Mải “đốt tiền thật vay tiền ảo”, mâm lễ đội đầu cũng bị... mất trộm!

Từ nhiều ngày nay, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về Đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh) mong được làm “con nợ” bà Chúa.

Từ nhiều ngày nay, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về Đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh) mong được làm “con nợ” bà Chúa. Đi vay nợ Bà chúa kho không tiếc tiền lễ mới thiêng, các gia chủ vì thế trở thành “món mồi” béo bở để các dịch vụ thi nhau “chặt chém”.

Như thường lệ, những ngày đầu năm mới, hàng chục nghìn du khách thập phương từ các vùng miền nô nức đổ về Đền Bà chúa kho để tạ lễ xin lộc đầu năm. Dọc hai bên đường Ngô Gia Tự - phường Suối Hoa - TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đoàn người cùng xe cộ dài hàng cây số dẫn đến nơi có Đền Trình thờ Ba toà Thánh mẫu.
 
 
 

Hàng vạn người đổ về "vay nợ" Bà chúa kho ngày đầu năm.

Chạy dài hai bên đường, từ Đền Trình vào đến Đền Bà chúa Kho dài khoảng 3km, các dịch vụ ăn theo mùa lễ hội “nở rộ” thi nhau “móc túi” du khách như trông giữ ô tô, xe máy, nhận sắp lễ, viết sớ, mang vác thuê, cúng thuê. Do đó dẫn đến hiện tượng tắc đường khiến cho lực lượng cảnh sát giao thông rất vất vả phân luồng dưới thời tiết nắng nóng.

Tại Đền Bà chúa kho, du khách đã về đền lễ tạ theo lệ bất thành văn là phải sắp mâm lễ vào đền khấn vái xin lộc. Chính vì vậy, dịch vụ sắp đồ lễ, tiền vàng mã và cúng thuê vô cùng đắt khách. Mâm lễ vào đền vay vốn bà Chúa về làm ăn có nhiều loại khác nhau, tùy vào mục đích của gia chủ như vay tiền, xin nhà lầu, xe hơi…

Trung bình các mâm lễ có gà luộc ngậm hoa hồng, xôi gấc đỏ, tiền vàng mã… có thể từ vài trăm nghìn đồng lên đến vài triệu đồng. Sau khi cúng lễ, các gia chủ “đặt cọc” trước với Bà chúa bằng hương khói, hóa vàng, khiến cho không gian vốn đã lèn chặt người tại đền Bà chúa kho trở nên đặc quánh, ngột ngạt. Do đó ban tổ chức đã bố trí 2 cụ bà thường xuyên túc trực ở nơi thắp hương để rút hương dúng vào nước cho đỡ khói.
 

Một bà cụ luôn tay rút hương nhúng vào nước cho đỡ khói.

Ban tổ chức liên tục khuyến cáo du khách không nên thuê người cúng, nếu du khách có nhu cầu thì các cụ khấn cho miễn phí, qua hệ thống loa phóng thanh, nên hiện tượng này đã giảm. Lợi dụng cảnh xô đẩy chen lấn tại khu vực lễ bái mà một số đối tượng trộm cắp, móc túi thi nhau hoành hành. Một số du khách không chỉ mất ví tiền, điện thoại mà ngay cả mâm lễ đội đầu sau một hồi chen lấn vào đền cũng... biến mất, thậm chí tiền công đức cũng bị trộm

Ông Nguyễn Thành Lập - Trưởng BQL di tích Đền Bà chúa Kho cho biết, dự kiến lượng khách đến Đền Bà chúa kho ngày một tăng nên BQL đã phối hợp với chính quyền địa phương và công an từ phường tới tỉnh để bảo đảm an ninh trật tự cho du khách. Loa phóng thanh của BQL luôn phát đi phát lại nhiều lần khuyến cáo du khách không thuê người cúng bái, giữ gìn vệ sinh chung, bảo quản tài sản cá nhân, nếu bị lôi kéo, doạ dẫm, “chặt chém” báo ngay cho BQL hay lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại Đền để can thiệp, giải quyết kịp thời.
 

Bốn người liên tục nhặt rác vẫn không xuể.
 

Giá để lễ luôn chật cứng các mâm lễ.

Nhà đền luôn tổ chức, bố trí người hướng dẫn cho du khách mà không thu tiền. So với mọi năm, năm nay công tác chuẩn bị đã được BQL di tích lên kế hoạch chi tiết nên hiện tượng chèo, kéo khách, cúng thuê đã giảm, an ninh trật tự được đảm bảo, hiện tượng ăn xin, ăn mày, đổi tiền lẻ được cải thiện. Trong thời gian vừa qua lực lượng chức năng đã bắt được 5 đối tượng trộm cắp tại Đền Bà chúa kho.

Mặc dù ban tổ chức đã phân công 4 người thường xuyên nhặt rác trong khu vực đền, tuy nhiên do nhiều du khách khi làm lễ xong không nâng cao ý thức đã xả rác bừa bãi ra sân đền nên rác thải vẫn vương vãi khắp nơi. Ban tổ chức cũng đã khuyến cáo du khách hạn chế đốt vàng mã mang vào nhà để phát lộc, nhưng lò đốt vàng mã của đền vẫn luôn đỏ lửa.

Do lượng khách đông nên hàng ngày có 150 cụ tham gia phục vụ du khách đến đền Bà chúa Kho.
 
 

Đền Bà chúa Kho ở thôn Cổ Mễ - Vũ Ninh - TP Bắc Ninh có từ thời Lý. Lúc đầu gọi là miếu Tiên Cô song thời Trần miếu Tiên Cô được tu sửa, mở rộng thành ngôi đền. Đến thời Lê, ngôi đền được trùng tu, tôn tạo lại, toàn bộ những công trình kiến trúc lớn, những di sản quý đều được tạo dựng trong thời gian này. Cuối thời Nguyễn, ngôi đền bị đổ nát, sau đó nhân dân ở đây đã xây dựng lại.

Trong đền thờ bà Linh Từ Quốc Chế, nhân dân quen gọi là Bà chúa Kho. Bà là người có tài coi sóc triều chính, hoà hợp nhân tâm, gia tăng điền sản, phát triển nông trang, khi đến vùng này, bà có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, tích trữ lương thực. Đến mùa xuân năm 1077, đại quân Tống kéo sang cướp nước ta, chiến tuyến sông Như Nguyệt được dựng lên để cản bước quân thù do Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy, vùng này trở thành kho hậu cần quan trọng nhất cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm, chiến thuyền cho quân đội nhà Lý chống Tống thắng lợi.

Bà Linh Từ Quốc Chế là người chỉ huy trực tiếp việc hậu cần được vua Lý trọng thưởng. Sau khi bà mất, nhà vua hạ chiếu phong thần. Nhân dân nhớ ơn lập đền thờ bốn mùa hương hoa cúng lễ. Ngày 21/1/1989, Đền Bà chúa kho làm di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Theo Bá Đoàn (Dân Trí)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.