Những phận đời "sợ" Tết

Do dòng đời và số phận đẩy đưa, các cụ phải vào trung tâm bảo trợ xã hội để nương thân.

Do dòng đời và số phận đẩy đưa, các cụ phải vào trung tâm bảo trợ xã hội để nương thân. Tết đến, xuân về, khi mà các gia đình được đoàn tụ thì họ phải ở trung tâm để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm...

Nói chuyện với chúng tôi, những cụ già nơi đây cho biết, họ rất “sợ” Tết. Bởi trong sâu thẳm, những ký ức buồn tủi trong họ lại ùa về.

Những mảnh ghép cuộc sống

Nằm tách bạch với những tòa nhà cao tầng, đằng sau nhiều khu đô thị sang trọng với ánh đèn màu rực rỡ là trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội (Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Nơi đây có lẽ là điểm đến cuối cùng của hàng trăm cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Những cảnh đời khác nhau, mỗi người một số phận nhưng họ đều cảm thấy may mắn khi có chỗ nương thân cuối đời.
 

Cụ Nguyễn Thị Quảng (ngồi giữa) ước mơ trước lúc nhắm mắt được ăn Tết với gia đình (ảnh Thành Long).

Trong tiết trời giá lạnh, tôi đến ngôi nhà chung của các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Tôi theo chân cụ Nguyễn Thị Quảng (88 tuổi) vào dãy nhà mới xây. Mỗi phòng được kê 4 chiếc giường đơn.

Vừa giới thiệu với khách về căn phòng tập thể, cụ Quảng vừa quơ cái chổi quét nhà. Cụ Quảng nói như giải thích: “Ở đây các cụ không phải làm gì. Ngày ba bữa đều có người nấu ăn nên có nhiều thời gian rảnh. Lúc đó chỉ có quét nhà, quét sân, gấp quần áo hoặc cùng nhau kể chuyện ngày xửa ngày xưa cho qua ngày”.

Khi nhắc đến Tết, cụ Quảng liền hỏi tôi rằng: “Hôm nay hăm mấy rồi cháu nhỉ?”. Đã 13 năm sống và ăn Tết tại trung tâm, nhưng chưa bao giờ cụ mong Tết cảá. Cụ bảo: “Ngày còn nhỏ, tôi chỉ mong đến Tết để cả nhà được một bữa no. Còn bây giờ thì...”. Nói đến đây, giọng cụ như nghẹn lại, đôi mắt nhòe đi....

Được biết, nhà cụ Quảng đông anh chị em nên bị cái đói, cái khổ bám riết lấy. Năm cụ Quảng mới lên 10 tuổi đã theo gia đình rời Thái Bình ra Hà Nội kiếm sống. Cả gia đình 6 người gồm bố mẹ và 4 chị em thuê một phòng trọ rẻ tiền gần khu vực cầu Chương Dương để làm thuê, làm mướn.

Cụ Quảng kể: “Tôi già rồi. Mặc dù nhiều chuyện đã quên nhưng ký ức tuổi thơ thì không bao giờ phai nhạt. Ngày đó, năm hết Tết đến, gia đình tôi không về quê mà ở lại ăn Tết vì đi lại ngày ấy khó khăn và tốn kém lắm. Như bao đứa trẻ con nhà nghèo khác, tôi chỉ mơ ước được bố mẹ mua cho một cái áo nâu để khoe với bạn bè. Khi mua áo về, bố mẹ thường ngâm áo xuống bùn rồi giặt nước ao để áo bền hơn. Hàng ngày, chị em tôi mặc áo cánh nâu cũ rách bươm phải vá chằng vá chịt”.

Cụ Quảng vừa nói, vừa khẽ xoa tay vào tấm áo len đang mặc. Trong lời kể của cụ, tôi tìm thấy sự hân hoan, nét bồi hồi xen lẫn niềm khắc khoải. Ngày Tết, gia đình cụ cũng chỉ hơn ngày thường một chút là có miếng bánh chưng, có thịt. Cả gia đình cùng nói cười vui vẻ. “Chị em tôi ai nấy mặt mày rạng rỡ tranh nhau gắp thịt. Đến khi bố mẹ tôi gắp thì đĩa thịt chẳng còn miếng nào ngon nữa”, cụ Quảng nhớ lại.

Trong lời kể đứt quãng, cụ Quảng cho biết, không bao lâu sau, bố mẹ cụ lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Ngày bố mẹ nhắm mắt, cụ mới ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Thế rồi cụ Quảng phải một mình vừa làm cha, làm mẹ nuôi dạy các em. Cụ tự hứa rằng, sẽ thay bố mẹ chăm sóc các em khôn lớn trưởng thành, yên bề gia thất rồi mới nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình.

