Ngày 20.7 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã tổ chức buổi gặp mặt giữa gia đình chị Đỗ Thị An (39 tuổi, thôn Tiên Xá 2, xã Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên) và các đơn vị liên quan. Trong cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị liên quan như: Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Giám đốc BV Lao phổi tỉnh Hưng Yên… đã trực tiếp xin lỗi chị An và đáp ứng những yêu cầu của gia đình.
Chị An cho biết, khi chị làm việc ở Vũng Tàu thì bị ốm nên đã về quê để chữa bệnh. Tuy nhiên, chuyện sẽ chẳng có gì nếu không có một tờ giấy có nội dung: Chị Đỗ Thị An bị nhiễm HIV, đã được chuyển theo ngành dọc về Trạm y tế xã Cẩm Xá để theo dõi.
Bị chồng đuổi đi trong đêm mưa gió
Năm 2006, chị đang làm việc ở Vũng Tàu thì bị lao lực, sức khỏe suy yếu nên đã về quê để chữa bệnh. Chị đến Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên để điều trị. Sau 55 ngày điều trị, chị được ra viện với tình trạng sức khỏe tốt hơn.
Chị Đỗ Thị An kể, sau khi chữa trị ở Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên, chị về quê nghỉ nửa tháng rồi lại tiếp tục vào Vũng Tàu làm việc. Một năm sau, chị quen một người đàn ông và lập gia đình trong Vũng Tàu. Năm 2008, chị sinh cháu gái đầu lòng. Được 3 tháng, chồng đưa hai mẹ con về quê ngoại thăm ông bà.
“Về quê chơi được 5 ngày, chồng tôi đùng đùng về bảo hai mẹ con thu xếp quần áo vào Vũng Tàu ngay. Không hiểu có chuyện gì nhưng nghe chồng bảo vậy, tôi vẫn nghe theo. Vào Vũng Tàu được 2 ngày thì anh đánh đập và đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Lúc đó là khoảng 22h đêm, tôi và con ra khỏi nhà trong trời mưa gió không ô, không mũ”.
“Tôi lý do vì sao lại bị đuổi ra khỏi nhà nhưng không nhận được câu trả lời. Bố mẹ chồng cũng không nói lý do mà còn ném quần áo của tôi xuống rãnh”, chị An ngậm ngùi nhớ lại.
Sau đó, chị ôm con về quê với bố mẹ già, để lại Vũng Tàu nỗi tủi hờn, đau đớn và câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Thành “người lạ” trên chính quê hương mình
“Về quê, tôi cũng thấy lạ, mọi người trong xóm đang nói chuyện vui vẻ, thấy tôi đến là cứ lảng dần. Mọi người xa lánh, không nói chuyện và tiếp xúc với tôi. Đặc biệt, con gái tôi đi học cũng không có bạn bè chơi cùng. Con nhà ai được sắp xếp ngồi cạnh con gái tôi lại xin chuyển sang chỗ khác”, chị kể.
Khó khăn ngày càng nhiều, chị đã rong ruổi đi nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Chị tâm sự: “Tôi mang hồ sơ đi nộp ở nhiều nơi nhưng đều không được nhận. Sau đó, chị dâu xin giúp tôi làm công nhân ở xưởng nhựa, bình ắc quy rất độc hại. Tôi làm ở xưởng với tiền công là 80.000đ không ăn, trong khi những công nhân khác được trả 150.000đ và thêm cả bữa cơm trưa. Đặc biệt, tôi uống nước bằng cốc nào thì sẽ không ai dùng lại cốc đó”.
Cuộc sống lầm lũi của chị cứ trôi đi như thế nếu không gặp anh Phạm Văn Hoạch người chồng hiện tại của chị. Vợ trước của anh bị bệnh, mất sớm. Khi con cái trưởng thành, tình cảm thiếu thốn, anh muốn tìm cho mình một người bạn để chia sẻ lúc tuổi già. Và anh đã gặp chị An.
Nói về “bệnh tật” của chị An, anh Hoạch: “Tôi vốn không tin An bị HIV bởi An vẫn khỏe mạnh và đi làm bình thường. Cho đến một ngày đầu năm 2014, tôi thấy An không được khỏe nên đã đưa đến Bệnh viện Quân đội 198 để khám và làm các xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm HIV. Nhận được kết quả âm tính với HIV trên tay, tôi vô cùng vui mừng và kể ngay với gia đình An”, anh Hoạch kể.
Do chưa từng nghĩ đến việc "nhiễm HIV" nên khi nghe anh Hoạch nói rằng chị An nằm trong danh sách theo dõi những người nhiễm HIV, chị An và gia đình rất bức xúc. Tuy nhiên nghe anh Hoạch phân tích, cộng với phiếu kết quả "âm tính với HIV", chị An đã bình tĩnh hơn.
Để chắc chắn, anh Hoạch đưa chị An đi làm xét nghiệm ở Hải Dương. Kết quả nhận được cũng là “âm tính với HIV”. Hai kết quả của hai bệnh viện đều có chung kết luận “âm tính với HIV”, anh Hoạch bắt đầu hành trình đi giải oan cho chị Đỗ Thị An.
* Đón đọc kỳ tiếp theo: Hành trình giải oan cho người đàn bà 9 năm mang "án" HIV oan