Vụ án ông Chấn: "Nhân chứng mới" không phải là nhân chứng?

Theo luật sư Thiệp, căn cứ vào luật Tố tụng hình sự thì bà Nguyễn Thị Thu Hà không phải là nhân chứng trong vụ án Lý Nguyễn Chung, vì không có bằng chứng để chứng minh.

Theo luật sư Thiệp, căn cứ vào luật Tố tụng hình sự thì bà Nguyễn Thị Thu Hà không phải là nhân chứng trong vụ án Lý Nguyễn Chung, vì không có bằng chứng để chứng minh.

Không phải là nhân chứng (?)

Phiên toà xét xử Lý Nguyễn Chung bất ngờ “nóng” lại, khi nhân chứng mới là bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1962, trú tại Bắc Giang) bất ngờ trình bày thêm nhiều chi tiết mới liên quan đến vụ án.

Bà Hà khẳng định: "Tôi có căn cứ chứng minh Lý Nguyễn Chung không phải là người phạm tội, ông Chấn mới phạm tội. Tôi muốn được trình bày 14 căn cứ, về 2 chiếc nhẫn, Chung khai cướp là không thể, vì tôi đã giữ 2 chiếc nhẫn này".

Bà Hà cũng đưa ra nhiều thông tin khẳng định bà Thân Thị Hải (người đi kêu oan cho ông Chấn) có liên quan đến việc “chạy án” cho ông Chấn.

Tuy nhiên, khi HĐXX có hỏi bà Hà có ghi cuộc nói chuyện với bà Hải về những thông tin trên hay không thì bà Hà cho biết: “Tôi không ghi âm”.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, căn cứ vào Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự và theo lời khai tại tòa thì rõ ràng, bà Hà không phải là nhân chứng vì không có bằng chứng để chứng minh.

Luật sư Lê Văn Thiệp.
Luật sư Lê Văn Thiệp.

"Nếu có liên quan đến vụ án này thì phải trình báo với cơ quan công an ngay sau khi biết sự việc, đằng này sau hơn 10 năm, bà Hà mới dựng ra câu chuyện này.

Sở dĩ tôi nói như vậy là vì không có bất kỳ chứng cứ nào đủ sức thuyết phục như: Nghe người này kể, người kia kể, bản thân đã cầm cố nhưng không có giấy tờ chứng minh.

Đặc biệt hành vi quả quyết, khẳng định ông Chấn giết chị Hoan thì tôi thực sự thấy lo cho bà Hà vì những phát ngôn thiếu căn cứ nhưng gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tóm lại, những gì bà Hà khai không có căn cứ pháp luật và không đáng tin cậy, chắc chắn khi nhận định, đánh giá chứng cứ thì HĐXX sẽ đưa ra quyết định phù hợp", luật sư Thiệp nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự thì:

"Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, quan hệ giữa họ với những người nêu trên và trả lời những câu hỏi đặt ra.

Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó".

Theo vị luật sư này, việc đánh giá lời khai trên sẽ do Hội đồng xét xử xem xét cùng với các chứng cứ khác trong vụ án, trên cơ sở nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án.

Tuy nhiên, qua thông tin diễn biễn tại phiên tòa, hiện tại, lời khai của bà Hà vẫn chỉ dừng lại ở những lời khai về những gì diễn ra giữa bà và nạn nhân Hoan như việc bà Hoan vay tiền của bà hay giới thiệu cho bà Hoan người đàn ông ở Nam Định…

Còn lại, chưa có bất cứ chứng cứ vật chất cụ thể nào để chứng minh như các tài liệu, giấy tờ liên quan… ngoài lời khai của hai nhân chứng khác về vóc dáng của kẻ giết người.

Lý Nguyễn Chung tại phiên tòa.
Lý Nguyễn Chung tại phiên tòa.

"Lời khai của bà Hà về việc chạy án cũng chỉ là nghe bà Hải nói lại chứ không có căn cứ chứng minh.

Do đó, tại thời điểm hiện tại, những lời khai của bà Nguyễn Thị Thu Hà chưa đủ cơ sở xác định đó là lời khai đúng sự thật và cần phải xem xét toàn diện với các tình tiết khác để xác định tính xác thực của lời khai", luật sư Bình nhấn mạnh.

Nếu bà Hà nói không đúng cần khởi tố để xử lý

Theo luật sư Thiệp, thực chất việc Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đưa bà Hà vào tham gia tố tụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm lần thứ hai là sự kiện hiếm gặp.

Theo quy định thì tòa cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau khi có lời khai của bà Hà thì sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

"Nếu bà Hà nói không có căn cứ, không đúng sự thật, dựng chuyện thì rõ ràng là cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về tội danh thì việc có áp dụng Điều 122 BLHS hay tội danh quy định tại Điều 258 BLHS hay không là việc của các cơ quan tiến hành tố tụng dựa trên hồ sơ vụ án", luật sư Thiệp cho biết.

Còn theo luật sư Bình, trường hợp sau quá trình cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá lời khai của bà Hà không có căn cứ thì cần xem xét cụ thể.

Trường hợp lời khai của bà Hà không đủ căn cứ để chấp nhận thì cần xác định bà Hà biết rõ lời khai là sai sự thật và động cơ, mục đích cung cấp thông tin sai sự thật là như thế nào mới có thể xem xét xử lý về hành vi khai báo gian dối hoặc vu khống.

Trường hợp bà Hà chỉ xác định được thông tin liên quan đến vụ án mà bà được biết và đưa ra căn cứ theo lập luận, suy nghĩ của mình thì không đủ cơ sở để xử lý bà Hà.

Cả 2 luật sư cùng mong muốn, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang tìm ra thủ phạm, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.