Đam mê phượt “dã chiến” của hai phượt thủ U70

Gần 10 năm nay, hai bác Xuân Anh và bác Hữu Hào đều đã ngoài 70 tuổi trở thành đôi bạn có cùng chung đam mê “xách ba lô lên và đi”. Hai bác rong ruổi khắp các cung đường phượt do mình “tự lập trình” trên chiếc xe wave “cà tàng”.

Gần 10 năm nay, hai bác Xuân Anh và bác Hữu Hào đều đã ngoài 70 tuổi trở thành đôi bạn có cùng chung đam mê “xách ba lô lên và đi”. Hai bác rong ruổi khắp các cung đường phượt do mình “tự lập trình” trên chiếc xe wave “cà tàng”.

Gọi là phượt “dã chiến” bởi mỗi chuyến phượt vừa lâu lại vừa dài, thường là 20 ngày đến cả tháng và quãng đường đi lên tới 2000-3000 cây số.

Còn đam mê thì còn đi

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, trải qua bao phong sương cuộc đời, cứ ngỡ ai nấy đều đã muốn nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng với bác Xuân Anh (76 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và người bạn đồng hành, bác Nguyễn Hữu Hào (78 tuổi, quận 2, TP Hồ Chí Minh) thì “càng già lại càng phải đi” bởi “quỹ thời gian không còn nhiều, có đam mê, còn sức khỏe, có điều kiện thì phải đi, sau này dẫu chân yếu tay mềm, không đi nổi nữa thì cũng không có gì phải hối tiếc”.

Vốn là cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa khóa V, rồi ra trường làm việc tại Viện Hóa học Công nghiệp, công việc đòi hỏi phải đi công tác nhiều nên cái duyên “mê phượt” cũng đến với bác Xuân Anh lúc nào không hay.

Người bạn đồng hành của bác Xuân Anh, bác Hữu Hào từng là cán bộ quy hoạch rừng nên khắp các vùng núi Bắc Bộ, dãy Trường Sơn, khu vực Tây Nguyên... đều từng có dấu chân bác đi qua. Về nghỉ hưu, an dưỡng tuổi già nhưng “chí tang bồng” vẫn chưa thỏa, ước muốn được đi xa, tự mình khám phá văn hóa các vùng miền đã thôi thúc hai bác lên đường.

Hai phượt thủ, một người Nam, một người Bắc đồng hành đã gần 10 năm

Vào những năm 2007, khái niệm “phượt” chưa xuất hiện, đôi bạn già gọi những chuyến đi dài và xa của mình là “đi chơi”. “Đi chơi” khác đi du lịch theo tour ở chỗ tự mình đi bằng xe máy, tự mình lên lịch trình cho mình, muốn đi bao lâu tùy thích, muốn đến đâu, dừng lại ở đâu tùy hứng, không phải lệ thuộc vào đoàn du lịch.

Nhớ lại những chuyến đi đầu tiên, bác Xuân Anh vẫn thuộc lòng những “chấm” mà hai bác đã đi qua: “Chuyến đầu tiên hai bác đi là từ Hà Nội xuống Ninh Bình, qua thành nhà Hồ, lăng nhà Mạc, khu di tích Lam Sơn, suối cá Cẩm Lương rồi trở về rừng quốc gia Cúc Phương. Đi về rồi mới nhận ra: Mình có thể đi xa được.”

Các cung đường được hai phượt thủ vạch ra khá rõ ràng trên tấm bản đồ khổ rộng. Lần giở lại bản đồ của gần 10 chuyến đi, bác Xuân Anh có thể đọc tên từng địa điểm, từng vùng đất bác đã đi qua, mỗi nơi đều lưu giữ những kỉ niệm và ấn tượng riêng.

Tuy là đôi bạn phượt tri kỉ nhưng điều đặc biệt là mỗi năm, hai bác chỉ đi với nhau một chuyến phượt “dã chiến”. Bác Xuân Anh ở Hà Nội, còn bác Hữu Hào lại định cư ở Sài Gòn, cứ độ cuối tháng 9, đầu tháng 10, hai người bạn già lại gặp nhau và thực hiện chuyến phượt độc nhất trong năm của mình. Bác Hữu Hào có sự am hiểu đèo núi, sông hồ sẽ đảm nhiệm vai trò “chỉ huy”, vạch đường đi lối lại của cả hành trình. Còn bác Xuân Anh, tuổi trẻ hơn, lại có sức khỏe tốt hơn sẽ làm xế từ đầu chí cuối chuyến đi. Đôi bạn tương hỗ cho nhau nên gần mười chuyến “phượt” đã được thực hiện một cách suôn sẻ.

