"Thượng đẳng" bikini

Trong giới thời trang người ta hay nói đùa, nhưng cũng là thách thức. Viết về bikini là khó nhất! Bởi những lý do: Thứ nhất, bikini "nhỏ" quá, tìm chỗ để viết cũng khó khăn; thứ hai, bikini tuy cũng theo mùa, nhưng trong đầu người viết lúc nào cũng muốn gắn vào hai chữ "bốc lửa" và con tim thì ngập tràn "cảm xúc"; thứ ba, lịch sử bikini có nhiều mờ tỏ và thường được xem là...

Từ thiếu bikini

Câu chuyện "thiếu" bikini thuộc hàng kinh điển, xảy ra ở xứ Lĩnh Nam ngày xưa (trong bộ Lĩnh Nam chích quái) với truyện Nhất dạ trạch (Đầm một đêm), kể về cuộc phiêu du và tắm tiên của công chúa Tiên Dung. Nàng bắt gặp Chử Đồng Tử, vì "thiếu" bikini nên phải vùi mình xuống cát, cạnh bờ sông, đương nhiên, cạnh chỗ Tiên Dung tắm. Nước chảy cát trôi, tự nhiên lộ Chử Đồng Tử ra, mặt mày hốt hoảng, nhưng Tiên Dung đã nói một câu thuộc hàng tiên phong cho tinh thần "nữ quyền" thời bấy giờ: "Đây do trời chắp nối, sao lại chối từ?".

Câu chuyện này rồi đi tới đâu, gần như người Việt nào cũng biết, bởi người ta thích cái giấc mơ của anh chàng ăn xin bên sông, thích sự lãng mạn phóng khoáng của nàng công chúa sắc nước hương trời. Tuy nhiên, câu chuyện cũng nói lên một thực tế, đó là chuyện "thiếu" bikini. Bởi Chử Đồng Tử và Tiên Dung, nếu cả hai cùng mặc bikini, tắm bên bờ sông, thì thời bấy giờ và đời sau sẽ không ca ngợi câu chuyện này đến vậy. Thậm chí còn bị chê là ngông cuồng, lộ liễu, mất thuần phong mỹ tục. Và vấn đề mang tính xã hội trong câu chuyện Nhất dạ trạch vẫn là ở chuyện kẻ nghèo người giàu, người không có khố mặc, người thì vây màn khắp bờ sông để tắm tiên phía trong. (Một tấm màn may được bao nhiêu cái bikini?). Với thế gian, chuyện này chưa bao giờ và có vẻ như không bao giờ dứt, kể từ ngày có tư hữu, bầy đàn của loài người đã phân rã vì mâu thuẫn này.

(Ảnh minh họa)

Cuộc sống thời nay cũng thế, bikini là chuyện nhỏ, vì nó chỉ có tính tượng trưng, hay là đồ nội y vốn bị xem nhẹ với nhiều người. Nhưng thực chất trong đời sống, nhiều người, nhiều bộ tộc vẫn còn chưa biết, chưa có và thiếu trầm trọng, lấy gì mà "xem nhẹ". Khi đã thiếu, thì khoan hãy bàn tới chuyện đẹp, chuyện thời trang và phong cách, nhãn hiệu thời thượng.

Đến thừa bikini

Câu chuyện cũng thuộc hàng kinh điển trong việc thừa bikini, xảy ra với một giáo sĩ đi truyền đạo. Một ngày kia, vị giáo sĩ nọ đến một vùng đến còn hoang sơ, người dân ở đây một trăm phần trăm không mặc bikini và áo quần. Vị giáo sĩ kia bị sốc, vì không biết phải bắt đầu công việc cao cả của mình ra sao. Rồi một cô gái người bản xứ tình nguyện theo vị giáo sĩ để thành con chiên của Chúa, là kẻ phụng sự đức tin. Ban đầu cả hai dạy ngôn ngữ cho nhau, sau đó cô gái này thành người truyền tin giữa vị giáo sĩ và cộng đồng, công việc diễn ra khá êm xuôi, nhiều người tin theo.

Tuy nhiên, đến giai đoạn này, cô gái kia vẫn đang ở trong tình trạng khỏa thân hoàn toàn, vì ở đây mọi người đều thế. Vị giáo sĩ thấy như vậy ảnh hưởng đến tôn nghiêm, bèn xé tấm áo choàng duy nhất của mình ra, may cho cô gái một bộ bikini hai mảnh. Cô gái ướm vào thấy thích thú lắm, vì lạ mắt và có vẻ như rất "thời trang" nên chạy đi khoe khắp cả làng. Rồi ngày ngày cô ấy mặc nó đi làm công việc đức tin, nhưng lại không hiệu quả nữa, dân làng tỏ ra e dè, xa lánh cô. Đến một ngày, cô bèn cởi bộ bikini này đem về đưa cho vị giáo sĩ, với tâm sự: "Thưa cha, lúc trước con y như mọi người, ai cũng gần gũi con. Bây giờ con mặc cái này vào, ai cũng nhìn ngó và soi mói con, làm con mất tự nhiên. Thôi, cha cho con trở lại như xưa thì mới mong tiếp tục làm công việc đức tin được". Và quả thật như thế, sau một thời gian, dân làng đã có nhiều người tin theo hơn.

