Vụ hai vợ chồng gặp nạn tử vong khi chèo thuyền đi làm rẫy: Cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ

Nhớ lại cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ trước cả hai bậc sinh thành gặp nạn tử vong trong lúc trèo thuyền đi làm rẫy, em Nguyễn Lê Minh Nhựt không kìm nén được nỗi đau, nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Nỗi đau khi cùng lúc mất cả cha lẫn mẹ

Vụ tai nạn thương tâm bất ngờ xảy ra đã cướp đi sinh mạng của ông N.V.M. (SN 1965) và vợ là bà L.T.C.H. (SN 1968) trú tại thôn 9, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Sự ra đi đột ngột của các nạn nhân đã để lại nỗi đau, sự mất mát quá lớn cho người thân trong gia đình, đặc biệt là hai người con của vợ chồng ông M.

Cháu Nguyễn Lê Minh T. (SN 2010, con trai thứ 2 của vợ chồng ông M.) cho biết, trưa 7/11, sau khi đi học về, T. không thấy ba mẹ đi làm về như thường lệ. Lo lắng, cháu T. chạy ra hồ Diện (thuộc địa phận thôn 9, xã Ia Rvê) – nơi vợ chồng ông M. chèo thuyền qua để đi làm rẫy, thu hoạch trái cây. Sau khi tìm kiếm nhưng không thấy ai, T. trở về nhà, lo bữa trưa rồi tiếp tục đi học buổi chiều. Trước khi đi học, cháu T. chạy qua nhờ hàng xóm đi tìm ba mẹ giúp.

Vụ hai vợ chồng gặp nạn tử vong khi chèo thuyền đi làm rẫy: Cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ-1
Hiện trường xảy ra vụ đuối nước khiến hai vợ chồng ông M. tử vong.

Nghe vậy, một số người địa phương đã tức tốc chạy ra hồ Diện và rẫy của gia đình ông M. để tìm kiếm, nhưng không thấy ai. Quá trình tìm kiếm, mọi người bất ngờ phát hiện nhiều trái cây nổi trên hồ và có một chiếc thuyền bị lật.

Nghi ngờ đã có việc không lành xảy ra, người dân đã trình báo sự việc cho chính quyền địa phương để hỗ trợ tìm kiếm vợ chồng ông M.. Nói đến đây, em Nguyễn Lê Minh Nhựt (SN 2000, con trai lớn của vợ chồng ông M.) không sao cầm được nước mắt.

Nhựt kể: "Em đi làm ở tỉnh Tiền Giang hơn 2 tháng nay, ít về nhà nên ngày nào mẹ cũng gọi điện thoại hỏi thăm. Sáng 7/11, trước khi đi làm rẫy, mẹ có gọi nhưng em đang bận công việc nên em nói trưa về sẽ gọi lại. Không ai ngờ đó lại là cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ".

Đến trưa, sau khi đi làm về, Nhựt gọi cho mẹ hai cuộc điện thoại nhưng không có tín hiệu trả lời. Lúc đó, em nghĩ rằng ba mẹ làm ở ngoài rẫy mất sóng. Khoảng 15h cùng ngày, một người hàng xóm gọi điện thoại thông báo cho Nhựt rằng, ba mẹ đi làm rẫy nhưng không liên lạc được và mọi người đang tổ chức tìm kiếm.

Vụ hai vợ chồng gặp nạn tử vong khi chèo thuyền đi làm rẫy: Cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ-2
Con trai lớn của vợ chồng ông M. quặn lòng trước nỗi đau mất cả ba lẫn mẹ.

Bất an, Nhựt tức tốc bắt xe đò từ tỉnh Tiền Giang về huyện Ea Súp. Trong lúc đang trên đường về, khoảng 16h30' cùng ngày, Nhựt nhận được hung tin, lực lượng chức năng và người dân đã tìm thấy thi thể của mẹ cách bờ hồ Diện khoảng 25m, nhưng không thấy ba đâu.

"Tin dữ ập đến bất ngờ khiến em bị sốc, cảm giác không thể đứng vững. Lúc đó, em đã cầu mong ba còn sống và đang ở nơi nào đó. Thế nhưng, chỉ hơn 1 tiếng sau, em tiếp tục nhận được điện thoại của mọi người thông báo đã tìm được thi thể của ba, cách vị trí tìm thấy mẹ khoảng 5m. Lúc đó, em vẫn không dám tin vào sự thật. Sau một đêm dài trên xe đò, em trở về ngôi nhà nhỏ của gia đình. Thời điểm này, có rất nhiều người tập trung trong nhà, riêng bố mẹ nằm trên giường nhưng em gọi mãi mà không thấy ai trả lời", Nhựt tâm sự.