Yêu lắm Việt Nam

Mở tấm bản đồ Việt Nam, nhìn đâu bác Xuân Anh cũng thấy những địa danh thân thuộc và gắn bó bởi đó là những vùng đất bác đã đặt chân, đã cảm nhận và đem lòng yêu mến. Có lẽ cũng bởi chuyến đi phượt kéo dài, thời gian lưu lại ở một địa điểm khá lâu nên hai bác không chỉ là khách đến chơi mà còn sống cùng người dân nơi mình đi qua. Bác Xuân Anh quan niệm: “Có đi mới thấy được hết vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên đất nước, mới nhận ra nét văn hóa độc đáo của từng vùng miền, mới thấy Việt Nam mình đẹp vô cùng. Ở nhà, chỉ đọc sách, xem tivi thì tất cả cũng chỉ lướt qua, không đọng lại gì nhiều”.

Hình ảnh ruộng bậc thang Tây Bắc xuất hiện rất nhiều trong nhật kí bằng ảnh của hai bác

Tới các địa danh khác nhau, nơi đầu tiên hai bác tới đó là chợ, đặc biệt là các chợ vùng cao bởi “chợ là nơi văn hóa của con người địa phương thể hiện rõ nhất. Người miền núi đi chợ cũng là đi chơi, đi giao lưu”. Thứ “thuốc mê” khiến hai bác rong ruổi đường trường, vượt đèo lội suối lên các tỉnh miền núi phía Bắc là không gian thanh bình của đồi núi, cái nắng vàng ươm của ruộng bậc thang và tấm lòng thật thà, hồn hậu của người dân tộc.

Chuyến đi dài nhất của hai phượt thủ là vào năm 2009 với chặng đường dài hơn 3000 cây số qua hơn 10 tỉnh miền núi phía Bắc giáp biên giới Việt – Trung. Đi nhiều, yêu cảnh vật và con người nơi ấy, bác Xuân Anh vẫn canh cánh nỗi trăn trở: “Người dân tộc ở đó, họ còn nghèo khó vì thiên nhiên khắc nghiệt quá ...”

Dậy từ 4 rưỡi sáng để tập thể dục

Chia sẻ về kinh nghiệm đi phượt của mình, bác Xuân Anh cho hay: “Điều kiện số một là phải có sức khỏe, sau đó mới tính tới kinh phí và thời gian”. Để có sức khỏe dẻo dai, chịu đựng được những mệt mỏi của cuộc hành trình dài và sự thay đổi thời tiết thất thường, bác Xuân Anh đã rèn luyện thói quen dậy từ 4 rưỡi sáng để đi bộ và tập thể dục tới 7 giờ. Nhịp độ ăn uống, ngủ nghỉ cũng phải điều độ để có sức khỏe tốt.

Ban đầu, khi bác quyết định đi phượt dài ngày, bà xã và các con đều gàn vì “lo nguy hiểm, tuổi già đi lại nhiều, biết đâu mà lần...”. Nhưng nghe bác thuyết phục rằng mình biết sức mình tới đâu, biết khả năng của mình có đi được không và bằng chứng là chuyến đi đầu suôn sẻ nên gia đình cũng dần xuôi theo.

Đi phượt “dã chiến” không chỉ đòi hỏi người đi có niềm đam mê với những cung đường mà còn phải có sức khỏe dẻo dai trong suốt hành trình dài này

Có sức khỏe là một chuyện, trong chuyến đi, vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Bác Xuân Anh thường đi đường núi với tốc độ trung bình 40 đến 50 km/h, làm chủ tốc độ và đi đúng luật giao thông. Nguyên tắc đi đường đèo, đường núi là “luôn luôn phải bám đường bên phải mà đi”. Chuyện tưởng như đơn giản nhưng lại là kinh nghiệm quý báu để có những chuyến phượt an toàn.

Mỗi chuyến phượt “dã chiến” mà hai bác đi thường có chi phí khá “nhẹ nhàng”, trung bình mỗi ngày từ 200 đến 250 nghìn, tổng chi phí dao động từ 7 đến 10 triệu. Điều đặc biệt mà phượt đem lại đó là cảm giác được khám phá, tự tìm hiểu và có thể hòa nhập vào cuộc sống dân dã nơi vùng đất mình đi qua. Dự kiến trong năm nay, hai phượt thủ sẽ tiếp tục hành trình vào vùng đất cuối cùng mình chưa đặt chân: miền Tây Nam Bộ và chinh phục điểm cực nam của Tổ quốc.

Trần Thùy/VietNamNet



Đêm muộn nghe chuông gọi cửa và sự thật đắng lòng về những chuyến công tác dài ngày của chồng
Cửa vừa mở, bất chợt một cô gái trẻ với cái bụng bầu đổ nhào vào lòng chồng tôi khóc rưng rức… Tôi chết lặng khi nghe cô gái lạ nức nở rằng cô lặn lội từ một miền quê nghèo, cách nhà tôi cả mấy trăm cây số để tìm chồng tôi. Lý do là chồng tôi dụ dỗ, hứa hẹn cho cô danh phận, cho cuộc sống sung sướng ở thành phố nên cô mù quáng yêu anh.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.