15 giờ ngày 13-7, chúng tôi theo tuyến xe buýt 26 (Bến Thành – Bến xe Miền Đông) do tài xế Trần Văn Tiếng điều khiển, chứng kiến cảnh phải “vận động hết mọi giác quan” để làm việc của anh, chúng tôi không khỏi cảm thông. Xe vừa lăn bánh ở trạm Sài Gòn thì có khách đứng đón ở trạm Hàm Nghi, chỉ tay vào làn đường trước mặt, anh Tiếng thở dài: “Tấp vô phải sát lề 0,25 cm, xe cộ thoáng thì không sao chứ có nhiều đoạn, tài xế chúng tôi khó lòng không phạm luật. Chưa kể vừa chạy xe vừa giữ cho đúng tuyến, vừa tranh thủ về bến kịp giờ nên đầu óc lúc nào cũng căng thẳng”. Anh Tiếng thở dài: “Cái khó của tài xế chúng tôi là những trạm bị chiếm dụng, thậm chí taxi đậu chen vào phần đường dành cho xe buýt đón khách khiến xe không thể tấp vào đúng quy định”. 17 giờ cùng ngày, chúng tôi lên xe tuyến 53 (ĐH Quốc gia - Lê Hồng Phong) do tài xế Trần Văn Sơn điều khiển. Vẻ mặt căng thẳng sau khi hoàn thành chuyến cách đó 10 phút, anh Sơn uống vội hớp nước rồi nhảy tót lên xe chuẩn bị cho chuyến tiếp theo. “Áp lực lớn nhất của tài xế xe buýt là áp lực tuyến và giao thông. Chạy xe luôn căng thẳng từ sáng đến tận tối, chủ yếu để quan sát, lèo lái. Khổ nhất là lúc kẹt xe, nếu kẹt rồi thì không ai không vi phạm luật, nhiều khi biết là phạm luật nhưng đứng một chỗ đợi thì vừa chịu chi phí xăng dầu vừa phải mất chuyến xe sau”. Cũng theo anh Sơn, những chuyến xe này đã được quy định rõ nếu trễ hơn 45 phút coi như bị hủy chuyến, đồng nghĩa với việc không được trợ giá nên khả năng lỗ là rất lớn. Ngồi trên xe, tuy không cầm vô lăng nhưng chính chúng tôi cũng căng thẳng không kém. Càng về tối, đường càng đông. Đến đoạn cầu Thủ Thiêm, cơn mưa lớn lúc chiều khiến nước ngập ở ngay chân cầu, người và xe chen kín. “Gian nan bắt đầu rồi”- anh Sơn thốt lên. Hơn nửa giờ “bơi” qua thật chậm và len lỏi giữa rừng xe máy, xe chúng tôi mới thoát qua được một đoạn đường ngắn. Dù trời mưa nhưng mồ hôi lăn dài trên vầng trán anh Sơn. Giang Phương |