Ngụ ý của câu chuyện với rất nhiều triết lý, kiểu như đức tin thì không cần phải phân biệt chuyện bề ngoài, nhưng nếu nói hết ra đây thì quá dài dòng, khó nghe. Nếu nói dân làng này thừa bikini cũng hơi gượng ép, nhưng nói họ không cần và không biết bikini là gì, thì đúng hơn. Khi cả làng không dùng bikini, không dùng áo quần, chỉ một cái cũng thành thừa, vì cả làng đang "khủng hoảng" thiếu. Cũng kiểu như, khi cả làng Chử Xá, cả đoàn thuyền Tiên Dung đều xiêm y đầy đủ (khủng hoảng thừa), chỉ có một Chử Đồng Tử là thiếu, vậy cũng là thiếu. Đúng là chuyện thừa/thiếu trên thế gian thật khó lường.

Và "thượng đẳng" bikini

Ngày nay, áo quần được ngầm hiểu và được tư duy như là hai bộ phận lấy rốn làm trung tâm. Trên rốn là áo, dưới rốn là quần, nhưng dù đã quan niệm như vậy nhưng vẫn có điều gì đó bất ổn, bởi cuộc "hợp hôn" và "li hôn" giữa một mảnh và hai mảnh đã trở thành câu chuyện dài của gia đình nhà áo quần. Rồi chuyện dài ngắn rộng hẹp, đơn giản phức tạp, một màu nhiều màu... cũng làm áo quần thêm rộn chuyện. Có lúc sự rộn chuyện này được xem là những thiết kế táo bạo, sáng tạo.

Điểm mấu chốt của áo quần, không phải chuyện chưng diện trong tủ kính, mà là mặc lên trên người. Mỗi người chỉ có ba mối "quan hệ" xã hội với áo quần: thiếu, thừa và không có áo quần. Nhưng ngày nay, trong các xã hội công nghiệp, các thành phố, tìm một người không có áo quần, cũng có, nhưng quá khó. Vậy nhưng với những cuộc trình diễn thời trang, rồi bikini, hiếm khi, hoặc chưa bao giờ thấy có cuộc trình diễn nào người mẫu đi một đường, quần áo đi một nẻo.

Nếu quả thật có một cuộc trình diễn như vậy, nhất là trong lĩnh vực bikini thì hẳn thiên hạ sẽ đàm tiếu đến không ngủ được. Còn một bộ phận nhỏ trong giới thiết kế, những nhà cách tân tư tưởng, nghệ thuật, sẽ cho đây là "thượng đẳng" của bikini. Vì chính lúc ấy, người mẫu mới là người mẫu và bikini mới là bikini. Nếu xét về mặt thể hiện, không ai lệ thuộc ai. Và sự sáng tạo đã đạt đến mức "thượng thừa", khi tư duy bị phân lập, không còn khu biệt ở chuyện người mẫu mặc bikini đẹp, hay bikini đẹp là nhờ người mẫu. Bởi bikini cũng lấy rốn làm trung tâm, và cũng trải qua khá nhiều "chuyện thị phi" về một mảnh hai mảnh, dài ngắn, rộng hẹp và màu sắc.

Lịch sử bikini có thể bắt nguồn từ truyền thống đóng khố, từ các thổ dân, hay chính từ những hình vẽ thể thao từng xuất hiện trên các bình gốm thời Hy Lạp cổ đại, khoảng 1400 TCN. Cũng xin lưu ý thêm rằng, thời thành bang Hy Lạp, trong các cuộc thi Olympic, người thi (đa phần là đàn ông) đều không mặc quần áo, đây là quy định, để khoe thân thể đẹp. Một số môn thi chỉ được mặc một "bikini" nhỏ. Nhà triết học - nhà toán học Pythagore từng hai lần giành huy chương vàng điền kinh trong tư thế hoàn toàn khỏa thân. Nhiều nhà tư tưởng, triết học đương thời cũng từng đạt giải Olympic như vậy, vì lúc ấy quan niệm kiểu "văn võ toàn tài".

Cũng có ý kiến cho rằng bikini hiện đại do kỹ sư Louis Reárd (người Pháp) và nhà thiết kế Jacques Heim phát minh tại Paris năm 1946, với tên gọi được đặt theo tên một đảo san hô, nơi vài ngày trước đó đã xảy ra vụ thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử tranh vẽ, ảnh chụp, tạp chí và phim ảnh, có vẻ như bikini đã có mặt trước đó khá lâu. Tại Đức, người ta thấy bikini qua phim vào năm 1930. Tại Nhật Bản, không phải qua phim, mà là trên sân khấu thử nghiệm, người ta đã nhìn thấy vào cuối thế kỷ 19.

Cho nên, bước tiến mơ ước nhất của bikini là sự thượng đẳng (hi-end - tột đỉnh), với đỉnh cao cuồng vọng là bikini đi một đường, người mẫu đi một nẻo... nhưng chưa thực hiện được. Khi cuộc cách mạng đó chưa xảy ra, chưa thay đổi được ý thức của phần lớn công chúng, thì bikini vẫn còn là một lĩnh vực, một "định chế" văn hóa nhạy cảm.

Theo Vô Ưu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.