Liên tục tai nạn giao thông đường thủy: Lỗ hổng lớn trong quản lý

Những vụ tai nạn đường thủy thời gian gần đây tiếp tục chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Những vụ tai nạn đường thủy thời gian gần đây tiếp tục chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý an toàn giao thông đường thủy nội địa. Những bất cập này bị thả nổi khiến ngày càng nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra với hậu quả khôn lường.

Xảy một ly, đi bốn mạng

Đến giờ, nỗi đau vẫn chưa nguôi trên đoạn sông Hồng qua xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Đây là địa điểm va chạm giữa hai tàu chở đá và bột đá, làm tàu NB2434 bị chìm khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Vị trí xảy ra tai nạn cách bờ 100m.

Theo ghi nhận của PV NTNN, tại đoạn sông Hồng  -nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng, lưu lượng tàu bè qua lại rất nhiều, trong khi mặt sông không quá rộng. Cách vị trí xảy ra vụ tai nạn khoảng 400m là bến đò ngang Hữu Bị, chuyên chở người dân qua lại giữa 2 huyện Mỹ Lộc (Nam Định) và Vũ Thư (Thái Bình). Sau vụ tai nạn, tại bến đò ngang không thấy sự xuất hiện của các lực lượng thanh tra, kiểm tra mỗi khi các chuyến đò ngang xuất bến. Các chuyến đò ngang này chở khách liên tục từ 4 – 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều hàng ngày.

lien tuc tai nan giao thong duong thuy: lo hong lon trong quan ly hinh anh 1

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các nguy cơ gây mất ATGT đường thủy (ảnh minh họa). Ảnh: Vinh Hải

Được biết, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Cục Đường thủy Nội địa đã cử đoàn công tác về kiểm tra hiện trường, thăm hỏi gia đình người bị nạn. Cục Đường thủy Nội địa cho biết, vụ tai nạn liên quan đến 3 phương tiện. Đó là các tàu NB 2434 (bị chìm), tàu NB 6913 và một phương tiện thứ 3 chưa rõ biển số. Theo đó, tàu NB 2434 đang di chuyển theo hướng Ba Lạt – Hà Nội chở đá hộc đã xảy ra va chạm với phương tiện đi cùng chiều, sau đó bị tàu NB 6913 đâm phải. Chiếc tàu NB 2434 do anh Trần Văn Tuấn lái đã bị đắm ngay sau đó cùng toàn bộ hàng hóa, thiết bị và làm 4 người chết.

Ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa cho biết, theo đánh giá sơ bộ, tàu NB 2434 vi phạm quy tắc tránh va với một tàu cùng chiều, sau đó bị tàu NB 6913 đâm phải.

Theo hình ảnh trong một clip ghi lại, chiếc tàu bị nạn ở tình trạng quay ngang khi bị tàu NB 6913 đâm va. Ông Giang cho hay, hiện các cơ quan chức năng đang tìm hiểu người điều khiển các phương tiện có bằng lái hay không, thời hạn đăng kiểm phương tiện để rà soát các lỗ hổng trong quản lý.

Lực lượng chức năng ở đâu?

Vụ tai nạn ở Thái Bình làm chết 4 người được Cục Đường thủy Nội địa đánh giá là một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trên tuyến đường thủy nội địa kể từ đầu năm. Trước đó, đã xảy ra những vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng như sà lan đâm sập Cầu Ghềnh, tàu trọng tải lớn đâm va vào cầu An Thái,… nhưng chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản. Ngay trong ngày 6.7 cũng xảy ra vụ sà lan đâm vào trụ cầu Rạnh Đỉa (TP.HCM) làm hơn 2.000 hộ dân bị thiếu nước sạch khi đường ống cấp nước bắc qua cầu bị đâm vỡ. Còn tại Quảng Ninh, ngày 7.7, sà lan chở than đã đâm va vào một thuyền mủng làm 1 người mất tích tại khu vực Cảng Khe Dây, TP.Cẩm Phả.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho hay: “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị để tăng cường quản lý ATGT đường thủy, đặc biệt là chú ý kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu chở hàng hóa quá tải, chở quá số lượng khách quy định trước khi xuất bến”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều bến thủy nội địa không phép vẫn đang tồn tại, chưa kể ở các bến thủy được cấp phép vẫn vắng bóng lực lượng chức năng. Về điều này, ông Thái cho biết: “Đúng là tuyến đường thủy trải rộng, lực lượng chức năng mỏng nên cần phải có sự vào cuộc của cả địa phương lẫn cơ quan quản lý đường thủy là Bộ GTVT, lực lượng tuần tra là Cảnh sát giao thông đường thủy. Nếu địa phương làm tốt, có thể kiến nghị để Bộ GTVT phân cấp quản lý”.

Ông Thái lấy ví dụ, trong chuyến công tác tại Quảng Ninh vừa qua, địa phương này đã đề nghị Bộ GTVT cho phép quản lý một số tuyến thủy nội địa hiện do TƯ quản lý. Bên cạnh đó, để giám sát hoạt động đường thủy nội địa, lực lượng CSGT đường thủy cần tăng cường kiểm tra các tuyến trọng điểm. Cả cấp T.Ư và địa phương cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, bên cạnh lực lượng giám sát thường xuyên tại các bến, tuyến thủy nội địa.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.