Mất mẹ, bé 10 tuổi một mình chăm cha tật nguyền và em thơ dại

Cái tuổi mà bạn bè còn được bố mẹ chăm bẵm thì nó bỗng trở thành trụ cột của cả gia đình.

Vừa đi học về đứa trẻ thơ mới 10 tuổi cất vội sách vở, chuẩn bị bát cơm cùng quả trứng thắp hương cho mẹ rồi lại tất tưởi lo chăm sóc cho người cha tật nguyền phải ngồi một chỗ. Cái tuổi mà bạn bè còn được bố mẹ chăm bẵm thì nó bỗng trở thành trụ cột của cả gia đình.

Đáng thương 2 con thơ chăm cha tật nguyền

Hoàn cảnh đáng thương mà chúng tôi muốn nhắc đến là gia đình anh Đàm Văn Kim (SN 1978, trú tại xóm Thọ Nhân, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có vợ là chị Trần Thị Sâm (SN 1978, đã mất) và hai con là Đàm Quang Thành (SN 2006) và Đàm Quang Vinh (SN 2010).

Từ lúc sinh ra anh Đàm Văn Kim đã không may chịu cảnh tật nguyền, hai chân anh co quắp không thể đi lại được, trí não cũng bị ảnh hưởng nặng không có được nhận thức như mọi người, anh lại không thể nói chuyện, đôi mắt lúc nào cũng như người mất hồn.

Cuộc sống của anh dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của cha mẹ, những người thân trong gia đình và luôn gắn liền với chiếc xe lăn. Có những lúc anh cố gắng lết đi khiến cho hai đầu gối bị chai sần đau đớn. Dù được đưa đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng đi tới đâu gia đình cũng chỉ nhận được cái lắc đầu lặng lẽ.

Bữa ăn đạm bạc của 3 bố con nhà Thành.

Bữa ăn đạm bạc của 3 bố con nhà Thành.

Thành dạy cho em cách giúp đỡ cha lên xe lăn.
Thành dạy cho em cách giúp đỡ cha lên xe lăn.

Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, đông anh em, cha mẹ cũng đã tuổi cao sức yếu nên mong tìm cho anh một người vợ để đỡ đần chăm sóc anh trong suốt cuộc đời còn lại. Tìm khắp làng trên xóm dưới cũng không ai chịu về làm vợ của chàng trai tật nguyền, nhưng rồi như một mối duyên trời định, chị Sâm người con gái cũng đã quá lứa lỡ thì đã đồng ý về làm vợ anh.

Rồi căn nhà nhỏ ngập tràn hạnh phúc trong niềm vui tưởng chừng như không thể khi chị Sâm sinh hạ hai đứa con trai là cháu Đàm Quang Thành và cháu Đàm Quang Vinh. Cuộc sống của gia đình dựa hoàn toàn vào sức lao động của người vợ và số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng của anh Kim.

Ngày mùa đến thì chị ra đồng làm muối, quần quật phơi mình dưới cái nắng đến kiệt sức để kiếm đôi đồng nuôi chồng và hai con. Với chiếc xe đạp cũ của mình, chị Sâm còn chở những hạt muối mặn chát mà mình làm ra đi hàng chục cây số đến các vùng quê để đổi lấy cân gạo, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống thường ngày.

Anh cũng rất khó khăn trong việc nói chuyện, mỗi lần cố gắng muốn nói điều gì đó anh phải rất khó khăn.
Anh cũng rất khó khăn trong việc nói chuyện, mỗi lần cố gắng muốn nói điều gì đó anh phải rất khó khăn.
Từ lúc sinh ra anh Kim đã không may chịu cảnh tật nguyền, đôi chân co quắp, hai tay dị tật không thể đi lại được.
Từ lúc sinh ra anh Kim đã không may chịu cảnh tật nguyền, đôi chân co quắp, hai tay dị tật không thể đi lại được.

Thương mẹ cha, hai đứa con của anh chị rất chăm ngoan, hàng ngày chúng thay mẹ chăm sóc cho cha, rồi giúp mẹ làm các công việc vặt trong nhà, bảo ban nhau học tập. Chăm chỉ làm việc, cộng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng hai bên nội ngoại, chị Sâm và anh Kim cũng dựng được cho mình một ngôi nhà 2 gian thoát khỏi cái cảnh ở trong túp lều lụp xụp.

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, hạnh phúc chỉ mỉm cười trong một khoảng thời gian ngắn khi chị Sâm tái phát căn bệnh hen suyễn, sức khỏe của chị dần suy yếu, chị cũng không thể làm được các công việc nặng nhọc. Mỗi tháng đều đặn 2 lần chị phải vào bệnh viện tuyến tỉnh để lấy thuốc về uống, điều trị tại nhà. Gia đình nhỏ lại lâm vào cảnh túng quẫn. Số tiền trợ cấp ít ỏi của anh Kim lại phải chắt bóp từng đồng để mua thuốc cho vợ, lo cái ăn hàng ngày cho các con.

Người mẹ đột ngột qua đời cách đây 2 tháng, để lại cho người chồng tật nguyền hai đứa con thơ dại.
Người mẹ đột ngột qua đời cách đây 2 tháng, để lại cho người chồng tật nguyền hai đứa con thơ dại.
Trước lúc ăn nó không quên thắp hương cho mẹ. Nhìn hai đứa trẻ bưng bát cơm trắng quả trứng gà luộc thắp hương cho mẹ chúng tôi không cầm nổi nước mắt.
Trước lúc ăn nó không quên thắp hương cho mẹ. Nhìn hai đứa trẻ bưng bát cơm trắng quả trứng gà luộc thắp hương cho mẹ chúng tôi không cầm nổi nước mắt.