Cụ vất vả sớm khuya làm thuê làm mướn nuôi các em, rồi lại lần lượt xây dựng gia đình cho họ. Ước nguyện cuối đời của bố mẹ đã hoàn thành, người chị cả lúc này mới nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình thì đã quá lứa lỡ thì. Nhìn những người bạn đồng trang lứa đều đã có gia đình riêng, cụ Quảng đành ngậm ngùi ở vậy đến già.

Sau này, cụ Quảng không ở với người em nào mà sống trong sự cô đơn, buồn tẻ. Trong thâm tâm cụ khao khát cháy bỏng một gia đình nhỏ, đầy ắp tiếng nói cười của trẻ thơ. Nhưng mơ ước đó, cụ đã mãi mãi không thể với tới. Khi các em của cụ lần lượt qua đời, cụ xin vào trung tâm này để sống nốt quãng đời còn lại.

Tết đầm ấm chỉ còn trong hoài niệm
 
Câu chuyện của cụ Nguyễn Văn Huy (90 tuổi) lại là mảnh đời khác. Cụ Huy quê gốc ở một xã nghèo thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Từ nhỏ, cụ đã sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người thân, họ hàng chỉ cưu mang cụ được một thời gian ngắn. 10 tuổi, cụ đã phải đi ở cho một gia đình giàu có trong vùng.
 

Hai cụ già neo đơn tết tóc cho nhau chuẩn bị đón Tết (Ảnh Thành Long).

Cụ Huy chia sẻ: “Năm lên 10, mùa đông giá rét, tôi không có lấy một manh áo lành. Để bớt khổ, người thân của tôi đã xin cho tôi đi ở cho một gia đình giàu có. Đến tuổi trưởng thành, tôi đi thanh niên xung phong rồi quen và lấy người con gái ở Sóc Sơn (Hà Nội)”.

Ở cái tuổi xưa thượng thọ, nhưng cụ Huy vẫn còn minh mẫn lắm. Cụ bảo, giá như tôi bị “mất trí” thì hay hơn. Nói đến đây, cụ chỉ chực khóc. Bởi cụ cũng từng có một gia đình hạnh phúc và hai đứa con ngoan ngoãn. Khi các con cụ Huy đang tuổi ăn tuổi lớn, bỗng tai họa ập đến. Chúng lần lượt bỏ vợ chồng cụ mà ra đi.

Tính đến nay, cụ Huy mới vào trung tâm này được 5 năm và chuẩn bị đón cái Tết thứ 5 tại đây. Nhưng đã từ lâu cụ không còn mong chờ Tết nữa bởi ký ức về một gia đình đầm ấm cùng đón Tết chỉ còn trong quá khứ. Nhìn những ông bà đón Tết cùng con cháu mà cụ ứa nước mắt. Cụ thèm khát có một gia đình trọn vẹn dù chỉ một lần trước khi nhắm mắt.

Trong rất nhiều những mảnh đời bất hạnh nơi đây, trường hợp cụ Bạch Quang Ngọc (81 tuổi), trai phố cổ chính gốc lại là câu chuyện buồn về con cái. Kể từ ngày cụ vào ở trung tâm đến nay, cả con trai và con gái chưa một lần đến thăm nom hay gọi điện. Cụ Ngọc vốn sinh ra ở phố Hàng Cân (Hà Nội) sầm uất, nhưng mới sinh đã mồ côi mẹ. Bố đi thêm bước nữa, cụ phải chịu thiệt thòi về tình cảm khi sống cùng mẹ kế. Thế nên khi lập gia đình, cụ rất nuông chiều con, mong chúng không khổ và thiếu thốn như mình.

Người con trai đầu của cụ vì ham chơi đã phải bán căn nhà duy nhất của gia đình để trả nợ. Tưởng tuổi già được an nhàn, ai ngờ cụ phải ra đường. Cụ chia sẻ: “Cuộc đời không ai học được chữ ngờ. Tôi sẽ sống phần đời còn lại ở đây”.
 

Để các cụ đón Tết như ở gia đình

Trao đổi với PV, Giám đốc trung tâm Bảo trợ xã hội III, Hoàng Anh Đức cho biết: “Ngoài việc chuẩn bị về vật chất đầy đủ thì tinh thần cũng rất quan trọng. Tại đây, các cụ được đón Tết như ở gia đình. Trung tâm tổ chức tặng quà, đón giao thừa, lo Tết cho các cụ thật đầy đủ. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt công tác y tế, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết”.

 
Theo Vũ Phương – Thành Long (Nguoiduatin.vn)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.