Trịnh Công Sơn tiên cảm về hòa bình, hòa giải và tự do

40 năm thống nhất đất nước, nhìn lại một chặng đường dài của đất nước, mới thấy sức tiên cảm của Trịnh Công Sơn về một ngày hòa bình, thống nhất và ước mơ về một sự hòa giải trong tim người VN.

40 năm thống nhất đất nước, nhìn lại một chặng đường dài của đất nước, mới thấy sức tiên cảm của Trịnh Công Sơn về một ngày hòa bình, thống nhất và ước mơ về một sự hòa giải trong tim người VN.

Trong nhiều ca khúc viết lúc đất nước còn chia cắt, Trịnh Công Sơn viết như lời tuyên xưng đức tin của một người yêu nước bằng hai tiếng “da vàng”, đồng thời kêu gọi mọi người yêu nước và yêu nhau. Cũng là người Việt da vàng, cùng chung dòng máu, nhưng quay mũi súng vào nhau. Viết “Tình ca người mất trí”, Trịnh Công Sơn nói về những cái chết của người lính. Ông không nói người lính ở bên phía nào. Dù là phía nào, thì cái chết của họ cũng để lại nỗi đau cho người ở lại. Họ có nhiều tên riêng nhưng họ chỉ có một tên chung - người VN. Ông cất tiếng hát gọi cái tên thiêng liêng đó: “Tôi muốn yêu anh yêu VN. Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm. Gọi tên anh VN. Gần nhau trong tiếng nói da vàng”.
 
Mơ ước hòa bình, mong tìm hòa giải và khát khao tự do là ba mối suy tư lớn của Trịnh Công Sơn. Trong nhiều bài hát, ông nhắc đến quyền tự do, sự tự do cho con người. Ông đòi tự do một cách tha thiết, khẩn thiết và tuồng như, ông lo sợ điều đó không đến, hoặc đến không như mong đợi. Sự mẫn cảm của người nghệ sĩ thôi thúc ông nhắn gửi với cộng đồng về điều này. Hòa bình, thống nhất phải đi liền với tự do, ông nói lên điều đó trước khi đất nước thống nhất. “Chờ nhìn quê hương sáng chói” không chỉ là chờ có một ngày hòa bình, mà ngày đó cất lên được tiếng nói tự do: “Chờ trống dồn tin mừng khắp phố làng ta. Chờ nghe từ đất dậy tiếng ca tự do”. Trong “Đồng dao hòa bình”, ông tin “Đường VN hôm nay có bước chân tự do”. Ông nhắc nhớ như vậy có lẽ vì ông lo lắng người ta sẽ quên đi điều quan trọng nhất, tự do là một phần không thể thiếu của hòa bình.
 
 
Mơ về ngày thống nhất để xây dựng đất nước, xây những con đường cho dân ta đi. Nhưng có một con đường, một căn nhà mà Trịnh Công Sơn kiên trì kêu gọi phải xây cho được, đó là con đường VN và căn nhà tự do. Căn nhà tự do cũng chính là con đường VN: “Hòa bình nào vừa bay về trong gió lớn. Rừng núi ta ơi đi dựng lại con đường VN. Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khó. Cùng đứng lên ta đi dựng lại căn nhà tự do” (Dân ta vẫn sống). Trong ca khúc “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, Trịnh Công Sơn hai lần nhắc đến “tự do”, ông chờ mong tự do như chờ mong hòa bình. Lòng như lửa đốt chờ đợi một giá trị cao quý nhất dành cho dân mình: “Từ Trung Nam Bắc chờ mong nung đốt. Những bó đuốc reo vui tự do” và “Ngựa bay trong gió lòng reo muôn vó. Cho dân ta bừng lớn trong tự do”. Đúng là chỉ có tự do dân mình mới bừng lớn lên được. Ai nói Trịnh Công Sơn không có nhãn quan chính trị thì quả là sai lầm.
 
Chỉ có sự tự do, chỉ vì con người, không nhân danh bất cứ thứ gì trên đời ngoài hai tiếng “con người”. Trịnh Công Sơn nhìn cuộc chiến, thấy máu xương của những người anh em cùng con cái của mẹ VN đã đổ ra vì nhiều thứ nhân danh... Cho nên, ông nhất quyết phải can gián, ông cất lên tiếng gọi hòa bình và tự do, như trong bài “Ta đã thấy gì đêm nay”: “Dòng máu anh em đã nhuộm mặt trời. Cùng xương khô lên tiếng nói. Đời sống ấm êm nhân danh con người”...
 

Theo Lê Thanh Phong (Lao Động)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.