Bước vào căn nhà của chị Hoàng Thị Thu Thủy (Thanh Trì, Hà Nội), nhìn bé Lê Hoàng Đại Hải (7 tuổi - con trai chị Thủy) với khuôn mặt sáng sủa, hồn nhiên vui chơi, biết nhìn mắt người đối diện để chào khi được mẹ nhắc và chào mẫu, ít ai ngờ em lại là một cậu bé mang khiếm khuyết đa tật, chịu nhiều thiệt thòi từ bé.
Và để giúp Hải làm được những điều đó là cả một quá trình nỗ lực, dày công rèn luyện, đồng hành cùng con trên con đường hòa nhập cuộc sống của bà mẹ trẻ đầy quyết tâm.
Chị Hoàng Thị Thu Thủy và bé Lê Hoàng Đại Hải.
7 năm về trước, chị Thu Thủy và gia đình hạnh phúc khi biết tin mình mang thai đôi. Thế nhưng niềm hạnh phúc ấy của chị đã "giảm đi một nửa" khi ca sinh đôi gặp trục trặc, một thai lưu, chỉ có Đại Hải cất tiếng khóc chào đời thời điểm đó.
Nỗi đau mất con khiến chị Thủy dồn tất cả tình yêu thương vào Hải. Thế nhưng, nỗi đau chưa kịp nguôi khi bé được gần 1 tuổi, chị bàng hoàng nghe thông báo từ bác sĩ rằng con có vấn đề, chậm vận động tinh thần phát triển, bại não.Ngồi nghe kết quả, cả bầu trời của chị dường như sụp đổ lúc đó, chị chỉ biết về nhà đóng cửa phòng khóc và tự trách số phận sao quá trớ trêu với mình.
“Cho con đi khám dinh dưỡng, bác sĩ bảo con có vấn đề não bộ vì đầu nhỏ hơn so độ tuổi, tôi sốc hoàn toàn.
Tôi khóc ngay tại phòng khám dinh dưỡng và không thể hiểu tại sao chuyện này lại xảy ra với con mình. Bác sĩ dinh dưỡng cho tôi số điện thoại của bác sĩ bệnh viện Nhi. Ngay chiều hôm đó tôi đã liên lạc và đặt lịch khám cho con. Bác sĩ viên Nhi cho con chụp cộng hưởng từ và kết quả là con bị loạn dưỡng chất trắng. Tôi theo phác đồ điều trị phục hồi chức năng của họ.
Cả một tuần luôn trong tình trạng nước mắt lưng tròng nhưng tôi không lãng phí thời gian, tôi tìm cách liên lạc với các bác sĩ để tư vấn và tìm cách điều trị cho con”, chị Thủy chia sẻ.
Cách đây 7 năm, người anh em song sinh không gặp may mắn, chỉ có mình Hải đến bên mẹ Thủy nhưng em lại mang khiến khuyến đa tật.
Cũng từ khi phát hiện ra bệnh của con, xâu chuỗi lại tất cả những biểu hiện như chậm tăng cân, không có nhu cầu chơi, hay nhìn lên trời khi đi ra ngoài, chị lại càng trách mình sao vô tâm, chủ quan đến như vậy. Và chính điều này khiến chị càng quyết tâm hơn trong hành trình giúp con hòa nhập cuộc sống.
Sau khi phát hiện bệnh của con, chị cho con đi tập phục hồi chức năng hàng ngày. Thậm chí chị còn thuê thêm cả giáo viên dạy con ở nhà. Chưa dừng lại ở đó, chị tham gia các khóa học, buổi hội thảo, gặp gỡ các bà mẹ có con cùng hoàn cảnh để học hỏi kinh nghiệm, phương pháp.
Chị Thủy kể, đã nhiều lúc chị rầu lòng khi con không biết làm bất cứ việc gì. Vì con vận động tinh rất kém, tay con không có lực, não bộ xử lý thông tin rất chậm nên 3 tuổi con chưa thể bóc hộp sữa uống như các bạn nhỏ bình thường. Chị phải bế con ra một góc hoặc lên phòng riêng để dạy con từng bước, từng bước một.
Nhưng rồi những lúc bực bội, căng thẳng tự mình vượt qua, chị tự động viên mình cần kiên trì hơn nữa để dạy con từng ngày. Một đứa trẻ khiếm khuyết không có nghĩa là một đứa trẻ vô dụng.