“Trước đó mẹ có dặn con phải chăm sóc cho bố, phải nuôi em rồi chở em đi học. Bây giờ mẹ mất rồi, mẹ không về với con nữa. Con sẽ làm theo lời mẹ, không để bố bị ngã, không để em phải đói, con không đi chơi với các bạn mà ở nhà với bố thôi”, vừa chuẩn bị mâm cơm cúng cho mẹ Thành vừa nói vừa khóc nghẹn.

Cách đây khoảng 2 tháng chị Sâm đột ngột qua đời, để lại cho người chồng tật nguyền hai đứa con thơ dại. Bà con lối xóm họ hàng hai bên đều bàng hoàng trước tin dữ, ngày đưa tang chị không ai có thể cầm nổi nước mắt khi nhìn hai đứa trẻ thơ gào khóc ôm lấy người cha tật nguyền. Anh Kim cố gượng dậy đến bên quan tài vợ nhìn chị lần cuối cùng nhưng anh không thể.

Lúc nào nó cũng giữ đứa em trai bên cạnh mình vừa làm việc vừa trông chừng em.
Lúc nào nó cũng giữ đứa em trai bên cạnh mình vừa làm việc vừa trông chừng em.
Bữa cơm hôm nay ba bố con nó được ăn trứng rán, đây là một trong số những món ăn ít ỏi mà nó biết nấu.
Bữa cơm hôm nay ba bố con nó được ăn trứng rán, đây là một trong số những món ăn ít ỏi mà nó biết nấu.
Vừa đi học về đến nhà Thành đã vội vào bếp thay mẹ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.
Vừa đi học về đến nhà Thành đã vội vào bếp thay mẹ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.

Người mẹ tảo tần đột ngột qua đời, bỗng chốc đứa trẻ thơ mới 10 tuổi trở thành trụ cột của cả gia đình. Hàng ngày nó thức giấc từ sáng sớm, rửa mặt chăm sóc cho bố rồi chuẩn bị đưa em đến trường. Khi buổi học kết thúc nó lại tất tưởi trở về nhà chuẩn bị bát cơm quả trứng thắp hương cho mẹ, rồi lại cho cha ăn, chăm sóc cho em. Ở cái tuổi mà bạn bè còn được bố mẹ lo từng bữa ăn, giấc ngủ... thì Thành lại phải thay mẹ gánh gồng cái gia đình khốn khó.

Mỗi đêm khi gió đông về, nó lại thấp thỏm trở mình kéo tấm chăn mỏng đắp cho cha, canh giấc ngủ cho đứa em thơ dại. Bữa cơm hôm nay chỉ có trứng rán và bát mì tôm pha làm canh nhạt, nó bón cho cha từng thìa, thúc đứa em nhỏ ăn đi kẻo nguội.

Khi cha đã no nó mới ăn sau cùng. Trên khuôn mặt nó cái nét buồn đến thảm nhưng đôi chân nó cứ thoăn thoắt đi lại trong căn nhà làm hết thảy mọi việc. Căn nhà nhỏ gọn gàng tươm tất rồi nó đến ngồi cạnh cha mình bóp chân cho cha và thẫn thờ nhìn lên bàn thờ của mẹ. Lúc đó, đôi mắt của Thành cứ xa xăm, nhìn thật kỹ vào bức ảnh của mẹ, nó như đang mơ ước điều gì đó. Thành bảo: "Cháu ước mẹ cháu sống lại thôi. Cả nhà cháu khổ mẹ mất thì càng khổ hơn. Con nhớ mẹ lắm...". Nói đoạn Thành khóc như ngày mẹ nó mới mất.



Đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Kim.
Đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Kim.

Những lúc như thế nó lặng đi, cái ánh mắt của nó như mong mỏi khao khát một điều gì đó đến tột cùng. Nó khao khát cái hơi ấm, khao khát được nghe giọng nói của mẹ - người mà mỗi ngày vẫn thường quát nạt nó và em khi lỡ làm sai chuyện gì hay học được điểm kém. Bây giờ nó lại phải thay mẹ chia số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng mà người cha tật nguyền được hưởng để mong đủ cái ăn trong từng ngày dù bữa cơm đó chỉ có bát rau canh đạm bạc nhưng nó cũng phải cố gắng chia cho đủ để cha không phải đói, em không phải nhịn từng bữa ăn.

Thương hai đứa trẻ thơ bà con lối xóm, họ hàng anh em người cho ít gạo, gói mì, hay bớt chút thời gian để giúp đỡ nó chăm sóc cho cha mỗi khi nó đi học. Hơn lúc nào hết hoàn cảnh của gia đình cháu Thành cần lắm những tấm lòng hảo tâm, sự chia sẻ của của bạn đọc để giúp đỡ hai đứa trẻ thơ được tiếp thêm động lực gánh gồng cả gia đình vượt lên trong lúc bĩ cực như hiện tại.

Giấy chứng nhận hộ nghèo.
Giấy chứng nhận hộ nghèo.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Đàm Văn Kim, xóm Thọ Nhân, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Điện thoại: 0936.903.284 (gặp anh Chi, em trai anh Kim).

Theo Dân trí

chăm cha tật nguyền

em thơ dại


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.