Lễ hội chém lợn: Không nên giữ lại văn hóa lạc hậu?

Chúng ta nên gìn giữ có chọn lọc chứ không nên quy cả hủ tục lẫn phong tục về cái gọi là cần bảo tồn, có như vậy người Việt Nam mới không bị lạc lõng và phần nào cải thiện được cái nhìn của bạn bè quốc tế trong một thế giới hiện đại.

Mới đây, Tổ chức động vật châu Á (AAF) nhận định lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh là một trong những lễ hội tàn nhẫn nhất. Đồng thời, AAF đã gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng huỷ bỏ lễ hội này. Đề nghị của AAF làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc có nên huỷ bỏ lễ hội đã tồn tại hàng trăm năm này hay không?

Trong vài năm trở lại đây, lễ hội chém lợn đã thu hút được rất đông du khách đến tham dự. Chính vì vậy, đề nghị huỷ bỏ lễ hội này đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Có rất nhiều ý kiến đồng tình song cũng có nhiều người phản đối đề nghị này của Tổ chức động vật châu Á.


Chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ (nhân viên văn phòng ở Hà Nội), có quê gốc ở làng Ném Thượng cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Ném Thượng. Tuổi thơ của tôi đã chứng kiến hàng chục lễ chém “cụ ỉ” trong lễ hội ở làng tôi. Nó có để lại những “vết thương” tâm lý nào thì không rõ nhưng hằng năm, tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác háo hức chuẩn bị về quê để dự lễ hội chém lợn ở quê tôi. Nó đã trở thành truyền thống, thành một phần quê hương trong những người con xa quê như chúng tôi. Sẽ là vô lý nếu đòi huỷ bỏ lễ hội chỉ vì một mục đích nhân đạo viển vông nào đó. Bởi hàng ngày, hàng giờ vẫn có hàng triệu con lợn, gà,…bị giết thịt để phục vụ cho nhu cầu của con người. Nếu hủy bỏ lễ hội chém lợn cũng nên huỷ cả thói quen ăn thịt động vật của con người đi!”

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Đăng Khoa (Xuân Đỉnh – Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Đã là bản sắc vùng miền thì cần được tôn trọng. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc ta nên cần được quảng bá, phát huy.

GS.TS Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia bày tỏ: “Theo tôi, không có bất cứ một lễ hội nào là lễ hội “man rợ” cả. Bởi lễ hội xuất phát từ nhu cầu của mỗi cộng đồng. Những lễ hội hiến tế đối với cộng đồng đó mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, với mục đích tế thần để cầu mong may mắn, mùa màng bội thu. Chỉ có những người không hiểu gì về lễ hội, hay về những ý nghĩa của nó mới cho rằng đó là những lễ hội man rợ. Những hình ảnh được cho là phản cảm, man rợ hay đầy bạo lực đều xuất phát từ cảm nhận của những “người ngoài”, tức là những người chưa thực sự hiểu về ý nghĩa của lễ hội này. Đúng là nếu ở ngoài nhìn vào, sẽ thấy những hình ảnh chém lợn, đâm trâu đáng sợ thật, nhưng những người dân địa phương, những chủ thể văn hóa của các lễ hội này lại không thấy như thế. Trong khi đó, họ mới là người quyết định có nên bỏ hay không các lễ hội đó, còn không một ai có quyền phán xét việc tổ chức các lễ hội này là đúng hay sai”.

Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến đồng tình với việc huỷ bỏ lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh. Bà Vân Nga (HN) cho rằng, trong xã hội văn minh, việc “tôn vinh” những nghi lễ chém giết động vật là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh cũng như lễ hội đâm trâu cần phải được huỷ bỏ.

Theo TS. Nguyễn Thị Ly Na, chúng ta không nên huỷ bỏ truyền thống nhưng cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chẳng hạn, thay vì chém lợn thật, người dân có thể chém lợn tượng trưng. Đây là cách vừa giữ được truyền thống, vừa phù hợp với những quan niệm hiện đại!

Độc giả Đỗ Đức Hạnh cũng có nhìn nhận riêng của mình: "Chúng ta không nên coi đó là nét đẹp truyền thống bởi nó không có gì đẹp cả. Chúng ta đừng phủ nhận nền văn hóa và văn minh của phương Tây bởi xã hội chúng ta đang có tiến triển rõ rệt. Bạn đang sài Iphone, Ipad, Internet, di chuyển bằng máy bay... đó là những sản phẩm từ văn minh phương Tây. Chúng ta đang cố bảo thủ để níu kéo cái gọi là truyền thống nhưng càng ngày ta càng thấy không phù hợp với xã hội hiện đại. Chúng ta nên gìn giữ có chọn lọc chứ không nên quy cả hủ tục lẫn phong tục về cái gọi là cần bảo tồn, có như vậy người Việt Nam mới không bị lạc lõng và phần nào cải thiện được cái nhìn của bạn bè quốc tế trong một thế giới hiện đại. "


Độc giả có địa chỉ mailtieuho19...@yahoo.com cũng cho rằng nên gạt bỏ những gì không tốt của quá khứ chứ không nên vì tôn trọng mà vẫn phải khư khư ôm nó mới được coi là gìn giữ. Thiết nghĩ việc chém lợn mà tổ chức lễ hội kiểu ấy không nên. Phải chăng nên chỉ dùng mô hình tượng trưng có hay hơn không??? Rất mong có sự sửa đổi hợp lý vẹn toàn cả đôi bên. "

Độc giả Anh Trúc bày tỏ: "Thế giới ngày nay như một ngôi nhà lớn, từ đủ mọi lĩnh vực, không một quốc gia nào dám tự cô lập, sống tách biệt bất chấp luật pháp quốc tế. Nền văn minh thế giới ngày nay đem lại cho nhân loại nhiều tiện nghi tân tiến... Không thể giữ lại những thứ "văn hóa lạc hậu"giống như: con trâu đi trước, cái cầy đi sau.

Mời độc giả gửi ý kiến trao đổi và tranh luận về lễ hội chém lợn đến địa chỉ email: tintuconline@vietnamnet.vn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!


  • Quốc Khánh/Vietnamnet

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.