Một cặp vợ chồng tóc đã nhiều sợi bạc, ngoài việc làm từ thiện, nuôi dưỡng người tàn tật còn có sở thích du ngoạn khắp các vùng bằng xe máy để khám phá vẻ đẹp của đất nước.
|
Hai ông bà Lê Thị Bích Thủy (sinh năm 1955) và ông Nguyễn Thanh Long (sinh năm 1951) ở quận Gò Vấp, TP HCM có niềm đam mê đi "phượt" cùng thanh niên. Bà Thủy cho biết, sau khi lo xong cho 3 người con (2 gái, 1 trai) yên bề gia thất, hai vợ chồng già bắt đầu tìm đến cuộc sống tự do cho riêng mình. Khởi đầu là những chuyến du ngoạn bằng xe máy cùng bạn bè, sau đó gia nhập vào các nhóm bạn trẻ để đồng hành. |
|
Cặp vợ chồng già từng chinh phục các cung đường như Đà Lạt, Tà Hách, Đạ Tẻ, Kon Tum... Một trong những địa điểm mà hai "phượt thủ" nhớ nhất là chuyến đi Thác Ba Tơ - Thác Đứng - Trảng Cỏ, Bù Lạch (Bình Phước). Khi đó trời đã sập tối mà chỉ có 4 người, những con dốc thì cao và trơn trợt nên mấy lần ông Long suýt ngã. "May sao tìm được đường ra và gặp một nhóm bạn trẻ nên cắm lều ngủ cùng. Đêm đến mưa to, gió giật mạnh thổi bay cả lều, mọi người đều ướt lạnh run", bà Thủy bồi hồi kể lại. |
|
Chuyến đi khó khăn nhất là thác Păng Tiêng, Xã Lát, Lạc Dương (Lâm Đồng). Hai vợ chồng ông bà phải trải qua những con dốc hết cao ngất lại đến sâu thẳm, còn đường đất băng rừng lổn ngổn đá hộc. "Cực kỳ khó chạy kể cả với những bạn trẻ thường đi.nhưng rồi chúng tôi đều vượt qua", ông Long tâm sự. |
|
Ông Long chia sẻ, khi vượt qua những đoạn đường khó khăn để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên thì bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Ông cũng thay đổi những suy nghĩ cũ kỹ cho rằng người già chỉ ở nhà quanh quẩn và an nhàn. |
|
Hai ông bà mày mò học chụp ảnh để trên những chuyến đi có thể ghi lại những tấm hình đẹp lưu niệm, chia sẻ cho bạn bè xem. |
|
Có dịp đi cùng, anh Nguyễn Cao Nguyên - trưởng nhóm phượt Sài Gòn cho biết, rất nể phục sức khỏe cũng như tinh thần của hai ông bà. "Dù mệt mỏi mấy cô chú ấy vẫn luôn cố gắng luôn tươi vui", anh Nguyên nói. |
|
Dù chỉ mới đi phượt vài năm gần đây nhưng hơn 25 năm qua hai ông bà đều tham gia các hoạt động từ thiện, không ngại khó khăn để đến tận nơi trao những gói quà nghĩa tình. Hiện nay, cặp vợ chồng già nhận nuôi 7 trường hợp khó khăn. |
|
Điển hình là trường hợp gia đình ông Lê Văn Hải (60 tuổi) biến liệt nằm một chỗ, và một người chị (hơn 60 tuổi) không có khả năng lao động, chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ. Hàng tháng bà Thủy đều đem gạo cùng một số nhu yếu phẩm qua biếu tặng. |
|
Bà chia sẻ, mình giúp được ai thì giúp chứ nhìn họ khổ quá cũng chịu không nổi. Một trường hợp thương tâm khác bà cũng nuôi trọn đời là em Phạm Thị Thanh Thảo (sinh năm 1998). Nhà đi thuê, ba mẹ li dị, trong một lần quẫn trí chuyện tình cảm Thảo nhảy lầu tự vẫn rồi liệt cả người. Hai năm sau đi lại được nhưng thần kinh bất ổn. Mẹ em bị bệnh tim nặng, bà em bị viêm khớp. Hàng ngày cả nhà nhận làm đồ vàng mã với mức thu nhập 300.000/ tháng nên phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con trong xóm quyên góp. |
|
Nhiệt tình trong các hoạt động xã hội những khi về nhà hai ông bà lại có những niềm vui nhỏ khác như chăm sóc vườn cây cảnh. |
|
Ông Long cho biết, vợ thì mê trồng xương rồng, chồng lại thích ngắm hoa lan. Do đó phần lớn thời gian rảnh rỗi hai ông bà đều chăm sóc cho những cây lan quý có dịp tìm được. |
|
Hiện bà Thủy ở cùng con gái và cháu. "Do con gái đi công tác suốt nên bà cũng là mẹ", người phụ nữ 60 tuổi đùa vui. |
|
Bà còn tham gia nhiều hội nhóm khác để vui tuổi già như "phượt Vũng Tàu", "từ thiện chùa Như Lai", "nhạc Du Tình Ca", "Ta hãy cùng chìm đắm trong âm nhạc"... Những lúc không đi phượt, bà Thủy dành thời gian trông coi nhà cửa, chăm lo cho đứa cháu nhỏ Đinh Gia Bình (6 tuổi). |
|
Hai vợ chồng già tiết lộ, sắp tới sẽ có những kế hoạch phượt ra miền Trung, miền Bắc để được ngắm vẻ đẹp của mọi miền đất nước. |