Mổ đẻ tiếp tục gặp sự cố làm tổn thương trẻ sơ sinh, sản phụ lo lắng

Hy hữu những ca mổ đẻ bác sỹ cắt nhầm niệu quản của sản phụ, rạch nhầm vào đầu bé sơ sinh, và gần đây nhất là làm gãy đùi em bé...

Biện pháp sinh mổ đang ngày càng phổ biến và có tỉ lệ cao tại các bệnh viện. Không chỉ là cách tối ưu để đảm bảo an toàn cho các ca sinh phức tạp, nhiều phụ nữ sợ đau hoặc muốn con ra đời vào giờ đẹp cũng chủ động xin được thực hiện phương pháp này thay vì đẻ thường tự nhiên.

Tuy nhiên, việc mổ đẻ vẫn có thể xảy ra những tai biến hoặc sự cố ngoài ý muốn gây tổn thương cho cả trẻ và sản phụ. Gần đây nhất là trường hợp bé sơ sinh bị gãy đùi do thao tác của các bác sĩ trong quá trình mổ bắt con khiến nhiều sản phụ có ý định sinh mổ hết sức lo lắng.

Mổ đẻ, bác sỹ làm gãy đùi trẻ sơ sinh

Ngày 30/7, sản phụ H. có dấu hiệu chuyển dạ, được người nhà đưa đến bệnh viện Đa khoa Nhật Tân, TP.Châu Đốc, An Giang để mổ. Tuy nhiên, sau khi mổ xong người nhà phát hiện chân bé bị gãy bất thường nên hỏi bác sỹ thì nhận được câu trả lời là bé bị dị tật bẩm sinh.

Hoang mang và nghi ngờ, gia đình đưa em bé sơ sinh đi kiểm tra thì xác định trẻ bị gãy xương đùi trái nên bác sỹ băng nẹp cố định và chuyển trẻ tới Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM.

Mổ đẻ làm gãy đùi trẻ sơ sinh, bác sỹ nói trẻ bị dị tật bẩm sinh?
Bệnh viện đa khoa Nhật Tân (TP. Châu Đốc, An Giang)

Ngày 1/8, trả lời PV, ông Châu Hữu Hầu, giám đốc Bệnh viện đa khoa Nhật Tân (TP Châu Đốc, An Giang) xác nhận vụ việc trên là có thật. “Thai nhi nằm ngang nên cắt mở tử cung để lấy thai nhi ra rất khó. Muốn đưa thai nhi ra ngoài bắt buộc bác sỹ mổ phải cầm chân kéo ra nên vô tình làm gãy đùi trái của bé. Tai biến này vẫn thường hay gặp và xảy ra tai nạn ngoài ý muốn. Lúc mổ ê kíp cũng đã thông báo với người nhà sự cố trên có thể xảy ra để người nhà chuẩn bị tâm lý” – vị này cho biết.

Cũng theo ông Hầu, khi được Sở Y tế An Giang và Bộ Y tế yêu cầu giải trình về sự việc, bệnh viện đa khoa Nhật Tân đang làm báo cáo với ê kíp ca mổ để gửi lên.

Sinh mổ, bác sĩ cắt nhầm niệu quản của sản phụ

Sự việc đáng tiếc xảy ra vào ngày 23/6 với sản phụ Nguyễn Thị Oanh (40 tuổi, trú xã Công Liêm, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) khi đến Bệnh viện Đa Khoa huyện Nông Cống để sinh con.

Theo phản ánh của anh Trần Văn Hiền (chồng chị Oanh), chiều cùng ngày, chị Oanh lên bàn nằm chờ sinh. Đến khoảng 23h, anh Hiền nhận được thông báo từ các bác sĩ, vợ anh buộc phải mổ đẻ. Tuy nhiên, trong quá trình mổ, sản phụ ra nhiều máu và để cầm máu, các bác sĩ thông báo với gia đình buộc phải cắt bỏ tử cung nếu không sẽ tử vong. Trước tình huống nguy cấp, anh Hiền đồng ý để các bác sĩ cắt bỏ tử cung của vợ.

Bac si cat nham nieu quan cua thai phu hinh anh 1
Sức khỏe của chị Nguyễn Thị Oanh vẫn chưa ổn định sau sinh.

Hôm đó, chị Oanh được các bác sĩ phẫu thuật lấy con thành công nhưng sau đó chị có dấu hiệu tê liệt hoàn toàn đường tiết niệu, dẫn tới ứ niệu phù nề.Một ngày sau, anh Hiền đưa vợ đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khám thì sững sờ khi nghe thông báo chị Oanh đã bị các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống cắt đứt toàn phần niệu quản. Chiều cùng ngày, chị Oanh được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu.

Hiện nay sau hơn 1 tháng sinh con, đến ngày 1/8, sức khỏe của chị vẫn chưa ổn định mà suy giảm khá nhiều khiến sản phụ và gia đình vô cùng lo lắng.

