Vì sao hiếp dâm trẻ em ít bị án tử hình?

Hiếp dâm trẻ em là loại hình tội phạm mà ngay cả tội phạm chuyên nghiệp cũng coi đó là hành vi không thể tha thứ được. Tuy nhiên, trên thực tế, có những vụ án hiếp dâm mà hung thủ không phải nhận hình phạt cao nhất là tử hình. Có nên nhân đạo với đối tượng này hay không?

Hiếp dâm trẻ em là loại hình tội phạm mà ngay cả tội phạm chuyên nghiệp cũng coi đó là hành vi không thể tha thứ được. Tuy nhiên, trên thực tế, có những vụ án hiếp dâm mà hung thủ không phải nhận hình phạt cao nhất là tử hình. Có nên nhân đạo với đối tượng này hay không?


 

 Lê Minh Vương (giữa) cùng các đồng phạm tại tòa ngày 30/5/2012.

Những bản án nhẹ nhàng cho yêu râu xanh hiếp dâm trẻ em

Chiều 2/8, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Văn Hồng (SN 1962, trú tại thôn 4, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) 16 năm tù giam về tội “hiếp dâm trẻ em”.
Theo cáo trạng, vào khoảng 8 giờ ngày 14/1/2012, sau khi đi uống rượu về, Lê Văn Hồng đi bộ tới nhà anh Nguyễn Văn Khớ (thôn 4, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) chơi, thấy cháu N.T.V.K. (SN 2003) đang ở đó, Hồng rủ cháu K. sang nhà cũ của anh Khớ (cách đó 25m). Tại đây, Hồng đã khống chế cháu K. để thực hiện hành vi thú tính. Sau đó Hồng đưa cháu K. 42.000 đồng và dặn không được nói cho ai.

Tiếp đó, đi về nhà cháu K., Hồng tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với em gái (song sinh) với cháu K. là N.T.V.Kh. (SN 2003). Chiều cùng ngày, chị Nguyễn Thị Phú (mẹ của hai cháu K. và Kh.) đi làm về, nghe hai con kể chuyện bị Hồng hiếp dâm, chị Phú làm đơn tố cáo Hồng tới cơ quan chức năng.

Ngày 30/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử Lê Minh Vương (SN 1984, trú ở đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng đồng bọn phạm tội hiếp dâm trẻ em. Cùng với Lê Minh Vương, Nguyễn Văn Tuyển (SN 1983, trú tại thôn Trung Thịnh, xã Trường Thịnh, Ứng Hoà, Hà Nội) cũng bị truy tố cùng lúc theo hai tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Cướp tài sản”.

Tối 15/6/2011, ba đối tượng đi xe taxi của Tuyển chơi. Khi đến trước cửa số nhà 57 phố Đinh Tiên Hoàng, bọn chúng nhìn thấy Hoàng Thị Hiếu (SN 1996), trú ở Bắc Cạn đang giằng co chiếc túi xách với Nguyễn Thị Mây (cùng SN 1996), trú ở Thanh Hoá nên đã “mời” 2 cô bé lên ô tô để giải quyết. Thấy Hiếu, Mây xinh xắn, Vương và Tuyển định đưa hai cô bé cùng “lang thang”.

Đến khu vực xã Bình Đà, huyện Thanh Oai, Vương và Tuyển đã lần lượt cưỡng hiếp hai bé gái ngay trên xe ô tô. Thực hiện xong hành vi thú tính, Tuyển tiếp tục lái xe về hướng Phú Xuyên. Tại một hồ nước thuộc xã Phượng Dực, Vương cùng đồng bọn bỏ mặc các nạn nhân tại đây. Sau khi bị hãm hại và bỏ mặc giữa đêm khuya, Mây đã tìm được đường trở về Thanh Hoá. Riêng Hiếu thì bị thương nặng ở vùng sinh dục không thể đi lại và nhờ may mắn nên được người dân cứu giúp.


 

 Các bị cáo trong vụ án hiếp dâm trẻ em được đưa ra xét xử. Ảnh: Minh họa


Trước khi bỏ đi, Vương cùng đồng bọn còn cướp đi tiền và ĐTDĐ của Mây và Hiếu. Biết không trốn thoát, các đối tượng sau đó ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Quá trình điều tra, cơ quan công an còn làm rõ Lê Minh Vương có HIV…

Căn cứ vào tài liệu điều tra và lời khai tại phiên toà, HĐXX đã tuyên phạt Lê Minh Vương 20 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, 4 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt là 24 năm tù giam. Cùng phạm hai tội danh như đồng bọn, Nguyễn Văn Tuyển bị xử phạt 22 năm tù. Liên quan đến vụ án, Nghiêm Bá Anh (SN 1983, trú ở xã Hoa Sơn, cùng huyện Ứng Hoà) bị cáo buộc phạm tội “Cướp tài sản” bị xử phạt 3 năm tù.

