Đến thị trấn Hà Lam, hỏi ông Xướng giúp đi tìm hài cốt liệt sĩ ai cũng biết. Bởi lẽ, khi còn làm chủ tịch Hội CCB thị trấn người ta thấy ông cứ mải miết rong ruổi trên những chuyến xe đi tìm hài cốt cùng người dân từ nơi khác tới.
Được sự chỉ đường tận tình của người dân, chúng tôi tìm đến nhà đúng lúc ông Xướng đang ngồi xem lại cuốn sổ chứa những thông tin tìm kiếm liệt sĩ. Ông Xướng cho biết, thời gian rảnh hay ngồi xem lại các thông tin các liệt sĩ vô danh còn chưa xác định ở nghĩa trang để mỗi khi có người tìm tới mình biết mà chỉ dẫn.
“Tôi quê ở Thanh Hóa chứ không phải gốc Quảng Nam này. Năm 18 tuổi tôi được gọi nhập học vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đúng lúc này cách mạng ra lời kêu gọi thanh niên nhập ngũ kháng chiến. Gác lại việc học, tôi lên đường tòng quân chiến đấu hơn 18 năm ở khắp chiến trường miền Nam, miền Trung và Campuchia. Sau ngày đất nước hòa bình, tôi đi học tiếp rồi làm Phó tham mưu trưởng tại Sư đoàn 2, Quân khu 5 cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu”, ông Xướng chia sẻ.
Về thị trấn Hà Lam định cư, ông Xướng không nghỉ ngơi mà bắt đầu tìm kiếm thông tin liệt sĩ đã hi sinh được chôn cất trên địa bàn. Được người dân và chính quyền địa phương tín nhiệm nên ông Xướng được mời ra làm chủ tịch Hội CCB thị trấn rồi tiếp tục làm chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình.
Hơn 20 năm làm ở Hội CCB các cấp là chừng đó thời gian ông ít ở nhà mà lặn lội đi khắp nơi trong tỉnh cùng phối hợp xác định thông tin liệt sĩ hi sinh khi có thân nhân nhờ tìm kiếm.
Ông Xướng nhớ, có hàng trăm người dân ở các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội...tìm đến tận nhà nhờ ông giúp đỡ. “Lúc họ đến chỉ mang theo thông tin họ tên liệt sĩ và quê quán mà không biết được chiến đấu ở đơn vị nào, cấp bậc, nguyên nhân vì sao hi sinh,...Vậy nên, để công việc tìm kiếm được chính xác, tôi nhờ người bạn ở ngoài miền Bắc chuyển vào cho mượn chiếc đĩa CD chứa hơn 30 ngàn thông tin liệt sĩ đã hi sinh trên cả nước. Sau đó, tìm ở riêng chiến trường tỉnh Quảng Nam thông tin về họ tên liệt sĩ đã hi sinh, quê quán, cấp bậc lúc chiến đấu...rồi lấy thông tin đó lưu lại ngoài giấy tờ để dễ tra cứu”, ông Xướng nói.
Những ngày sau đó, ông Xướng cùng người thân các liệt sĩ liên hệ với phòng LĐTB&XH các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để có thông tin hài cốt quy tập vào các nghĩa trang. Nếu đúng thông tin thì hướng dẫn công tác cất bốc đưa về quê nhà. Còn với nhiều liệt sĩ vô danh, biết được thông tin dù là nhỏ nhất có thể xác định được danh tính, ông Xướng cẩn thận ghi chép lại rồi gửi đến Ban liên lạc CCB các tỉnh thành trong cả nước để thông báo tìm người thân liệt sĩ.
Trong hơn 20 năm cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ, với ông Xướng kỉ niệm đáng nhớ nhất là có thân nhân vào tận nơi gặp ông nhờ tìm hài cốt còn sót của người bác. Mặc dù hài cốt đã được cất bốc vào nghĩa trang nhưng trong những giấc ngủ nhiều người thân luôn thấy không yên. Khi xem thầy mới biết được rằng khi bốc hài cốt còn sót nên chưa thể yên nghỉ.
Gia đình đó đã vào gặp ông Xướng kể lại sự việc mong được tìm lại đúng nơi hài cốt đã bốc năm xưa. Ông Xướng liên hệ đồng đội khắp trong tỉnh mới nắm thông tin, trước khi lên đường chiến đấu hi sinh người lính đó đã ở tại nhà một người dân ở xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình. Sau đó, ông Xướng cùng người thân liệt sĩ đó tìm đến tận nơi, gặp lại người dân đó để được chỉ nơi bốc lại hài cốt còn sót.
Ông Xướng bộc bạch: “Nhận được cuộc gọi có số lạ hỏi thăm tin tức
liệt sĩ là tôi nghĩ chắc chắn sẽ thêm công việc, chuyến đi. Nhiều gia
đình khó khăn ở các tỉnh phía Bắc không quản ngại đường xá xa xôi vào
trong này tìm kiếm, tôi chỉ ước mong sao có tìm được nhanh và chính xác
nhất. Nhà tôi và những đồng đội chiến đấu tuy cuộc sống còn khó khăn
nhưng luôn mở cửa chào đón ở lại, cùng lên đường tìm kiếm mỗi khi có tin
tức”.