, anh em kiểm lâm về rất đông và làm lễ truy điệu rất nghiêm trang, gia đình cũng ấm lòng vì con mình nằm xuống khi làm nhiệm vụ được giao.
Trước anh linh của Quý, anh em Chi cục Kiểm lâm hứa sẽ làm hết mình, lo các thủ tục để Quý được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Gia đình, bà con lối xóm tin rằng, Quý sẽ sớm được công nhận là liệt sĩ”, ông Dũng cho biết.
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngày 15/5/2011, đội kiểm lâm cơ động số 2, tổ chức truy quét gỗ lậu vàphát hiệnmột khối lượng gỗ lớn cất giấu dưới sông. Đây là tài sản nhà nước, anh Trần Văn Quý là cán bộ trẻ, năng nổ, được giao nhiệm vụ xuống sông trục vớt, nhưng không may bị nước cuốn trôi.
Hành động của Quý nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm trong khi làm nhiệm vụ. Xét thấy sự hy sinh của anh Quý là rõ ràng và có đủ cơ sở Chi cục kiến nghị cơ quan chức năng công nhận liệt sĩđể tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh đó. Tuy nhiên, đến nay vẫn không được công nhận.
Mặc áo phaothì làm sao mà lặn
Thực hiện lời hứa trước đồng đội, Chi cục kiểm lâm lập hồ sơ, gửi Sở NN&PTNT, Sở LĐ-TB&XH để tham mưu UBND tỉnh đề nghị công nhận Trần Văn Quý là liệt sĩ.
Ngày 4/10/2013, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị công nhận Trần Văn Quý là liệt sĩ. Công văn khẳng định việc hy sinh tính mạng trong lúc vớt gỗ lậu dưới lòng sông của Quý là “hành động dũng cảm, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia”.
Tuy nhiên, ngày 4/6/2015, Bộ LĐ-TB&XH có công văn số 2110 trả lời UBND tỉnh Quảng Nam, trong đó không đồng ý công nhận anh Trần Văn Quý là liệt sĩ.
Theo đó, Bộ khẳng định: “Ông Quý trong khi xuống sông tham gia trục vớt gỗtrái phépđang cất giấu dưới lòng sông, không mặc áo phao, lội (bơi) được khoảng 4 - 5 m bị sụp hố nước sâu có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi chết. Đây là công tác giải quyết sự vụ của nhân viên kiểm lâm khi được giao, tai nạn xảy ra dẫn đến chết người là yếu tố bất ngờ không thể biết trước”.
Bộ này khẳng định: “Không thể coi trường hợp nêu trên là hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản Nhà nước và nhân dân. Vì vậy ông Trần Văn Quý không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩtheo quy định”.Văn bản do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp ký và đóng dấu.
“Con trai tôi làm nhiệm vụ có tổ chức, có lãnh đạo phân công nhiệm vụ liều mình xuống sông lặn vớt gỗ. Nếu mặc áo thì làm sao trục vớt gỗ lậu? Cho rằng con trai tôi không mặc áo phao, xuống sông vớt gỗ lậu là tài sản của nhà nước dù biết trước nguy hiểm không phải là hành động dũng cảm là hết sức vô lý”, ông Dũng bức xúc.
Ngay khi nhận được văn bản của Bộ, ông Dũng lập tức gửi đơn khiếu nại. Ông cho biết, dù tốn kém bao nhiêu công sức, tiền của ông sẽ đi đến cùng để con trai mình được công nhận là liệt sĩđể xứng đáng với sự hy sinh cũng như truyền thống cách mạng của gia đình mình.
Theo ông Phan Tuấn, việc Bộ LĐ-TB&XH không công nhận liệt sĩđối với anh Quý là một thiệt thòi cho gia đình và lực lượng kiểm lâm. Vì đặc trưng nhiệm vụ, lặn xuống sông để trục vớt gỗ dưới đáy sông, nên anh Quý không thể mặc áo phao được, nếu mặc áo phao làm sao lặn được? Nếu không kịp thời trục vớt gỗ lậu sẽ bị dòng nước cuốn trôi ảnh hưởng đến tài sản, lợi ích của Nhà nước.
“Đã có nhiều trường hợp kiểm lâm tử nạn khi làm nhiệm vụ nhưng không được công nhận liệt sĩvì không đủ điều kiện. Riêng trường hợp anh Trần Văn Quý thì rõ ràng và đầy đủ, chúng tôi đề nghị Bộ cần xem xét thấu đáo, sớm công nhận anh để khích lệ động viên lực lượng kiểm lâm những lúc nguy hiểm dám xông pha thực hiện nhiệm vụ. Không được công nhận liệt sĩ, đây là thiệt thòi lớn không riêng gì gia đình anh Quý mà còn là thiệt thòi của cả lực lượng kiểm lâm Quảng Nam và kiểm lâm cả nước” - ông Phan Tuấn khẳng định. |