Ngày 13/7, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử Lê Bá Nghĩa về tội hiếp dâm trẻ em. “Yêu râu xanh” tên là Lê Bá Nghĩa (SN 1996), trú tại xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá. Khi bị bắt, Nghĩa đang học lớp 10 THPT.

Theo kết quả điều tra, sáng ngày 10/4/2012, Nghĩa đang ở nhà một mình thì cháu H. (SN 2006, hàng xóm của Nghĩa) cùng em gái sang chơi. Lợi dụng lúc người lớn vắng nhà, Nghĩa đã mua kẹo cho hai chị em cháu H. ăn nhằm mục đích quan hệ tình dục với H. Sau khi xúi em gái H. ra ngoài, Nghĩa rủ bé H. lên giường rồi thực hiện hành vi giao cấu. Thoả mãn cơn dục vọng, “yêu râu xanh” không quên dặn bé gái không được kể chuyện cho người lớn nghe.

Khoảng 19 giờ ngày 10/4, trong lúc đang chơi với bố, em gái H. đã đem chuyện mách với người cha. Ngay sau đó, gia đình bé gái đã đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi hiếp dâm của Nghĩa. Kết thúc phiên xử, HĐXX tuyên phạt Lê Bá Nghĩa mức án 6 năm tù giam.

Nên nhân đạo với ai?

Vấn đề là chúng ta cần nhân đạo với ai, đối tượng hiếp dâm hay những nạn nhân?

Theo Điều 71 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm."

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân đều  có thể bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Trong đó hành vi xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục bị coi là tội phạm và bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tùy từng dấu hiệu cụ thể của tội phạm như hành vi, tuổi của người bị hại, tuổi của người thực hiện hành vi,... tội phạm xâm hại tình dục được chia thành các tội danh khác nhau quy định trong Bộ luật Hình sự  tại Điều 111 (Tội Hiếp dâm), Điều 112 (Tội hiếp dâm trẻ em), Điều 113 (Tội cưỡng dâm), Điều 114 (Tội cưỡng dâm trẻ em), Điều 115 (Tội giao cấu với trẻ em), Điều 116 (Tội dâm ô với trẻ em).

 

 Hiếp dâm trẻ em là hành vi khó có thể chấp nhận ở cả góc độ xã hội và luật pháp. Ảnh: Minh họa


Theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật Hình sự về “Tội hiếp dâm trẻ em”: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:  a) Có tổ chức; b) Nhiều người hiếp một người; c) Phạm tội nhiều lần; d) Đối với nhiều người; đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

Điều 112 cũng quy định: Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ mười ba tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em thuộc về khung hình phạt ở trên lại chỉ bị nhận hình phạt khá nhẹ nhàng như nói trên. Có lẽ chính bởi việc “nhẹ tay” với đối tượng phạm tội mà hiện tượng hiếp dâm trẻ em đang gia tăng.

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em năm 2011, cho thấy, cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục, tính trung bình 5 năm gần đây thì mỗi năm có khoảng gần 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong đó, riêng số vụ hiếp dâm trẻ em lên tới 80%. Nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: Hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ dưới 5 tuổi, cha dượng cưỡng hiếp con, thầy giáo xâm hại tình dục học trò nhiều lần…. Đáng lưu ý là, riêng 6 tháng đầu năm nay, số vụ xâm hại tình dục trẻ em đã tăng 5% so với năm ngoái, với 621 vụ bị phát giác và xử lý.

Trong một báo cáo về tội phạm học của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện cảnh sát nhân dân, các chuyên gia tội phạm học đã rút ra kết luận rằng: hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở nhiều nơi còn buông lỏng, chưa kịp thời, nghiêm minh. Pháp luật xử lý người xâm hại nhân thân hiện nay nặng về thuyết phục giáo dục mà thiếu sự trừng trị.

Các chuyên gia tội phạm học cho rằng, ngoài việc cho rằng yếu tố xã hội có vai trò quyết định đến ý thức chấp hành pháp luật của con người, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng vai trò của pháp luật cũng góp phần tạo nên ý thức của con người. Nếu như, luật pháp có những chế tài thật nghiêm khắc và đầy đủ hơn thì ý thức con người sẽ phải cao hơn. Hoặc áp dụng pháp luật công minh, công bằng khách quan, nghiêm khắc cũng sẽ hạn chế, phòng ngừa hành vi phạm tội.

Đành rằng, "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", khi các đối tượng tỏ vẻ ăn năn hối lỗi, thì pháp luật cũng nhân đạo, khoan hồng để các đối tượng có cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, như một chuyên gia phân tích tội phạm học phân tích, khi "ý thức chấp hành tôn trọng pháp luật của thanh niên hiện nay rất yếu, một số thiếu hiểu biết pháp luật. Những hiểu biết này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của con người", việc nghiêm khắc với các đối tượng phạm tội sẽ giúp hạn chế cũng như phòng ngừa hành vi phạm tội.

Theo VnMedia

Bình luận