Nộp phạt tại chỗ cho CSGT: Lo ngại nảy sinh tình trạng “làm luật”

Cảnh sát giao thông được trực tiếp thu tiền từ người vi phạm với mức tiền được thu cao hơn trước. Nhiều người lo ngại quy định này làm nảy sinh nhiều tiêu cực.

Cảnh sát giao thông được trực tiếp thu tiền từ người vi phạm với mức tiền được thu cao hơn trước. Nhiều người lo ngại quy định này làm nảy sinh nhiều tiêu cực.
 

Bộ Công an đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, theo đó sẽ tăng mức tiền xử phạt tại chỗ cho Cảnh sát giao thông (CSGT) và người có thẩm quyền lên trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức.

PV ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia pháp luật về dự thảo này:
 
 
CSGT xử lý một người vi phạm luật giao thông.

TS. Phùng Trung Tập, Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Hà Nội: Lo ngại thiếu minh bạch

Việc cho phép CSGT trực tiếp thu tiền phạt có tác dụng là giảm thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nộp phạt. Tuy nhiên, theo tôi cách làm như thế cũng có nhược điểm. Theo Điều lệ của ngành công an, CSGT có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phân luồng giao thông, phát hiện vi phạm giao thông… chứ không có công việc là thu tiền của người vi phạm. Như vậy, việc làm này sẽ gây khó khăn trong việc giám sát sự minh bạch.

Nếu như cách làm truyền thống, người vi phạm cầm biên bản xử phạt, quyết định xử phạt đến kho bạc để nộp tiền thì cán bộ kho bạc sẽ là người làm chứng. Như thế sẽ chuẩn về nguyên tắc thu, chi tài chính. Rất có thể có những hành vi vi phạm luật giao thông mà người dân “dấm dúi” đưa tiền cho cảnh sát giao thông để hành vi đó được lờ đi, bỏ ra ngoài biên lai thu tiền phạt. Trước đây đã xảy ra tình trạng này, nay lại tăng mức giới hạn tiền được xử phạt tại chỗ lên thì tình trạng “ngoài luồng” sẽ càng thêm trầm trọng.

 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Nếu dân không đồng tình thì chúng tôi sẽ không thu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an: "Nếu dân không đồng tình thì chúng tôi sẽ không thu"

Ông Nguyễn Văn Tuyên, trả lời báo điện tử Dân trí đã cho rằng đang có những cách hiểu không đúng về dự thảo Thông tư này. Ông Tuyên đưa ra ví dụ: “Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường, có quyền bắt lỗi vi phạm giao thông trực tiếp và ra quyết định xử phạt tại chỗ, thu tiền ở mức 500.000 đồng, thẩm quyền của họ đến đâu thì họ có quyền phạt đến đó chứ không phải là số tiền dăm ba triệu bị phạt đều nộp cho CSGT”.

Ông Tuyên khẳng định: “Với việc nộp phạt vi phạm này người dân có hai lựa chọn là nộp về kho bạc hoặc nộp trực tiếp cho CSGT, tức là nếu không muốn nộp cho CSGT thì người dân có thể mang tiền đến kho bạc nộp như bình thường. Quy định việc này là nhằm giảm các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đỡ phải đi lại nhiều, vì dân là chính chứ không phải tạo điều kiện gì cho CSGT. Thậm chí, nếu quy định được thông qua còn là tạo thêm việc cho CSGT, CSGT thu tiền phạt rồi hàng tuần lại phải mang đến kho bạc nộp còn phiền hà hơn nhiều. Chúng tôi mong nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nhưng nếu nhân dân không đồng tình thì chúng tôi sẽ không thu, không thực hiện.

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy Ban Pháp luật Quốc hội: Có nhiều cách khác để đơn giản hóa thủ tục nộp phạt cho người dân

Việc CSGT thu tiền nộp phạt tại chỗ cũng là một cách giúp người dân đỡ mất thời gian đi lại để nộp phạt thôi. Tôi ủng hộ dự thảo Thông tư này vì dự thảo Thông tư cũng đưa ra một số giới hạn nhất định. Tức là, chỉ ở nơi vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, hoặc vi phạm xảy ra ngoài giờ hành chính, người dân muốn lựa chọn cách nộp phạt trực tiếp cho CSGT thì mới áp dụng phạt trực tiếp. Ngoài các trường hợp trên, người dân vẫn có thể đến kho bạc nộp phạt như trước đây.

Ngoài ra, theo tôi  có nhiều cách rất hiệu quả để giúp người dân giảm bớt thời gian trong khi nộp tiền vi phạm. Ví dụ: Bố trí cán bộ làm việc ngoài giờ hành chính để những người đi làm trong giờ hành chính vẫn nộp phạt được. Hoặc, như khi tôi đi công tác ở Anh, tôi thấy cảnh sát họ phát hiện vi phạm thông qua camera, gửi thông báo nộp phạt đến người dân qua thư điện tử, như thế sẽ không có sự làm việc trực tiếp giữa cảnh sát và người vi phạm nên sẽ không xảy ra tiêu cực. Sau đó, người vi phạm nào nộp phạt sớm sẽ được giảm một nửa số tiền phạt. Vì thế, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân rất cao, sau đó nếu ai đã trót vi phạm rồi cũng có ý thức đi nộp phạt cho nhanh để tiết kiệm tiền.

Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

(Trích dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt)


Theo Phương Phương (Đời Sống & Pháp Luật)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.