Về phía bệnh viện, Ông Lê Nguyên Khanh – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống thừa nhận sự việc trên là trường hợp hi hữu, nằm ngoài ý muốn và hứa sẽ tạo điều kiện hết mức cho chị Oanh trong việc chăm sóc sức khỏe.

Bé sơ sinh bị bác sĩ rạch trúng đầu khi mổ bắt con

“Tai nạn” hy hữu nói trên xảy ra tại Lâm Đồng. Theo trình bày của anh Hồ Tiến Phúc (30 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt), rạng sáng 14-5, vợ anh chuyển dạ sinh con so và đã được gia đình chuyển lên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để các bác sĩ khám, theo dõi và sinh mổ.

Tuy nhiên, sau sinh cháu bé sức khỏe yếu, phải nuôi trong lồng ấp, gia đình không được trực tiếp chăm nuôi con... Khoảng ba bốn ngày, trong một lần y bác sĩ tắm cho bé, khi bỏ mũ ra người nhà mới phát hiện thấy trên đầu cháu có vết cắt dài khoảng ba bốn phân, đã được khâu lại. Gia đình truy hỏi thì được biết trong lúc mổ, bác sĩ đã mổ trúng đầu bé, sau đó khâu lại. Điều đáng nói là khi gây ra vụ việc này, bệnh viên không hề thông báo cho gia đình mà còn có hành vi cố tình che giấu khiến người thân cháu bé bức xúc.

 xot xa nhung em be so sinh bi bac si mo de trung nguoi - 2

Em bé bị bác sĩ mổ đẻ trúng đầu khi sinh mổ tại bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt

Còn theo báo cáo của bệnh viện, sản phụ Trần Thị Thanh Lan, 29 tuổi ở xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt, bị vỡ ối non, hết ối nên đầu thai nhi gần sát với đầu tử cung, khi bác sĩ dùng kéo để tách cơ tử cung, mũi kéo tiếp xúc với da đầu thai nhi gây nên vết thương dài 2cm trên tai, độ sâu 0,5mm, có rướm máu, không mất máu.Ngay sau khi sự cố xảy ra bác sĩ đã khâu luồn một mũi bằng chỉ tiêu, khi khâu không gây tê, bé không khóc. Vết thương không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé do vết thương rất nông, không mất máu...

Được biết, thời điểm mới sinh bé chỉ nặng hơn 1,9kg trong tình trạng sức khỏe yếu, tím tái, suy hô hấp. Qua chụp CT sọ não, bệnh viện phát hiện cháu bé bị phù não chất trắng diện rộng và được điều trị, nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch, hỗ trợ hô hấp bằng máy, trên đầu có bướu huyết thanh nhỏ khiến gia đình vô cùng lo lắng. May mắn gần 1 tháng sau ca mổ, sức khỏe của em đã có tiến triển tốt hơn và luôn được các bác sĩ theo dõi sát diễn biến sức khỏe.

Sản phụ cần thận trọng khi chọn phương pháp sinh mổ

Được biết trên thế giới cũng đã xảy ra không ít sự cố đáng tiếc tương tự. Theo thống kê, mỗi năm tại Anh có khoảng 3.000 trẻ sơ sinh được sinh ra với chấn thương do đẻ mổ, vì vậy các bà mẹ cần có nhận thức về rủi ro mà phương pháp này gây ra.

xot xa nhung em be so sinh bi bac si mo de trung nguoi - 3

Một em bé ở Anh bị y tá làm rơi dụng cụ phẫu thuật vào trán

Tại Việt Nam, việc chọn ngày giờ đẹp để mổ “bắt con”cũng đang là “mốt” của nhiều gia đình hiện nay. Nó được xem là một phương pháp cực kỳ an toàn với tỷ lệ tử vong thấp, tuy nhiên theo các chuyên gia phương pháp này phải đối mặt với nhiều biến chứng (có thể xảy ra với tỉ lệ thấp) cho cả mẹ và con hơn là sinh thường. Thời gian để mẹ phục hồi sẽ lâu hơn, trẻ sinh mổ có sức đề kháng, hệ miễn dịch kém hơn do không được thừa hưởng các hormone có lợi trong ống dẫn sinh đồng thời sữa mẹ về trễ (thường sau khi sinh phải 1 tuần mẹ mới có sữa... Đây còn là nguyên nhân khiến bé dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm có tính lây lan.

xot xa nhung em be so sinh bi bac si mo de trung nguoi - 6
Em bé khác bị rạch trúng vị trí gần thái dương khi mổ đẻ.

Vì vậy, các bác sĩ vẫn luôn khuyên người mẹ không nên chọn sinh mổ nếu không vì những lý do chính đáng. Còn khi bắt buộc phải sinh mổ, nếu chủ động được, sản phụ và gia đình nên lựa chọn bác sĩ  cũng như bệnh viện uy tín để thực hiện ca sinh, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

V.K (Tintuconline tổng hợp)
Theo VietNamNet


sản phụ

sinh mổ

mổ đẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.