Nhiều chính sách “sát sườn” có hiệu lực từ ngày 1/8

Gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư bị phạt 60 triệu đồng, người nước ngoài được mang ô tô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch…

Từ ngày 1/8, một số chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân sẽ có hiệu lực như gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư bị phạt 60 triệu đồng, người nước ngoài được mang ô tô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch…

Lãng phí phạt 60 triệu đồng

Nghị định số 58 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/8, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn (minh họa: Ngọc Diệp)


Theo Nghị định 58, với hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành, sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành cũng bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Nghị định 58 cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật.

Với hành vi sử dụng xăng, dầu, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế. Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ô tô nhà ở lưu động được phép đưa vào Việt Nam du lịch

Nghị định số 57 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/8, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152, ban hành năm 2013 quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Ô tô nhà ở của nước ngoài sẽ được vào Việt Nam du lịch


Theo Nghị định 152, một trong các điều kiện đối với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam là xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống và xe mô tô. Tại Nghị định 57, điều kiện trên đã được sửa đổi, bổ sung là xe ô tô chở khách có tay lái bên trái từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái và xe mô tô.

Chậm nhất sau 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. Văn bản chấp thuận được gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để phối hợp quản lý. Trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời trong thời gian 3 ngày làm việc và nêu rõ lý do.

Lái tàu làm việc không quá 9 tiếng một ngày

Ngày 5/6 vừa qua, Bộ GTVT ban hành Thông tư 21, quy định thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt. Thông tư này quy định rõ, lái tàu, phụ lái tàu, thời gian làm việc không quá 9 tiếng trong một ngày và không quá 156 tiếng trong một tháng.

Lái tàu làm việc không quá 9 tiếng một ngày


Với trưởng tàu, nhân viên và công nhân đường sắt làm việc trực tiếp trên các đoàn tàu, thời gian làm việc không quá 12 tiếng trong một ngày và không quá 208 tiếng trong một tháng. Trường hợp hành trình chạy tàu dài hơn 12 tiếng thì áp dụng theo chế độ làm việc: thời gian lên ban 8 tiếng, thời gian nghỉ tại chỗ 8 tiếng. Tại các ga đông khách theo quy định thì nhân viên đang nghỉ tại chỗ có trách nhiệm tăng cường đón, tiễn khách.

Công chức phạm luật bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ

Cũng từ ngày 1/8, Nghị định 56 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực. Cán bộ được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có lối sống, tác phong, lề lối làm việc chuẩn mức, lành mạnh; Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan.

(minh họa: Ngọc Diệp)


Cán bộ, công chức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi không thực hiện hoặc vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước bị cấp có thẩm quyền nghiêm khắc phê bình hoặc xử lý kỷ luật theo quy định; Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với công chức, hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Xây dựng khẩn cấp công trình bảo vệ chủ quyền quốc gia

Từ ngày 5/8 tới, Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng sẽ có hiệu lực. Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách gồm công trình nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn sinh mạng cộng đồng; Công trình có yêu cầu triển khai xây dựng ngay để tránh gây thảm họa trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng hoặc để không ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến công trình lân cận.

Thủ tướng cho phép người quyết định đầu tư xây dựng công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm về tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng và được giao thầu.

Theo Quang Phong (Dân Trí)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.