Không chịu nổi cú sốc mất đi cả ba lẫn mẹ cùng một lúc, Nhựt và em trai của mình suy sụp và chỉ biết gào khóc nức nở. Sự ra đi của vợ chồng ông M. đã để lại khoảng trống quá lớn cho hai anh em của Nhựt, nỗi đau không có gì bù đắp được.

Gia cảnh ngặt nghèo

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, vợ chồng ông M. quê gốc ở tỉnh Bến Tre. Năm 2002, gia đình ông cùng nhiều người dân khác tại Bến Tre đã di cư lên xã Ia Rvê theo diện kinh tế mới. 

Thời điểm đó, con trai đầu của họ chỉ mới 2 tuổi. Tại vùng đất này, gia đình ông được cấp hơn 1ha đất sản xuất và đất làm nhà ở.

Cuộc sống tại vùng đất đầy nắng gió không hề dễ dàng. Vợ chồng ông M. phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thiếu thốn. Hàng ngày, họ cặm cụi làm nương rẫy, "bán lưng cho đất, bán mặt cho trời" nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.

Vụ hai vợ chồng gặp nạn tử vong khi chèo thuyền đi làm rẫy: Cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ-3
Người dân và các cán bộ xã hỗ trợ tổ chức mai táng cho hai nạn nhân.

Em Nhựt chia sẻ: "Trên diện tích đất nhà nước cấp, ba mẹ chăm chỉ lao động, trồng nhiều loại trái cây như ổi, xoài, bưởi. Tuy nhiên, năng suất thấp, giá cả bấp bênh và sức tiêu thụ chậm khiến mỗi năm gia đình chỉ thu được khoảng 40 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp không đủ trang trải cho cuộc sống, nên hơn 20 năm qua, gia đình vẫn không thể thoát nghèo. Cả nhà sống trong căn nhà tôn lụp xụp".

Thương cha mẹ vất vả, Nhựt đã chăm chỉ làm thuê đủ thứ việc nặng nhọc, với hy vọng tích góp tiền để xây dựng cho gia đình một căn nhà nhỏ. "Khi còn sống, mẹ luôn ước có thể xây được một căn nhà có chỗ chui ra chui vào. Vậy mà, điều ước đó chưa thành hiện thực thì mẹ và ba đã ra đi mãi mãi", em Nhựt nói trong nước mắt.

Vụ hai vợ chồng gặp nạn tử vong khi chèo thuyền đi làm rẫy: Cuộc điện thoại cuối cùng của mẹ-4
Gia đình nạn nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Anh Trần Phi Trường (một người dân trú tại Tp.Buôn Ma Thuột), không khỏi nghẹn ngào khi nhắc đến gia cảnh của vợ chồng ông M.. Anh chia sẻ: "Chiều 7/11, sau khi biết tin về vụ tai nạn qua mạng xã hội, tôi đã liên hệ xin được 2 chiếc quan tài để lo mai táng cho các nạn nhân. Đồng thời, nhờ sự đóng góp của các mạnh thường quân, hỗ trợ gia đình thêm 6 triệu đồng tiền mặt. Khi vượt hơn 100km vào đến nhà ông M., tôi không cầm được nước mắt trước hoàn cảnh quá khó khăn của họ. Vụ tai nạn không chỉ cướp đi tính mạng của các nạn nhân mà còn để lại sự mất mát, nỗi đau lớn cho hai con của vợ chồng ông M.".

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho 2 nạn nhân. 

"Do người con thứ 2 của vợ chồng ông M. dưới 16 tuổi nên sau khi việc mai táng hoàn tất, xã sẽ làm các thủ tục đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ cho cháu bé này theo quy định tại Nghị định 20 ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ", ông Vinh cho hay.

Theo Nguoiduatin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.nguoiduatin.vn/vu-hai-vo-chong-gap-nan-tu-khi-cheo-thuyen-di-lam-ray-cuoc-dien-thoai-cuoi-cung-cua-me-204241109180044589.htm

tai nạn

Đắk Lắk


Trẻ đu vào hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong những ngày cuối tuần, bảo tàng đã đón lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Số lượng du khách đổ về quá đông phần nào khiến bảo tàng bị quá tải dẫn đến nhiều hình ảnh không đẹp về văn hóa ứng xử nơi công cộng tràn lan trên mạng xã hội.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.