Trao đổi với phóng viên sáng 23/11, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cho rằng, việc giám đốc, thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu đơn vị xử phạt nhân viên không tập thể dục là vô luật!
Ngày 23/11, một số tờ báo phản ánh, thời gian qua, khách đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình dễ dàng nhìn thấy bảng “Những quy định đối với cán bộ, viên chức, nhân viên cơ quan”, trong đó có nêu hết giờ làm việc, cán bộ, nhân viên tham gia thể dục thể thao.
Quy định trên có từ hơn một năm nay, địa điểm tập thể dục thể thao là ở tầng 3 tòa nhà trụ sở Trung tâm. Nhân viên không tập sẽ bị phạt 15.000 đồng/buổi.
Trao đổi với báo chí, một nữ nhân viên kể: "Đã là quy định thì ai cũng phải làm theo, vướng con nhỏ hay ốm đau cũng phải tập. Trừ khi ốm đến mức có giấy tờ của bệnh viện, còn không cứ bỏ tập là bị phạt 15.000 đồng/buổi. Công đoàn cơ quan sẽ thu tiền phạt”.
Xung quanh vấn đề này và trước việc thời gian vừa qua, một số cơ quan đã ra những văn bản cấm nhân viên không được bình luận (comment), thích (like) trên mạng xã hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đăng Quang, Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang (Hà Nội) về cơ sở pháp lý của những văn bản “cấm” trên.
- Thưa Luật sư, nhiều nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình phản ánh, họ bị phạt 15.000 đồng nếu không tập thể dục - thể thao sau giờ làm việc buổi chiều. Dưới góc độ pháp luật, ông có quan điểm thế nào về việc này?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Việc nhân viên không tập thể dục thể thao cuối giờ chiều mà quy định xử phạt thì không có quy định ở đâu như vậy cả.
Mặc dù, phong trào tập thể dục thể thao là tốt cho sức khỏe mọi người, cho cán bộ công nhân viên nhưng anh không thể áp dụng hình thức phạt bằng bất cứ một hình thức phạt nào bằng tiền được. Việc này chỉ có thể điều chỉnh bằng thi đua, chứ không có bất kỳ văn bản nào của nhà nước hoặc điều chỉnh bằng Luật lao động cho phép áp dụng việc xử phạt này.
Ở đây, đơn vị trên không có quyền phạt nhân viên không tập thể dục, thể thao. Hơn nữa, việc tập thể dục thể thao là việc người ta tự giác tham gia hay phong trào thi đua của cơ quan đơn vị cũng vậy.
Nếu họ không tham gia, anh chỉ có thể trừ vào chỉ tiêu thi đua. Còn việc giám đốc, thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu đơn vị xử phạt việc không tập thể dục là vô luật!
|
Bảng nội quy quy định nhân viên phải tập thể dục khi hết giờ làm việc. (Ảnh:VnExpress) |
- Giải thích cho việc xử phạt này đại diện tỉnh Thái Bình cho biết, việc xử phạt được các công đoàn viên thống nhất và thực hiện theo quy chế của cơ quan. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Việc các đoàn viên công đoàn thỏa thuận, cam kết với nhau để thực hiện thì quy chế này cũng trái pháp luật. Kể cả có quy định như vậy thì đây cũng là một quy định trái pháp luật và vô hiệu.
Sở dĩ cam kết trên là trái quy định của pháp luật vì tất cả các thỏa thuận hoặc cam kết của tổ chức hoặc cá nhân, mặc dù được Luật Dân sự tôn trọng, tuy nhiên phải không được trái pháp luật.
- Thưa Luật sư, không chỉ có quy định xử phạt người không tập thể dục ở Thái Bình. Thời gian gần đây, một số đơn vị “đua nhau” ra những văn bản không đúng pháp luật quy định như việc cấm giáo viên comment, like trên mạng xã hội. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Việc cấm comment, like trên facebook là không đúng và chỉ có thể cấm comment trái pháp luật chứ không thể cấm người ta bình luận về vấn đề A, vấn đề B được.
Còn về nguyên nhân của tình trạng trên là do các cơ quan đó thiếu một phòng pháp chế (nếu cơ quan lớn thì bộ phận pháp chế ở đó kém hiểu biết về pháp luật) hoặc không có phòng pháp chế, hoặc người đứng đầu cơ quan đó hiểu biết về pháp luật không đầy đủ cho nên mới dẫn đến tình trạng ra những cái quy định nó cá biệt như vậy, không đúng với quy định của luật pháp.
- Thời gian qua, một giáo viên khi bình luận về một chủ tịch tịch đã bị xử phạt 5 triệu đồng. Vậy, việc một cơ quan quản lý nhà nước ra văn bản sai trái có nên áp dụng hình thức xử lý cán bộ như thế nào?
Nếu ở một số cơ quan lớn như thể cơ quan Bộ thì sẽ có các bộ phận thẩm tra những văn bản quy phạm pháp luật, như Bộ Tư pháp “thổi còi”.
Còn những việc nhỏ như vậy, cơ quan chủ quản người ta sẽ có ý kiến, nếu những cán bộ công nhân đó thắc mắc, không đồng tình thì có thể làm đơn, kiến nghị gửi đến cơ quan chủ quan để yêu cầu bãi bỏ những văn bản trái pháp luật.
- Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi!
Theo Infonet